Những con cá nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Rêu xanh, rác thải theo làn sóng đẩy dạt vào bờ. Mùi hôi thối bốc lênh theo làn gió đưa thẳng vào không khí. Đây là cảm nhận của người dân và du khách trong những ngày qua.
Từ những ngày đầu tháng 10, tình trạng cá chết trắng mặt hồ đã khiến nhiều người dân người dân vô cùng lo lắng về chất lượng nước hồ Tây.
Thường xuyên ra hồ Tây để đi dạo và tập thể dục, anh Phạm Ánh Dương (trú tại phường Liễu Giai, Ba Đình) chia sẻ: “Nói chúng ô nhiễm lắm, mùi nữa, hôm nay cá chết nhiều, đi qua mỗi lần gió thổi là mùi thật, theo tôi nghĩ có nhiều vấn đề khiến cá chết, mình không thể võ đoán được, chắc do nguồn nước ô nhiễm, bẩn quá cá không sống được, không có oxy nên chết, cái này phải người có chuyên môn kiểm tra, nguồn phát thải ở đâu, làm sao khiến cá chết. Như mình đi khám thôi, phải xét nghiệm xem là bệnh gì”.
Những năm qua, tình trạng cá chết tại hồ Tây gần như đã trở thành 1 mùa trong năm. Theo người dân, cứ vào khoảng thời gian chuyển mùa từ nóng sang lạnh, là hiện tượng cá chết hàng loạt lại xuất hiện. Nhiều người cho rằng cá chết do chất lượng nước, tảo trong nước làm ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của cá. Tuy nhiên cũng có người thì cho rằng, tình trạng cá chết nổi trắng mặt hồ là do nước bị ô nhiễm bởi nước xả thải từ các nhà hàng xung quanh hồ.
Thực tế cho thấy, đi dọc ven hồ Tây, không khó để bắt gặp những vỏ lon bia, chai nước lọc, túi nilon xanh, đỏ bồng bềnh theo làn sóng. Bùn đất, rác thải bị ùn ứ từ những đường ống thoát nước dẫn xuống hồ Tây. Gần đây, tình trạng cá chết xuất hiện, nước hồ Tây cũng chuyển màu xanh rêu đậm hơn. Theo người dân, đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề về môi trường nước và làm ảnh hưởng đến sự sống của các sinh vật trong hồ.
“Đây là giao mùa, thời tiết lâu quá không có mưa, nước cạn, tảo bắt đầu nổi lên, các loại cá kiếm ăn ở tầm trung, ăn nổi thì tảo ngấm vào mang cá khiến cá không thở được vì thiếu oxy”.
“Cá chết là do vấn đề về môi trường. Còn một số yếu tố khác từ những nhà hàng mình cũng không thể nhìn thấy. Sẽ có những cái cống ngầm ở nhà người dân mình đi qua mình sẽ không thể thấy được. Để tỉ lệ mà cá chết do câu do đánh lưới thì không nhiều chắc chắn là còn do những cái kĩ hơn mà mình không thể nhìn bằng mắt thường được”.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Hồ Tây, từ đầu tháng 10 đến nay, hiện tượng cá chết xảy ra rải rác ở các khu vực trên mặt hồ. Số lượng cá chết có xu hướng tăng dần từ ngày 13/10, tập trung ở các khu vực Vệ Hồ, Trích Sài, Nguyễn Đình Thi, Thanh Niên, khối lượng dao động từ khoảng 250-300kg/ngày, cao điểm trong 2 ngày ngày 23-24/10, lượng xác cá thu được khoảng 600kg/ngày.
Từ ngày 25/10, tình trạng cá chết có xu hướng giảm dần, chỉ còn tập trung ở trục đường Thanh Niên, Nguyễn Đình Thi và Trích Sài.
Chia sẻ với PV Kênh VOV Giao thông, PGS. TS Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Hồ Tây có vai trò quan trọng là một điểm tham quan và mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Hiện tượng cá chết hàng loạt gây suy giảm đa dạng sinh học. Trong đó, một số cá bị phân hủy, nhưng không thể nào dọn hết được hoặc xác cá chưa kịp vớt lên xử lý đã bị phân hủy, tạo thêm chất độc, gây ô nhiễm môi trường nước ở hồ Tây, tác động không tốt đến sức khỏe cộng đồng.
Để khắc phục tình trạng cá chết hàng loạt theo mùa tại hồ Tây, Hà Nội cần kiểm soát được nước thải và rác thải xuống hồ, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát môi trường nước, thông qua thiết lập hệ thống quan trắc tự động theo dõi các thông số hoặc bố trí nhân lực kiểm tra thường xuyên hàm lượng oxy hòa tan và các chất gây ô nhiễm.
“Mặc dù, hiện nay, thành phố có các trạm quan trắc hoặc thiết bị nhưng phải làm khá thường xuyên và có khả năng dự báo, đự đoán. Trước thời điểm thời tiết chuyển lạnh vào tháng 10, tháng 11 hàng năm, phải quan trắc dày hơn, phát hiện bất thường và xử lý sớm. Ví dụ như định kỳ nạo vét lòng hồ, để hạn chế tích tụ chất hữu cơ dưới nền đáy và tăng sự lưu thông, sự xáo động nước, để không xảy ra hiện tượng “lật đáy”. Tiếp theo là nâng cao ý thức, nhận thức của cộng đồng, tránh tự do xả các loại nước, rác vào ao hồ nói chung và hồ Tây nói riêng. Việc thả cá giống vào hồ cũng rất thận trọng. Nếu thả xuống đấy những nhóm không phù hợp, không phải là loài bản địa có thể phá vỡ cấu trúc tự nhiên ở khu vực đó”, PGS. TS Nguyễn Thành Nam cho biết.
Thế nhưng, điều quan trọng nhất để có thể bảo vệ được hồ Tây vẫn là ý thức của mỗi người dân, tránh tình trạng xả rác bừa bãi từ các quán ăn, nhà hàng xuống hồ. Cùng với đó Hà Nội cần kiểm soát chặt nguồn nước thải của các hộ dân xung quanh hồ Tây, yêu cầu các hộ dân ký cam kết không xả thải trực tiếp xuống hồ, đồng thời bố trí nguồn nước ra vào để cải thiện chất lượng nước của hồ Tây, tránh việc biến hồ Tây trở thành “ao tù” giữa lòng thủ đô.