Hà Nội khẳng định nước sông Đà đã an toàn, có thể ăn uống

UBND TP. Hà Nội cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu nước sạch sông Đà đã đạt quy chuẩn, an toàn để ăn uống, tuy vậy vẫn tiếp tục cấp nước sạch bằng xe tec cho người có nhu cầu.

Cư dân tại khu chung cư HH Linh Đàm nhận nước được cấp từ xe téc vào chiều tối 16/10. Ảnh: Nhân Trần

Tại buổi Giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều nay (22/10), UBND thành phố thông tin về việc tổ chức khắc phục sự cố cung cấp nước sạch tại Nhà máy nước sạch sông Đà.

Theo đó, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã bóc, dỡ lớp đất thấm dầu, thu gom, xử lý phun vi sinh xử lý thấm dầu, lắp đặt phao chuyên dụng ngăn dầu, hút dầu tại các kênh dẫn nước vào công trình. Công ty cũng đã đã cơ bản hoàn thành việc súc xả hệ thống đường ống, thau rửa bể ngầm, bể mái.

Liên tục từ ngày 16/10 đến ngày 21/10/2019, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố trực tiếp lấy mẫu và phối hợp với Viện sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cùng Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) tiến hành phân tích mẫu nước tại các hộ dân trên địa bàn 8 quận, huyện có sử dụng nước của nhà máy nước sông Đà: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai.

Kết quả: 69/69 mẫu có chỉ tiêu Styren đạt quy chuẩn theo QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Hiện nay, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố vẫn tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm.

Thành phố sẽ tiếp tục cấp nước sạch bằng xe tec cho người có nhu cầu - Ảnh Nhân Trần

Liên quan đến quy trình xét nghiệm mẫu nước, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, thực hiện theo thông tư và quy chuẩn của Bộ Y tế, có 109 chỉ tiêu về xét nghiệm nước, chia làm 3 mức độ giám sát A, B, C. Bên cạnh việc đơn vị cung cấp nước sạch phải tiến hành nội kiểm, ngành Y tế cũng được giao đến kiểm tra, lấy mẫu và đem đi xét nghiệm. Trước khi đưa vào sử dụng, nhà máy phải công bố cả 3 chỉ tiêu, đảm bảo chất lượng và chịu trách nhiệm về chất lượng nước trước pháp luật.

Theo ông Hạnh việc thực hiện này không chỉ với nhà máy nước sông Đà. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng chịu trách nhiệm kiểm soát tất cả các nhà máy nước trên địa bàn thành phố.

Theo UBND Thành phố Hà Nội, đến nay, nguồn nước sạch sông Đà đã an toàn, đảm bảo các tiêu chí theo quy chuẩn QCVN 01:2019/BYT của Bộ Y tế để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, UBND Thành phố đã chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam, Công ty nước sạch Tây Hà Nội… tiếp tục cấp nước ễn phí bằng xe stéc và bình nước loại 20L nếu ai có nhu cầu.

Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục lấy mẫu nước để xét nghiệm tại đầu nguồn, tại nhà máy, tại các bể chứa tăng áp của nhà máy, tại các vùng dân bị ảnh hưởng đến hết tháng 10/2019.

Đối với Công ty nước sạch Sông Đà, Hà Nội yêu cầu công ty kiểm tra, rà soát hệ thống thiết bị giám sát, kiểm soát chất lượng nước trên toàn bộ hệ thống cấp nước đảm bảo yêu cầu cấp nước an toàn, phục vụ nhân dân trong vùng cấp nước của Công ty.

UBNDTP Hà Nội cũng  giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục kiểm tra, giám sát quy trình xử lý nước của Nhà máy nước Sông Đà, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. 

Xem thêm:

>>> Nước sông Đà không sử dụng được, nước cấp ễn phí thì có mùi lạ

>>> Công ty nước sông Đà cấp nước trở lại

>>> Hà Nội thông tin về việc khắc phục sự cố nguồn nước sông Đà

>>> Hà Nội sẽ công khai kết quả xét nghiệm nước Sông Đà hàng ngày

>>> Trẻ sơ sinh theo chân ông bà đi xếp hàng lấy nước sạch

>>> Khởi kiện Công ty nước sạch sông Đà: Rất khó, cần chính quyền can thiệp, buộc bồi hoàn thiệt hại