GM rút tiền đầu tư khỏi mảng xe điện, vì sao?

Mới đây, hãng xe nổi tiếng General Motors cho biết họ đang có kế hoạch rút tiền đầu tư khỏi mảng xe điện để tăng cổ tức và mua lại cổ phiếu nhằm xoa dịu cổ đông. Động thái này của nhằm đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư sau công cuộc đổ tiền vào xe điện không như kỳ vọng.

Ảnh: brecorder.com

Hàng tồn kho ngày càng tăng và doanh số bán hàng ảm đạm, hãng xe General Motors không giấu được sự lo lắng và thất vọng khi kế hoạch phát triển xe điện trị giá hàng tỷ USD của họ đang gặp vô vàn khó khăn. Cùng với đó, những cuộc đình công càng khiến cổ phiếu của GM chịu ảnh hưởng.

Giám đốc điều hành của GM, bà Mary Barra, từng là một trong những Giám đốc điều hành (CEO) lạc quan nhất về xe điện đã phải xin lỗi cổ đông lẫn nhà đầu tư vì kế hoạch phát triển xe điện; và phải cắt giảm đầu tư cho xe điện.

Theo đó, General Motors công bố kế hoạch chi 10 tỷ USD để mua lại cổ phiếu trong năm sau và cũng tăng cổ tức lên 33%.

Số tiền 10 tỷ USD này sẽ được lấy từ ngân sách đầu tư cho xe điện và phát triển công nghệ tự lái trước đó.  

Giám đốc điều hành General Motors Mary Barra giải thích động thái này nhằm mục đích tăng giá cổ phiếu đang bị sụt giảm: “Cá nhân tôi không hài lòng với mức giá cổ phiếu hiện tại. Những khó khăn do đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu chip và cuộc đình công của người lao động đã gây ra sự biến động. Tôi tin rằng việc mua lại sẽ mang lại "sự chắc chắn" đồng thời báo hiệu niềm tin vào tương lai của General Motors ngay cả khi những thách thức kinh tế vĩ mô vẫn tiếp diễn”.

Giám đốc điều hành General Motors Mary Barra. Ảnh: Reuters

Thách thức ở mảng xe điện đã khiến giá cổ phiếu General Motors giảm 14% từ đầu năm đến nay, xuống ngưỡng thấp nhất trong 3 năm qua. Tuy nhiên tuyên bố trả cổ tức phiên 29/11 đã làm giá cổ phiếu tăng 12% lên 32,29 USD ngay sau khi thị trường mở cửa ở New York, mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ tháng 4/2020.

Mặc dù vậy, hãng này cũng tuyên bố từ bỏ mục tiêu sản xuất 100.000 xe điện trong nửa cuối năm nay và 400.000 xe khác vào 6 tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, General Motors cũng tuyên bố đã giải quyết xong những rắc rối về lao động khi công đoàn Mỹ và Canada liên tục biểu tình đòi tăng lương cũng như bảo vệ thu nhập trước nỗi lo mất việc vì xe điện.

General Motors cho biết hợp đồng lao động mới với Nghiệp đoàn ngành sản xuất ô tô giúp người lao động tăng tối thiểu 25% cùng với các khoản trợ cấp chi phí sinh hoạt và các lợi ích được cải thiện khác khiến họ phải tăng chi phí thêm 9,3 tỷ USD trong 4 năm, với chi phí lao động mới đạt đỉnh điểm 2,5 tỷ USD vào năm 2027.

Hãng General Motors cũng như nhiều công ty ô tô khác đã hoãn đầu tư hay cắt giảm số tiền dự tính vào xe điện khi nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường này đã không còn hấp dẫn.

Chuyên gia tài chính David Welch nêu quan điểm: “Ở General Motors, theo một cách nào đó, họ buộc phải cắt giảm rất nhiều chi phí vì hợp đồng lao động mới sẽ khiến họ phải trả thêm 9 tỷ USD trong 4 năm. Họ phải tìm những nơi khác nhằm tiếp tục duy trì lợi nhuận vì họ có kế hoạch tăng gấp đôi doanh thu vào năm 2030 lên 218 tỷ USD.

Trên thực tế, họ thực sự đang tăng doanh thu trong năm nay, tăng 12% bất chấp cuộc đình công. Họ phải tìm cách tăng lợi nhuận, cắt giảm chi phí và đầu tư vào một số phương tiện đốt trong đắt tiền hơn”.

Đầu năm nay, General Motors cho biết họ sẽ cắt giảm chi phí cố định 2 tỷ USD vào cuối năm 2024, tiếp đó vào tháng 7 công bố kế hoạch cắt giảm chi phí thêm 1 tỷ USD. Cùng với, hãng sẽ tối ưu hóa, tiết kiệm chi phí trong thiết kế, kỹ thuật, sản xuất, tiếp thị và phân phối các mẫu xe của mình, đồng thời thay thế một số mẫu SUV cũ bằng các phiên bản có lợi nhuận cao hơn.

Tháng 10/2023, GM cho biết sẽ lùi ngày khai trương của nhà máy xe điện bán tải ở ngoại ô Detroit thêm 1 năm.

Ảnh: Reuters

General Motors cũng đang cắt giảm chi phí cho Cruise LLC, đơn vị sản xuất xe tự lái có trụ sở tại San Francisco. Công ty đã đình chỉ tất cả các cuộc thử nghiệm ở Mỹ sau vụ tai nạn kéo lê một người đi bộ ở California vào tháng trước, khiến cơ quan quản lý của bang đó cấm công ty thử nghiệm xe không người lái.Cruise đã khiến công ty thiệt hại 700 triệu USD mỗi quý trước khi GM cho ngừng hoạt động.

Giám đốc tài chính General Motors Paul Jacobson cho biết chi tiêu cho Cruise vào năm 2024 sẽ giảm "hàng trăm triệu đô la".

Bà Barra cho biết: “Tôi thất vọng trong năm nay vì chúng tôi đã không cung cấp thêm xe điện ra thị trường. Đó thực sự là vấn đề tự động hóa mà chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết. Thế nhưng, tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ cho ra mắt loại xe điện mà mọi người muốn mua. Năm tới, General Motors sẽ có sự tăng trưởng, dòng tiền mạnh, sản lượng "cao hơn đáng kể" và tỷ suất lợi nhuận "cải thiện đáng kể"".

Bà Barra cho biết General Motors sẽ phải khắc phục các vấn đề về pin xe điện và sản xuất vào giữa năm 2024. Đồng thời, General Motors dự kiến sẽ tăng cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông hàng quý thêm 3 xu lên 12 xu một cổ phiếu bắt đầu từ năm 2024.

Còn tại Việt Nam, Bộ Công Thương cho rằng, hiện có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển xe điện ở nước ta như: Mức thu nhập trung bình thấp, thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc, phạm vi hoạt động của xe điện còn hạn chế, chính sách ưu đãi đối với ô tô điện, cơ cấu nguồn điện tác động đối với môi trường từ quá trình sử dụng xe điện và tác động đối với môi trường từ quá trình sản xuất xe điện...

Theo các chuyên gia, thị trường xe điện Việt Nam được cho là tiềm năng lớn, do đó, cần nghiên cứu và ban hành sớm các chính sách hỗ trợ, chiến lược phát triển hiệu quả để thúc đẩy sản xuất xe điện và nhanh chóng làm chủ những công nghệ cơ bản này.