Hà Nội: 40 nghìn cơ sở tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn

VOVGT - Đâu là những nguyên nhân tạo ra con số đáng sợ này? Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẽ phải làm gì để đối phó?

 

Ngày 29/7/2017, một vụ cháy lớn thiêu rụi nhà xưởng ở Km 19,5 quốc lộ 32, đoạn qua xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Nguyên nhân vụ cháy là do thợ hàn xì trong quá trình sửa chữa xưởng làm bắn tia lửa điện vào trần gác xép được ghép bằng xốp. Vụ hỏa hoạn khiến 8 người chết, 2 người bị bỏng nặng phải nhập viện.

Cột khói bốc cao hàng chục mét kéo theo đám lửa bao trùm khu xưởng tại Huyện Hoài Đức, Hà Nội hôm 29/7

Còn ngay tại tuyến phố Đê La Thành, quận Đống Đa, đoạn từ ngã tư Ô Chợ Dừa đến ngã tư Cầu Giấy, liên tiếp những vụ hỏa hoạn xảy ra thời gian gần đây liên quan đến các cơ sở sản xuất nằm san sát, xen kẽ với nhà dân tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Đầu năm 2017, một vụ hoả hoạn xảy ra tại cửa hàng nội thất số 913 đường Đê La Thành. Trước đó, rạng sáng 3/8/2016, xưởng gỗ nằm tại số nhà 1060 đường Đê La Thành, Hà Nội đột nhiên phát hỏa. thiêu rụi toàn bộ diện tích khoảng 60m2 của xưởng gỗ này và lan sang một phần diện tích của hai ngôi nhà kề bên. Tháng 7/2016, hỏa hoạn cũng ghé thăm ngôi nhà ở số 518 phố Đê La Thành, nơi được sử dụng làm cửa hàng bán sắt thép, vật liệu xây dựng, với diện tích mặt bằng khoảng 15 m2.

Những vụ việc này cho thấy, tình trạng coi thường công tác phòng cháy chữa cháy, ý thức của người dân về phòng cháy chữa cháy cũng như nhiều nguy cơ tiềm ẩn tại các nhà xưởng, đặc biệt là các nhà xưởng nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc vẫn hiện hữu và bị xem nhẹ. Thực tế cho thấy, hàng chục xưởng sản xuất lớn nhỏ mật độ dày đặc luôn tàng chứa các vật liệu rất dễ gây cháy.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát PC&CC Số 2, đơn vị phụ trách địa bàn quận Ba Đình và Đống Đa, dù lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ từ các nhà xưởng này song hầu như các hộ dân sống gần đó chưa có ý thức chủ động trang bị kiến thức và thiết bị phòng cháy cũng như xây dựng phương án phòng cháy. Trong khi đó, những thợ làm tại xưởng không được trang bị thiết bị bảo hộ lao động, không có kiến thức về phòng chống cháy nổ mà chủ yếu làm dựa trên kinh nghiệm.

Thậm chí, khi được mời dự các buổi tập huấn nâng cao kỹ năng PCCC, rất ít hộ dân, cũng như đại diện xưởng sản xuất, các nhóm thợ đến tham dự. Đại tá Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC Số 2, Sở Cảnh sát PCCC ghi nhận, không chỉ có 40.000 cơ sở tại Hà Nội có nguy cơ cao mà bất cứ hộ dân nào cũng có nguy cơ nếu chủ quan. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn cháy nổ cũng phụ thuộc nhiều vào ý thức của các hộ sản xuất, kinh doanh này:

 

Tuyên truyền phổ biến kiến thức là việc chúng tôi làm thường xuyên, nhưng quan trọng là có mời họ tham dự họ cũng không đến. Trong khi đó, thợ hàn thì chỉ làm theo kinh nghiệm chứ có chứng chỉ gì đâu.

Điểm a, khoản 2, điều 37 Luật Bảo vệ môi trường quy định về Bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã nêu rõ, cơ sở sản xuất hoặc kho tàng có chất dễ cháy, dễ gây nổ không được đặt trong khu dân cư hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư. Thế nhưng, với mật độ dày đặc về nhà xưởng xen kẽ với nhà dân thì việc lực lượng cứu hỏa tiếp cận hiện trường đám cháy là rất khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ chữa cháy khi xảy ra sự cố.

Đáng nói là, nhà cửa khu vực thường san sát, các hộ dân cũng như xưởng sản xuất chủ yếu chỉ có một lối ra vào duy nhất ở mặt tiền nên nếu có cháy xảy ra thì việc thoát hiểm vô cùng khó khăn. Không những vậy, khi những thợ hàn, xì đến thi công công trình nhà dân cũng có thể gây ra khả năng cháy nổ với các thiết bị thiếu an toàn. Đánh giá về điều này Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an cho biết việc xây dựng những chuồng cọp tại các căn hộ làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thoát nạn của con người đang sinh sống trong ngôi nhà. Ngoài ra việc tiếp cận hiện trường triển khai các hoạt động PCCC sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình trạng này, Đại tá Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo người dân cần lường trước nguy cơ cháy nổ, nên sớm trình báo chính quyền địa phương nếu thấy thiếu an toàn, đồng thời không nên tự bít đường sống của gia đình mình bằng các chuồng cọp không lối ra:

 

Trước hết cần tự trang bị thiết bị cháy cho nhà mình như bình cứu hỏa, chuông báo cháy, mặt nạ phòng độc. Nếu hàn xì thì nên cách ly với các vật dễ bắt lửa. Ngoài ra, nếu nhà thiết kế chuồng cọp thì phải trổ cửa làm lối ra, có chìa khóa hoặc búa thoát hiểm, thỉnh thoảng thực hành diễn tập ngay trong nhà mình.

Hiện chưa có nhiều quy định về mặt pháp lý đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ có nhà xưởng đặt tại khu dân cư. Các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ có các xưởng sản xuất trong khu dân cư do UBND Quận cấp phép và UBND Phường trực tiếp quản lý, giám sát. Điều này đòi hỏi có sự tăng cường kiểm tra, lập biên bản xử phạt đối với các trường hợp vi phạm một cách quyết liệt hơn. Ngoài ra, đã đến lúc phải thiết lập quy trình cưỡng chế các trường hợp vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy để đảm bảo an toàn, tính mạng, tài sản của người dân.