Hơn 3 tuần nới giãn cách, vẫn có nơi rào làng, chặn ngõ

Hơn 3 tuần trôi qua kể từ thời điểm Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội (21/9), những rào chắn kiên cố vẫn đang duy trì tại một số thôn xóm, ngõ phố, gây bất tiện cho đi lại, sinh hoạt của người dân và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có sự cố cần cứu nạn cứu

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Bảo vệ vùng xanh không nhất thiết phải rào làng, chặn ngõ (Ảnh chụp tại đường Nguyễn Văn Lộc, Q. Hà Đông sáng 13/10)

Các lối nhỏ bị chặn bởi 3-5 kiêu gạch xếp cao ngang thân người lớn, các phương tiện chỉ có thể ra vào thôn trên một trục đường chính, dù địa phương từ lâu không xuất hiện ca bệnh Covid-19. Đó là sự bất tiện trong sinh hoạt và giao thương của người dân thôn Trùng Quán, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm.

Anh Hoàng Đăng, sinh sống tại địa phương cho biết, anh rất e ngại về an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhất là khi cán bộ lý giải với bà con rằng, rào chắn sẽ được duy trì đến khi nào hết dịch mà không rõ thời điểm cụ thể:

"Trong làng rất nhiều xưởng may, khoảng hơn 100 xưởng mà có mỗi một đường đi vào như thế chẳng may hỏa hoạn thì không cứu kịp. Hay là người dân ở rìa làng, gần chốt đấy mà muốn đi cấp cứu thì lại phải vòng ra tít ngõ to, rất là bất tiện".

Theo khảo sát của phóng viên VOV Giao thông trong chiều 8/10, tại một số điểm rào chắn ở thôn Trùng Quán, người dân đã tự ý tháo dỡ, một số điểm khác thì người dân cố gắng luồn lách qua khe hở của những kiêu gạch, rất nguy hiểm với trẻ nhỏ hiếu động.

Rào chắn bằng gạch tại thôn Trùng Quán, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm vẫn hiện hữu sau 3 tuần nới lỏng giãn cách, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy

Trong khi đó, trên trục đường chính ra vào thôn, chốt kiểm soát dịch bệnh có cán bộ trực nhưng không hề kiểm soát phương tiện. Trao đổi qua điện thoại với phóng viên VOV Giao thông trong chiều cùng ngày, lãnh đạo xã Yên Thường cho biết, việc sử dụng loại vật liệu, thiết bị nào để rào chắn là do các thôn, tổ dân phố tự quyết định:

"Chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của thành phố và huyện chứ không phải tự ý. Các chốt cứng liên quan đến ngõ ngách để người dân tránh đi vào, và chỉ để đi ra một lối để đảm bảo kiểm soát, bảo vệ “vùng xanh”. Tiếp thu ý kiến, chúng tôi sẽ báo cáo huyện để xin ý kiến".

Vị lãnh đạo xã Yên Thường cho biết sẽ có phản hồi thông tin chính thức nhưng đến hôm nay (13/10), phóng viên VOV Giao thông vẫn chưa thể liên lạc, sắp xếp lịch làm việc.

Ngoài thôn Trùng Quán, một số chốt “rào làng, chặn ngõ” khác vẫn hiện hữu ở thôn Yên Thường, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm; hay các khu nhà liền kề trên đường Nguyễn Văn Lộc và đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông;…

Việc luồn lách qua khe hẹp của những kiêu gạch tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt với trẻ nhỏ hiếu động

Theo Trung tá Trần Văn Đồng, giảng viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, những hàng rào kiên cố bằng tôn, gỗ, gạch, dây thép gai,… là một nguy cơ khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến giao thông trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

"Theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy, việc đảm bảo giao thông cho hoạt động chữa cháy, cứu nạn cứu hộ là rất quan trọng. Chính vì vậy, các địa phương vẫn còn duy trì các hàng rào ngăn cách, cách ly bằng vật liệu kiên cố cũng là nguy cơ tiềm ẩn, cũng cần được các cơ quan, đơn vị địa phương tính phương án làm sao khi có sự cố cháy nổ thì di rời kịp thời".

Còn theo PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, việc duy trì rào chắn tại thôn xóm, ngõ phố thời điểm này là không cần thiết khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát:

"Không cần đặt rào chắn nữa để ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của người dân. Quan trọng là giáo dục ý thức cộng đồng, phải tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt phương pháp phòng bệnh. Đồng thời, khi khách đến nhà có nguy cơ cao thì cần báo cho cơ sở y tế. Khi phát hiện ổ dịch nào có F0 thì rào chắn cách ly thôi".