Hà Nội 'giữ' chợ đầu mối trước nguy cơ dịch bệnh

Với hoạt động giao thương sầm uất, người mua bán vận chuyển đến và đi từ khắp nơi, chợ đầu mối là nơi tiềm ẩn nguy cơ rất cao lây lan dịch bệnh.

Chuỗi lây nhiễm phức tạp khiến TP.HCM phải đóng cửa cả 3 chợ đầu mối lớn vừa qua là bài học đắt giá cho nhiều địa phương trong câu chuyện này. Vậy Hà Nội đang làm gì để “giữ” chợ đầu mối trước nguy cơ dịch bệnh? 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Lượng khách và hàng hóa giảm tới 30-50% so với thời điểm trước khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát 

Chợ Long Biên - chợ nông sản lớn nhất Hà Nội diễn ra tình trạng vắng vẻ, ít xe hàng và khách mua. Các tiểu thương thực hiện khá nghiêm túc việc đeo khẩu trang. Tuy nhiên, rác thải phát sinh là điều khó tránh khỏi, được gom lại thành nhiều đống ven đường.

Dịch COVID-19 đã khiến nhiều người giảm hẳn tần suất đi chợ:

"Trước đây ngày nào chị cũng đi chợ, nhưng thời điểm hiện tại, chị chỉ đi 2 lần/tuần thôi".

"Ngại lắm! Đây này, cứ phải đeo kín, có dám hở ra cái gì đâu, vừa khẩu trang, vừa màng chắn".

Rác thải phát sinh được gom thành các đống là điều khó tránh khỏi tại các chợ đầu mối

Người mua hàng có thể “bịt kín” như vậy, nhưng với người bán, người bốc xếp hàng hóa, đeo khẩu trang cả ngày dưới cái nóng hầm hập là việc rất khó. Tuy nhiên, ban quản lý chợ có lực lượng thường xuyên nhắc nhở các biện pháp phòng dịch: "Kinh doanh, buôn bán chật vật lắm! Ví dụ trước kia buôn 10 thì giờ chỉ được 3-4 thôi. Ban quản lý đi đôn đốc nhiều, cứ nửa tiếng người ta lại đi nhắc nhở".

Trao đổi với phóng viên VOV Giao thông, ông Nguyễn Văn Loan, Phó Ban quan lý chợ Long Biên cho biết, lượng hàng hóa giảm tới 50%, khách mua hàng cũng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, đơn vị vẫn chủ động nhiều kịch bản phòng chống dịch bên cạnh tuân thủ nguyên tắc 5K: "Tất cả xe các tỉnh về đều phải khai báo y tế, phun thuốc khử khuẩn tự động tại cổng chợ. Test nhanh ngẫu nhiên cho bà con kinh doanh tại chợ và lao động tự do. Nếu có tình huống xảy ra thì Ban quản lý cũng đã có phương án, có hội trường 120m2, nghi mắc có nơi giãn cách họ vào đó. Có tổ vệ sinh 25 người, toàn bộ rác thu gom, vận chuyển 2 lần/ngày".

Máy sát khuẩn tay tự động được doanh nghiệp tài trợ lắp đặt tại chợ Long Biên

Tương tự, tại chợ đầu mối phía Nam (Chợ Đền Lừ), Q. Hoàng Mai, nơi cung cấp nông sản cho toàn thành phố, lượng hàng hóa tiêu thụ cũng giảm tới 30%.

Ban quản lý chợ đã phối hợp với chính quyền địa phương nhắc nhở, xử phạt 14 trường hợp không đeo khẩu trang, phun khử khuẩn 3 lần/tuần, thực hiện test ngẫu nhiên, yêu cầu các tài xế ngoại tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính.

Những biện pháp tương tự cũng đang được thực hiện tích cực tại chợ Hà Vỹ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín - chợ đầu mối gia cầm lớn nhất ền Bắc.

Ông Hà Minh Dân, Chủ tịch HĐND xã Lê Lợi cho biết: "Ngày hôm qua bắt đầu tiến hành lập chốt, vệ sinh thú y lúc nào cũng theo nguyên tắc, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tất cả nguồn hàng vào chợ. Kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm trên các chủ sạp hàng. Người nào có biểu hiện là có biện pháp xử lý ngay".

Giàn phun sương sát khuẩn tự động tất cả người và phương tiện được lắp đặt tại cổng chợ Long Biên

Bênh cạnh những biện pháp quyết liệt đang được triển khai, nhiều chuyên gia cho rằng, đội ngũ tiểu thương, lái xe, người bốc xếp hàng hóa tại các chợ đầu mối tiếp xúc với nhiều người, di chuyển và hoạt động tại nhiều địa phương, nên cũng cần sớm được triển khai tiêm phòng Covid-19 để đảm bảo phòng dịch cho cộng đồng và duy trì hoạt động ổn định, an toàn của các chợ đầu mối.