Hà Nội và bài toán giãn dân phố cổ sau Quy hoạch phân khu nội đô

Khoảng 215.000 người dân tại khu vực phố cổ, phố cũ, hồ Gươm và vùng phụ cận sẽ phải di chuyển. Người hào hứng vì được đến nơi ở mới khang trang, rộng rãi hơn, kẻ lo lắng vì mất đi kế sinh nhai...

Nghe nội dung chi tiết: 

 

“Phố nhỏ, lối nhỏ, nhà tôi ở đó”, phố cổ Hà Nội luôn bình dị, thơ mộng, ẩn mình trong những áng văn thơ, trong câu hát của người nghệ sĩ. Thế nhưng, song hành với thời gian khắc nghiệt, trải qua bao thăng trầm lịch sử đã khiến phố cổ khác xa với cái nhìn nghệ thuật, với hoài niệm xưa cũ.

Hàng ngàn hộ dân ở phố cổ Hà Nội đang phải sống chen chúc trong những căn nhà chật chội và bí bách

Trái ngược với vẻ sầm uất bên ngoài của khu phố, hàng ngàn hộ dân ở phố cổ Hà Nội đang phải sống chen chúc trong những căn nhà chật chội và bí bách. Nằm tại số 74 phố Hàng Khoai (Hoàn Kiếm, Hà Nội), căn nhà nhỏ chừng 30m2 là nơi ở của 3 hộ dân gồm 15 nhân khẩu. 

Gia đình chị Đinh Thị Lý sinh sống trên tầng cao nhất có diện tích khoảng 10m2, nhưng lại là gác xép của nhà. Vì không có cửa ra vào nên hàng ngày, nhà chị Lý phải leo lên cầu thang, chui qua ô thoáng để vào được nhà.

“Mình cảm thấy quá chật chội. Vì 10m2 giờ 2 vợ chồng, 2 đứa con thì sống sao được. Trên thì mình chỉ ở thôi, vệ sinh và tắm rửa ở hết phía dưới cho nên nhiều lúc bất tiện lắm”, chị Lý cho biết.

Trong nhiều con ngõ nhỏ của phố cổ Hà Nội, hàng trăm căn nhà xập xệ, xuống cấp.

Tưởng rằng như vậy đã khổ cực, thế nhưng, nằm sâu trong con ngõ số 61, Cửa Đông (Hoàn Kiếm, Hà Nội), bà Trần Thị Dung không khỏi lo lắng khi chứng kiến căn nhà mình ở đang nứt vỡ từng mảng theo thời gian. Thậm chí, bà Dung phải trải tấm nilon khắp nhà, hứng chậu để tránh nước dột.

Bà Dung than thở: “Ngày mưa, những lúc tôi đi làm, đi vắng thì lúc nào tôi cũng phải để chậu với áo mưa sẵn, phòng mưa ở nhà dột. Rất khổ, mong nhà nước chuyển đổi làm cho chúng tôi được nâng cấp nhà ở cho đỡ khổ”.

Mới đây, TP. Hà Nội công bố đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử, trong đó có 4 quận nội thành là: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Như vậy, sẽ có khoảng 215.000 người dân tại khu vực phố cổ, phố cũ, hồ Gươm và vùng phụ cận sẽ phải di chuyển tới nơi khác sinh sống.

Sau khi biết tin này, hơn ai hết, người dân đều mong mỏi có một nơi ở mới rộng rãi, khang trang hơn. Thế nhưng, điều người dân lo lắng nhất là sẽ mưu sinh ra sao nếu không được ở trong khu phố cổ.

Một số người dân chia sẻ:

“Kế sinh nhai, mưu sinh, sinh hoạt, buôn bán làm ăn thế nào, các chuyện như con cái đi học cũng thành trở ngại”.

“Ở khu khác rộng hơn thì ai cũng muốn. Nhưng chuyển ra nơi khác không biết làm cái gì để mà sống cả. Từ trước đến giờ 2 vợ chồng chỉ biết bán hàng để kiếm sống, nuôi con thôi”.

Ngôi nhà xuống cấp theo thời gian, đi cùng nhiều bất cập và cả nguy hiểm

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhận định, quy hoạch phân khu 4 quận nội thành trong đó có quận Hoàn Kiếm nêu rất rõ, Hà Nội đã có phương án di dời, tái định cư hợp lý cho người dân. Đề án giãn dân khu phố cổ cũng được quận Hoàn Kiếm thực hiện trong nhiều năm qua với mục đích: Để người dân có điều kiện sống tốt nhất. Phố cổ cần được nhường lại diện tích cho việc phát huy giá trị di sản, phục vụ du lịch, thương mại…

“Đề án hiện nay đang trong giai đọan lập và nghiên cứu. Chúng tôi cũng đang tiếp tục điều tra, lập hồ sơ hiện trạng để phục vụ cho hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế để lập quy hoạch. Căn cứ vào các chỉ tiêu về quy hoạch như dân cư, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch về phát triển không gian. Từ đó sẽ quyết định số lượng dân cư ở từng khu vực, từng quận huyện cho phù hợp với quy hoạch chung của thành phố”, ông Phạm Tuấn Long cho biết.

Gần 500 di sản văn hóa, từ Hoàng Thành Thăng Long, hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, Phủ Chủ tịch, Văn Miếu… đến hơn 1.000 biệt thự cổ mang kiến trúc Pháp. Tất cả đều năm trong 4 quận vùng lõi của Hà Nội.

Có thể nói, Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được kỳ vọng là cơ hội để phục hồi, bảo vệ các công trình, di tích lịch sử và giúp người dân thoát khỏi cảnh “phố khổ”.