Là một người trẻ với mức thu nhập không cao, nhiều người trong đó có tôi đã chọn mua 1 căn hộ trả góp tại quận Thủ Đức xa xôi với niềm tin về 2 dự án giao thông trọng điểm đang triển khai thời điểm đó là đường Phạm Văn Đồng và Vành đai 2 TP.HCM.
Giờ đây, nếu như đường Phạm Văn Đồng trở thành con đường đặc biệt quan trọng, tấp nập xe cộ thì tuyến Vành đai 2 gần nơi tôi sinh sống vẫn là những bụi lau sậy um tùm.
Sau khi Nghị quyết 98 của Quốc hội có hiệu lực, rồi Luật Đất đai mới hay bảng giá đất mới của TP.HCM được ban hành thì không ít hàng xóm nơi tôi ở tỏ ra phấn khởi bởi họ cho rằng không lâu nữa sẽ được nghe tiếng xe chạy sau nhà thay vì tiếng ếch ộp ễnh ương mỗi khi tối trời.
Niềm tin của họ là hoàn toàn có cơ sở khi lãnh đạo TP.Thủ Đức vừa qua đã công bố phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho dự án Vành đai 2 với nhiều điểm thay đổi tích cực, đáng chú ý là mức giá đền bù tại nhiều vị trí được điều chỉnh cao hơn 30, 70 thậm chí là 100% so với bảng giá đất của TP.HCM.
Bên cạnh đó là nhiều sự lựa chọn hơn cho các khu vực tái định cư, người bị ảnh hưởng còn được hỗ trợ bản vẽ xây dựng, thủ tục hoàn công, đào tạo nghề, giúp kế sinh nhai…
Không chỉ vậy, TP.Thủ Đức đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 7500 tỷ đồng và sẵn sàng giải ngân ngay trong tháng 12/2024 tới đây cho những gia đình chấp thuận bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, Thủ Đức cũng đang áp dụng những bài học kinh nghiệm tích cực nhất từ quá trình triển khai dự án Vành đai 3 trước đó với mong muốn sớm bàn giao mặt bằng để khởi công vào tháng 6/2025 cũng như hoàn thành toàn tuyến Vành đai 2 vào cuối năm 2026.
Thế nhưng đến nay vẫn còn không ít người dân tỏ ra băn khoăn, chưa đồng thuận vì mức giá đền bù “chưa sát với thị trường”, các phương án định giá nhà ở đất ở chưa phù hợp hay địa điểm tái định cư còn xa….
Dù các ý kiến này chiếm đa số hay thiểu số trong tổng số 1166 hộ dân bị ảnh hưởng thì cũng cần được lắng nghe, tiếp thu một cách cầu thị, thấu đáo từ phía các ngành chức năng để vừa không tạo ra thêm xung đột vừa linh hoạt tìm phương án giải quyết phù hợp.
Dĩ nhiên các phương án này phải hợp lý hợp tình, không chỉ đảm bảo tuân thủ đúng với các quy định của pháp luật mà còn phải đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dân.
Đây là việc nói dễ cũng không hẳn là dễ, nhưng nói khó cũng chưa chắc là khó bởi nút thắt quan trọng mang tên pháp lý đã được cởi mở ít nhiều. Việc còn lại là sự tiếp thu, lắng nghe hết sức cầu thị từ phía các ngành chức năng và cả sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ từ phía người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.