Hạn chế rút tiền từ thẻ tín dụng: Ngân hàng Nhà nước nói gì?

VOVGT-Một thẻ tín dụng chi tiêu ở nước ngoài chỉ được rút tiền mặt ngoại tệ tối đa là 30 triệu/ngày nhằm hạn chế chủ thẻ tín dụng chi tiêu không đúng mục đích.

Giới hạn số tiền mặt rút ra mỗi ngày, mở rộng đối tượng dùng thẻ tín dụng là một số điểm mới đang được NHNN đưa ra - Ảnh: Báo Thanh Niên

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Theo dự thảo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một thẻ tín dụng chi tiêu ở nước ngoài chỉ được rút tiền mặt ngoại tệ tối đa là 30 triệu đồng trong một ngày. Còn đối với giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ (thông qua các máy POS), số tiền được rút tối đa là 5 triệu đồng/ngày. Bên cạnh đó, trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản đảm bảo, ngân hàng cấp hạn mức tín dụng không quá 80% giá trị của tài sản đó và tối đa là 1 tỉ đồng. Đối với chủ thẻ không có tài sản đảm bảo thì hạn mức cấp tín dụng tối đa là 500 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên NHNN đưa ra quy định về hạn mức rút tiền mặt trên thẻ tín dụng. Theo giải thích của NHNN, quy định này nhằm hạn chế việc sử dụng ngoại tệ được rút từ thẻ và chi tiêu không đúng mục đích được phép theo pháp luật ngoại hối. Còn đối với hạn mức rút tiền mặt qua các máy POS trong ngày nhằm hạn chế rủi ro.

Trao đổi về dự thảo quy định này, Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, lý do đưa ra quy định này có thể hiểu ngân hàng muốn tránh chảy máu ngoại tệ trong tình cảnh cả nền kinh tế đang chắt chiu từng đồng xuất khẩu hàng hóa để thu ngoại tệ về. TS Nguyễn Minh Phong phân tích:

“Dự thảo này là một đề xuất cũng dựa trên mục tiêu quản lý nhà nước đó là đảm bảo thứ nhất là chống việc rửa tiền, chuyển tiền qua nước ngoài không hợp pháp . Thứ hai, nhằm hạn chế việc chi tiêu USD của Việt Nam quá nhiều nước, vì tất cả các khoản dù là tiền của tư nhân mà chuyển thành USD và gửi qua nước ngoài đều phải mua của ngân hàng. Như vậy, đặt trong tình huống rất nhiều người cùng tiêu thì lượng ngoại tệ chảy qua nước ngoài rất lớn, trong bối cảnh kiều hối đang giảm và chúng ta đang nhập siêu. Đó là hai lý do có thể hiểu vì sao NHNN đề xuất như vậy”.

 

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Minh Phong còn cho rằng, nếu xét về quyền lợi của người tiêu dùng thì chúng ta cũng cần phải lưu ý những điều kiện cụ thể của quy định, bới nhu cầu chi tiêu ngoại tệ ở nước ngoài của người dân là có thật. Nếu người dân người dân có nhu cầu đi học, chữa bệnh hay thậm chí là mua sắm mà họ đã chuyển tiền một cách hợp pháp thì họ phải được chi tiêu theo nhu cầu. TS Nguyễn Minh Phong cho biết thêm:

“Nhưng xét về quyền lợi của người dùng thì chúng ta cũng cần lưu ý, nếu như các khoản tiền của người dân mà có nguồn gốc hợp pháp và đằng nào họ cũng sẽ tiêu, tiêu ở trong nước hay nước ngoài thì là quyền của NTD và NHNN phải lý giải được và phải có cơ chế để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Và nếu có ngăn chặn, chỉ nên ngăn chặn những khoản chi tiêu không đúng mục đích. Còn khi người dân có nhu cầu đi học, đi chữa bệnh hay thậm chí là đi mua sắm mà họ đã chuyển tiền một cách hợp phải thì người dân phải được tiêu theo nhu cầu và điều kiện. Nếu chúng ta cứ cứng nhắc mà không có cơ chế giải quyết cho những nhu cầu chính đáng được pháp luật bảo hộ thì rõ ràng sự áp đặt của NHNN sẽ cao hơn quy định pháp luật, như vậy là không phù hợp”.

 

Dự thảo có lợi ích chống chảy máu ngoại tệ và hạn chế không dùng tiền mặt, tránh rủi ro khi dùng thẻ tín dụng - Ảnh: Báo Tin Tức

Bên cạnh ý kiến của các chuyên gia kinh tế, cũng có một số quan điểm cho rằng, đây là quy định bất hợp lý vì việc chi tiêu như thế nào là quyền của cá nhân mà ngân hàng không nên can thiệp. Vậy, câu chuyện này, dưới quan điểm pháp luật nên được nhìn nhận ra sao? Trao đổi với chương trình, LS-ThS Luật học Phạm Thành Tài – GĐ Cty Luật Phạm Danh – Đoàn LSHN cho biết:

“Theo khoản 2 Điều 40 của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 và sửa đổi bổ sung năm 2013 mà NHNN quy định như vậy về thẩm quyền là phù hợp và không có gì sai. Pháp luật đã quy định nếu xuất cảnh mà mang theo ngoại tệ phải theo quy định và định mức của NHNN, nếu vượt quá phải khai báo hải quan. Trong trường hợp cá nhân rút tiền bằng thẻ ở nước ngoài thì cũng phải có định mức, còn định mức là bao nhiêu, 30 triệu, 50 triệu hay 100 triệu thì phải có bàn thảo để thống nhất cho phù hợp thực tế. Nếu không có hạn mức rút tiền sẽ không hạn chế được số tiền rút bằng ngoại tệ, điều này không khác gì việc mang ngoại tệ cầm ra nước ngoài vượt định mức mà không khai báo hải quan”.

 

Một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, quy định này không ảnh hưởng nhiều đến các giao dịch thẻ tín dụng trên thị trường. Tuy nhiên nếu để quản lý việc sử dụng ngoại tệ theo pháp lệnh ngoại hối thì cũng chưa bao trùm hết nhiều cách chuyển tiền ra nước ngoài thông qua thẻ. Ngoài ra, nhiều ý kiến đồng tình cũng cho rằng, quy định sẽ góp phần củng cố an ninh, an toàn cho chủ tài khoản, tránh việc tài khoản bị rút một số tiền lớn không kiểm soát được.