Giữ khoảng cách an toàn: Bài học chưa bao giờ cũ

Khác mọi năm, 2 tuần trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay chứng kiến sự bùng nổ các chuyến du lịch. Nhu cầu đi lại trong nhân dân tăng đột biến, lưu lượng phương tiện gia tăng, làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố, va chạm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

enter>

Điển hình là vụ tai nạn liên hoàn 3 ô tô trên Quốc lộ 1A ở Quảng Ngãi cuối tuần qua. Do đêm khuya, đường vắng, tầm nhìn thấp, các tài xế điều khiển xe chạy nhanh mà không giữ khoảng cách an toàn.

Hậu quả của việc “dồn toa” khiến 1 người tử vong, 8 người bị thương.

Thực tế, lái xe nhanh không giữ khoảng cách an toàn là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên những vụ tai nạn thảm khốc, để lại hậu quả nghiêm trọng.

Không phải ai cũng nắm vững quy định về nội dung này, và một số người nếu biết cũng chủ quan, thiếu nghiêm túc chấp hành.  

Hiện trường vụ tại nạn giao thông ở Quảng Ngãi. Ảnh: Thanh niên

Theo Thông tư 31 năm 2019 của Bộ GTVT, nếu phương tiện chạy vận tốc 60km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe liền trước là 35m; nếu vận tốc từ trên 80 - 100 km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m, nếu vận tốc từ trên 100 - 120 km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100m. Trường hợp đường xấu, quanh co, trời mưa, có vật cản, tài xế cần điều chỉnh khoảng cách an toàn lớn hơn quy định.

Không phải ngẫu nhiên trên các tuyến cao tốc thường có biển đo khoảng cách 0m, 50m và 100m, giúp các bác tài ước lượng khoảng cách với các xe cùng chiều. Trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cũng thường có các biển báo nguy hiểm, “chú ý đi chậm, đoạn đường thường xảy ra tai nạn”.

Việc chủ động đi giãn cách với xe phía trước không chỉ là kiến thức phổ thông mà còn là một kỹ năng sinh tồn, cho phép các bác tài có thêm thời gian để phản ứng trước những tình huống bất trắc. Nó có thể là một lý thuyết cơ bản mà nhiều người tặc lưỡi “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng sẽ không bao giờ là một bài học cũ.