Hạn chế tốc độ đô thị, phải tùy tuyến đường

Mặc dù tỷ lệ phương tiện chạy quá tốc độ tại Hà Nội có xu hướng giảm dần qua các năm.Tuy nhiên, nếu so với tốc độ tối thiểu 30km/h của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ chạy quá tốc độ qua khu vực qua cổng trường học, bệnh viện và các khu vực đông dân cư lên tới 60%.

Bà Kelly Larson, Giám đốc chương trình an toàn giao thông đường bộ, Tổ chức Bloombergs Philanthropies cùng các chuyên gia đi khảo sát thực tế

Tại cuộc họp sáng nay, giữa Sở GTVT thành phố Hà Nội, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội và Quỹ từ thiện Bloombergs, Tổ chức Vital Stategies về giải pháp thí điểm cải tạo hạ tầng trường học trong khuôn khổ dự án Sáng kiến Bloombergs Philanthrophies vì An toàn giao thông đường bộ toàn cầu (dự án BIRGS), nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, cần hạn chế tốc độ qua khu vực cổng trường học, bệnh viện, khu đông dân cư nhằm giảm thiểu thương vong do tai nạn giao thông gây ra.

Ông Đào Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Dự án Bloombergs về an toàn đường bộ giai đoạn 2021-2025 Bloombergs được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt và giao cho Sở GTVT Hà Nội thực hiện.

Thời gian quan, Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện giải pháp mô hình cổng trường an toàn tại 3 cụm trường học trên địa bàn thành phố và đã đạt được nhiều kết quả khả quan: tốc độ chung của các phương tiện qua các khu vực này đã giảm, số lượng học sinh sử dụng hè phố và đi xe đạp đến khu vực này tăng hơn.

Bên cạnh đó, Dự án có nhiều chương trình thiết thực như ra mắt cuốn sách hướng dẫn thiết kế đường phố toàn cầu, hướng dẫn thiết kế đường phố cho trẻ em và cách thức đánh giá chuyển đổi đường phố, tổ chức đào tạo và tập huấn thiết kế đường phố trên toàn cầu nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. 

Ông Đào Duy Phong, phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội phát biểu tại cuộc họp

Sau gần 1 năm triển khai thực hiện mô hình cổng trường an toàn tại trường tiểu học Nguyễn Du, phường Văn Quán, quận Hà Đông, mặc dù lòng đường bị thu hẹp để hình thành làn đường cho người đi bộ, nhưng chị Nguyễn Thanh Mai, trú tại quận Thanh Xuân vẫn không cảm thấy bất tiện khi đi qua khu vực này: "Đường này vẫn đủ 2 ô tô và xe máy 2 làn được cũng thoải mái. Nếu có gờ này mình sẽ để ý hơn, giảm tốc độ để đỡ gây tai nạn đối với các trẻ nhỏ, phụ huynh hơn"

Có mặt trực tiếp tại khu vực cổng trường tiểu học Nguyễn Du để khảo sát dự án, bà Kelly Larson, Giám đốc chương trình an toàn giao thông đường bộ, Tổ chức Bloombergs Philanthropies đánh giá: "Tôi thấy có sự thay đổi rất lớn ở khu vực cổng trường tiểu học Nguyễn Du, Hà Đông. Về cơ bản có thể thấy những gì cấu thành lên một đường phố an toàn hơn, chúng ta thấy gờ giảm tốc, làn đường thu hẹp từ 10 mét xuống còn 6 mét để học sinh, cha mẹ có thể qua đường  an toàn.

