Giờ làm việc chung toàn quốc: Cân nhắc những khung giờ phù hợp, linh hoạt

Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất quy định thống nhất giờ làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính trên cả nước, từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút.

Đề xuất công chức làm việc từ 8 giờ 30, nghỉ trưa 1 giờ. Ảnh nh họa

Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang công bố để lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra 2 phương án quy định thời gian làm việc tại các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Phương án 1 là bổ sung vào Bộ Luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24h để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân). Phương án này giúp thống nhất giờ làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước từ trung ương đến địa phương, phù hợp hơn với thời gian làm việc của các quốc gia.

Phương án 2 là giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động, mà được quy định tại các văn bản hành chính (Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định).

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện ở nước ta, việc quyết định thời điểm bắt đầu làm việc của DN do DN quyết định; của cơ quan hành chính do người đứng đầu cơ quan quyết định đúng theo thẩm quyền lãnh đạo, điều hành.

Tuy nhiên, việc áp dụng giờ làm việc trong các cơ quan Nhà nước đang có một số bất cập như: Không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan trung ương và địa phương (các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8h, trong khi đa số các địa phương bắt đầu từ 7h vào mùa hè, 7h30 vào mùa đông); Trên địa bàn Hà Nội cũng có sự khác nhau; Chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính Nhà nước ở trung ương và địa phương.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia về quản trị nguồn nhân lực, bà Ngô Thị Bích Quyên - Chủ tịch ActionCOACH Hà Nội West, một thương hiệu lớn về huấn luyện DN - cho rằng, một khung giờ làm việc chung sẽ thuận tiện cho các hoạt động kinh doanh và hỗ trợ một cách thống nhất. Cần quy định giờ làm việc chung của một quốc gia bởi lẽ, nhiều nước lớn trên thế giới, trải rộng trên nhiều múi giờ (VD như Trung Quốc), cũng đã làm được điều này. 

Cũng theo bà Ngô Thị Bích Quyên, nếu dựa vào tính đặc thù của từng ngành nghề để quy định thời gian làm việc thì sẽ gây ra sự xáo trộn lớn cho xã hội. Các tổ chức, cá nhân sẽ khó khăn hơn trong việc sắp xếp lịch làm việc. Các thành viên trong gia đình sẽ “lệch múi giờ”, khiến sinh hoạt đảo lộn. Trong khi đó, ngoài giờ hành chính, một số đơn vị hoặc bộ phận đặc biệt vẫn luôn phải thường trực 24/24h.

Bà Ngô Thị Bích Quyên phân tích: Với con mắt quan sát từ phía DN, việc thống nhất giờ làm việc là một quan điểm rất đúng đắn, hợp lý. Ngành nghề này kia, đặc thù sẽ gây nên sự xáo trộn ở một quy mô lớn. Nhà nước nên thống nhất một giờ làm việc chung để thuận lợi nhất trong việc phục vụ nhân dân, phục vụ DN được tốt hơn. Những đặc thù nghề nghiệp sẽ không bố trí giờ làm hành chính như thế. VD bệnh viện làm theo ca, bệnh nhân lúc nào cũng phải phục vụ.

Quy định giờ làm việc chung  trong các cơ quan hành chính trên cả nước là việc làm cần thiết

Đồng tình với quan điểm này, TS. Phạm Thị Bích Ngọc - Trưởng Bộ môn Quản trị nhân lực, Khoa Kinh Tế và Quản Trị Nguồn Nhân Lực, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - cho rằng, việc thống nhất giờ làm việc chung sẽ thuận tiện hơn cho người dân, đặc biệt trong việc thực hiện dịch vụ công. Tuy nhiên, Ban soạn thảo nên cân nhắc để có những khung giờ phù hợp, linh hoạt, để các địa phương lựa chọn, bởi nhịp sống của người dân thành thị và nông thôn có nhiều khác biệt.

TS. Phạm Thị Bích Ngọc phân tích: Thống nhất giờ làm việc chung có cái hay là các cơ quan, cá nhân đến làm việc có sự liên hệ, kết nối tốt hơn. TP lớn sợ vấn đề tắc đường, mình có thể điều chỉnh giờ làm việc thế. Ở các tỉnh, có lẽ, người ta muốn làm việc sớm hơn. Các vùng ền khác nhau thì sinh hoạt của họ hơi khác nhau một chút. Nếu mình thống nhất giờ làm việc như thế thì hơi khó, hơi áp đặt. Có thể có những khung giờ để người ta lựa chọn phù hợp với địa phương họ.

Theo các chuyên gia, quy định giờ làm việc chung của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính trên cả nước là việc làm cần thiết, tạo sự thuận lợi, thống nhất trong hoạt động của các cá nhân, tổ chức, DN và cả nền kinh tế.

Tuy nhiên, nên có một số khung giờ linh hoạt hơn để lãnh đạo các địa phương quyết định lựa chọn, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Đây là một căn cứ quan trọng để Ban soạn thảo Bộ luật Lao động sửa đổi tham khảo và đưa ra được phương án tối ưu nhất.