Hỗ trợ doanh nghiệp 'xanh hóa sản xuất' để nâng cao sức cạnh tranh

Xanh hóa công nghiệp đang trở thành xu hướng phát triển đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, thị trường trong và ngoài nước cũng liên tục có những quy định mới liên quan tới sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, đòi hỏi hàng hóa phải có những giải pháp thích ứng. 

Trong khi đó, sản xuất hoá chất và phân bón là những ngành công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây phát thải cao, sử dụng nhiều năng lượng do đó yêu cầu về tiêu chuẩn xanh còn được đặt ra khắt khe hơn rất nhiều. 

Bà Nguyễn Thanh Phương, Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương

Chia sẻ tại Tọa đàm “Xanh hóa” sản xuất hóa chất và phân bón: Cơ hội cạnh tranh hiệu quả cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thanh Phương, Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, xanh hóa công nghiệp là khái niệm còn khá mới, chưa có quy định cụ thể nên việc triển khai còn gặp khó khăn.

“Mặc dù Việt Nam chủ trương hướng tới xanh hóa công nghiệp cũng như sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng, nhưng việc áp dụng hiện nay vẫn còn rất nhỏ lẻ, chưa đồng bộ,” bà Nguyễn Thanh Phương cho biết.

Theo bà Phương, với những khó khăn trên, ngành công nghiệp, công thương nói chung và hóa chất nói riêng cần thực hiện đầy đủ, đúng quy định về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính…

Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự nghiên cứu tính toán phương án giảm phát thải như thế nào, tiết kiệm năng lượng ra sao để tìm ra bài toán về chi phí sản xuất.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường chỉ đạo cũng như triển khai các nhiệm vụ liên quan được giao trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường nói chung, các nội dung liên quan như phát triển công nghiệp môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh…

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài nguyên Môi trường để tìm ra những quy định và chỉnh sửa các quy định liên quan cho phù hợp giúp các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả, khả thi nhất.

Xanh hóa traong sản xuất đang trở thành xu hướng phát triển đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế - Ảnh nh họa

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, sản xuất xanh là xu thế tất yếu, vừa phát triển bền vững vừa cạnh tranh có hiệu quả.

"Người tiêu dùng hiện nay ngày càng thông nh hơn, khi chọn một mặt hàng nào thì đầu tiên sẽ là chất lượng, giá cả tiếp đến là chọn thương hiệu. Nếu doanh nghiệp sản xuất theo hướng xanh thì thương hiệu sẽ nổi tiếng hơn", ông Hà nhận định.

Ở lĩnh vực hóa chất, hiện nay, việc ban hành các quy định nhằm tạo động lực thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ về xanh hóa ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh.

Tuy vậy, ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho rằng, dù các cơ chế, chính sách đã có, song đối với ngành hóa chất để tiếp cận cũng chưa thực sự rõ ràng, chưa kể việc tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi để đầu tư công nghệ, chuyển đổi xanh còn khó khăn…

Ông Phùng Ngọc Bộ cũng chỉ ra một số khó khăn, đơn cử như nhiều công nghệ hiện vẫn đang sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Hơn nữa chi phí công nghệ cũng như giá thành sản xuất cho các sản phẩm xanh vẫn còn cao, đòi hỏi nhiều thời gian mới có thể cân bằng được giữa giá thành của một sản phẩm xanh với một sản phẩm thông thường.

Tọa đàm “Xanh hóa” sản xuất hóa chất và phân bón: Cơ hội cạnh tranh hiệu quả cho doanh nghiệp ngày 24/10

Được biết, hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với lại các bộ, ngành nói chung và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nói riêng để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển công nghiệp môi trường trong giai đoạn tới, bao gồm những nội dung để thúc đẩy xanh hóa, ngành nông nghiệp nói chung và ngành hóa chất nói riêng.