Về mặt tài chính, đầu tư không quá nhiều tiền nhưng đã giảm được tốc độ của tất cả các phương tiện qua khu vực này từ 40km xuống còn 30km/h đảm bảo an toàn cho học sinh đi lại. Nếu như mô hình này được nhân rộng, nhiều học sinh ở thành phố hơn sẽ được tham gia giao thông an toàn hơn"         

Bà Kelly Larson, Giám đốc chương trình an toàn giao thông đường bộ, Tổ chức Bloombergs Philanthropies cùng các chuyên gia đi khảo sát thực tế

Ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng phòng Quản lý Đường sắt đô thị, Sở giao thông vận tải Hà Nội cho biết, tại khu vực cổng trường tiểu học Nguyễn Du, số lượng người đi xe đạp tăng 21%, tốc độ phương tiện cơ giới lưu thông qua khu vực này giảm 19%. Đặc biệt, 71% số người được hỏi thấy yên tâm khi cho con em tự đi bộ hoặc đạp xe trên đoạn đường được thiết kế lại.

Tuy nhiên, theo ông Toàn, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai dự án gặp không ít khó khăn như thời gian đầu chưa có được sự đồng thuận của người tham gia giao thông và các hộ kinh doanh dọc theo tuyến hè ...

Nói về triển vọng nhân rộng mô hình cổng trường an toàn ra các khu vực khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Tạ Đức Giang, Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: "Sau khi thực hiện mô hình thí điểm tại 3 cụm trường tại thành phố, Ban ATGT Hà Nội sẽ báo cáo kết quả với UBND thành phố. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của thành phố Gia Lai và cũng như thiết kế khuyến cáo của Dự án Bloombergs về an toàn đường bộ toàn cầu, xem xét báo cáo với UBND thành phố những vị trí, khu vực được khảo sát, đủ điều kiện sẽ tiếp tục áp dụng trên sự đồng ý cho phép của UBND thành phố Hà Nội"

Theo kết quả nghiên cứu quan sát độc lập của Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloombergs về các yếu tố rủi ro đến an toàn giao thông đường bộ của thành phố Hà Nội, tỷ lệ chạy quá tốc độ tại Hà Nội đã có xu hướng giảm, từ mức 16% năm 2021 giảm xuống 7% năm 2024.

Cuộc họp giữa Sở GTVT Hà Nội, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội và Quỹ từ thiện Bloombergs, Tổ chức Vital Stategies

Tuy nhiên, nếu so với tốc độ tối thiểu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) đưa ra, tỷ lệ chạy quá tốc độ qua khu vực qua cổng trường học, bệnh viện, khu vực đông dân cư rất cao, lên tới 60% (thời điểm tháng 3/2024). Các đối tượng vi phạm tốc độ chủ yếu là xe cá nhân với 91%, trong khi xe công nghệ chỉ chiếm 8% và  xe dịch vụ 1%.

PGS.TS Quingfeng Li, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương tích Quốc tế, Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloombergs đưa ra khuyến nghị, thành phố Hà Nội cần thực hiện giới hạn tốc độ tối đa là 30km/h tại các khu vực  giao thông hỗn hợp với người đi bộ và đi xe đạp. Đồng thời, thực hiện các biện pháp giảm tốc độ như gờ giảm tốc độ, lắp biển báo hạn chế tốc độ để bảo vệ những người tham gia giao thông dễ bị tổn thương.

Về nội dung này, ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng phòng Quản lý Đường sắt đô thị, Sở giao thông vận tải Hà Nội cho rằng: "Việc hạn chế tốc độ cần phải nghiên cứu thật kỹ những tuyến đường nào phù hợp và tập trung vào những khu vực cần hạn chế để đảm bảo an toàn, không thể làm một cách đại trà ở tất cả các tuyến đường vì có thể gây ra những hiệu ứng khác và quan trọng nhất cần thực hiện từ từ từng bước để tạo ra thói quen cho người tham gia giao thông"

Một số ý kiến cho rằng, để tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình cổng trường an toàn, ngoài Sở GTVT Hà Nội cần có sự vào cuộc tích cực của UBND quận, huyện, thị xã và Sở Giáo dục và đào tạo. Cùng với đó, lực lượng chức năng tăng cường xử lý những trường hợp dừng đỗ sai quy định, trong phạm vi cổng trường và đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông và phụ huynh học sinh./.