Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Cá chết ở Hồ Tây không chỉ do thời tiết

Hải Hà: Thứ hai 28/10/2024, 09:09 (GMT+7)

Trong khoảng 1 tuần nay, tình trạng cá chết hàng loạt xảy ra ở hồ Tây gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chỉ trong mấy ngày, Xí nghiệp thoát nước số 1 đã thu gom được gần 5 tấn xác cá. Hiện tượng cá chết hàng loạt vào thời điểm cuối tháng 10, đầu tháng 11 xảy ra từ nhiều năm nay.

Chứng kiến cảnh cá chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh trên mặt hồ cả tuần nay, anh Nguyễn Đức An, sống ở khu vực gần hồ Tây y không khỏi xót xa:

"Mấy hôm nay thấy nhiều mà trắng phớ từ trường Chu Văn An  đến đầu đường Thanh Niên, dọc đấy mà trắng xóa. Mấy hôm nay mùi kinh lắm, phát sợ luôn. Mình đi từ 6h-6h30 sáng là về đến nhà nhưng thời điểm đấy chưa thấy thu gom."

Theo thông tin từ Ban Quản lý Hồ Tây, từ đầu tháng 10 đến nay, hiện tượng cá chết xảy ra rải rác ở các khu vực trên mặt hồ. Số lượng cá chết có xu hướng tăng dần từ ngày 13/10, tập trung ở các khu vực Vệ Hồ, Trích Sài, Nguyễn Đình Thi, Thanh Niên, khối lượng dao động từ khoảng 250-300kg/ngày, cao điểm trong 2 ngày ngày 23-24/10, lượng xác cá thu được khoảng 600kg/ngày.

Từ ngày 25/10/2024, tình trạng cá chết có xu hướng giảm dần, chỉ còn tập trung ở trục đường Thanh Niên, Nguyễn Đình Thi và Trích Sài.

Tiếp tục diễn ra tình trạng cá chết hàng loạt xảy ra ở hồ Tây trong 1 tuần qua. Ảnh: Lao động

Tiếp tục diễn ra tình trạng cá chết hàng loạt xảy ra ở hồ Tây trong 1 tuần qua. Ảnh: Lao động

Trước tình hình này, Ban Quản lý hồ Tây đã nhanh chóng phân công cán bộ, viên chức bám sát hiện trường và yêu cầu Xí nghiệp Thoát nước số 1 bố trí đủ phương tiện, nhân lực thường xuyên ứng trực, tăng cường tần suất thu gom, xử lý rác thải, cá chết không để xảy ra hiện tượng ùn ứ (cả mặt nước và điểm tập kết) gây mất vệ sinh môi trường.

Từ thực tế quá điều tra, khảo sát tại hồ Tây, Thạc sĩ Ngô Sĩ Vân, cán bộ nghỉ hưu của Viên nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho biết, đa dạng sinh học của Hồ Tây bị suy giảm rất nhiều. Trước đây, Hồ Tây có 60-70 loài cá nhưng đến nay chỉ có 20-30 loài, nhiều loài bị tuyệt chủng, các loài đặc hữu, thủy sinh khác cũng giảm đi rất nhiều.

Hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ Tây không chỉ là nguyên nhân của thay đổi thời tiết mà là do ô nhiễm nguồn nước.

"Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng ô nhiễm từ nguồn nước thải trong dân và các nhà hàng thải ra khá nhiều, con người không xử lý được và không có ý thức. Mấy tháng trước, đi đến các cống bọt xà phòng thải ra khá nhiều. Ngày xưa, quanh bờ hồ có cây cỏ thủy sinh nó hấp thụ một phần và lượng xả thải ít nhưng bây giờ xả thải quá nhiều nên thủy sinh sinh vật không có,  khả năng hấp thụ chu trình vật chất không còn nữa", Thạc sĩ Ngô Sĩ Vân cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN tình trạng ô nhiễm nguồn nước, chất thải, rác thải sinh hoạt không qua xử lý khiến Hồ Tây bị tích tụ nhiều chất hữu cơ ở tầng đáy từ nhiều năm nay. Nhóm vi sinh vật kị khí ở lớp tầng đáy, có khả năng tạo ra khí độc cho thủy sinh vật như metan, H2S, CO2...

Cá chết nổi trắng nhiều khu vực mặt hồ Tây. Ảnh: Nam Trần/Tuổi trẻ

Cá chết nổi trắng nhiều khu vực mặt hồ Tây. Ảnh: Nam Trần/Tuổi trẻ

Nước ở Hồ Tây có thể được phân thành nhiều tầng lớp khác nhau trong mùa xuân hè, tầng nước mặt thường ấm hơn ở tầng lớp dưới. Khi có sự thay đổi về thời tiết lạnh hơn vào mùa thu đông, sự phân tầng bị phá vỡ hay còn gọi hiện tượng “lật đáy”.

Ông Nam lý giải, mùi hôi ở quanh Hồ Tây thời điểm hiện tại một phần do xác cá chết, một phần có thể do khí độc như H2S dịch chuyển lên và phát tán ra không khí: "Thứ nhất, khi thời tiết mát, nước ở phía dưới hòa trộn với nước ở phía trên và bốc lên ở tầng mặt và tầng giữa gây hiện tượng đưa khí độc từ dưới lên, gây thiếu ô xi, gây sốc cho thủy sinh vật. Thứ hai, do hiện tượng phú dưỡng, khiến tảo phát triển ồ ạt (gọi tảo nở hoa). Khi phát triển quá nhanh, quá mạnh và chết, bị phân hủy lấy ô xy và tạo ra CO2 gây sốc cho các loài thủy sinh hoặc gây vướng qua mang, cản trở hô hấp và làm giảm hoạt động hệ miễn dịch của cá."

Sở dĩ đa phần cá chết ở Hồ Tây là cá mè, theo một số chuyên gia thủy sản là do, cá mè, cá trôi, cá trắm sống chủ yếu ở tầng nước mặt và tầng nước ở giữa. Do vậy, khi 2 tầng lớp này xảy ra hiện tượng thiếu oxy, cá mè bị chết và nổi sớm hơn, còn những con bị cá bống, cá quả, cá trê chết muộn hơn,…

Tình trạng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây nếu không giải quyết sẽ làm gia tăng ô nhiễm nước ở Hồ Tây, làm suy giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến môi trường và phát triển du lịch. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Tây, thành phố Hà Nội cần có giải pháp quyết liệt, kịp thời để cải thiện chất lượng nước hồ Tây, kiểm soát nguồn nước xả thải và có nguồn nước đầu ra để đảm bảo sự luân chuyển, lưu thông, tránh tình trạng trở thành ao tù.

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn