Giảm tỷ lệ xét tuyển học bạ, có ảnh hưởng đến cơ hội vào đại học?

Vừa qua một số trường công bố phương án tuyển sinh Đại học năm 2022, trong đó, giảm tỷ lệ xét tuyển bằng học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT khiến nhiều học sinh và giáo viên lo lắng.

Sự thay đổi này có ảnh hưởng gì đến cơ hội vào ĐH của học sinh hay không? Tuyển sinh năm nay còn có gì mới? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

PV: Xin bà cho biết những điểm mới trong công tác tuyển sinh ĐH năm 2022?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Công tác tuyển sinh ĐH năm 2022 ổn định như các năm gần đây, nhưng có một số điểm dự kiến điều chỉnh.

Thứ nhất việc đăng ký xét tuyển ĐH chủ yếu bằng hình thức trực tuyến, vẫn có hình thực trực tiếp nhưng chủ yếu là trực tuyến. Các em có thể đăng ký trên Cổng thông tin dịch vụ công và Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ hai, trong đợt 1 tuyển sịnh ĐH năm 2022 sẽ thực hiện lọc ảo cùng một lần trong tất cả các phương thức xét tuyển chứ không chỉ lọc ảo đối với xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Thứ ba, xem xét điều chỉnh xét tuyển ĐH ưu tiên theo khu vực ưu tiên sẽ có một lộ trình phù hợp để đảm bảo cho quyền lợi của thí sinh cũng như đảm bảo tính công bằng giữa các khu vực trong xét tuyển ĐH.

PV: Trong phương án tuyển sinh của một số trường ĐH điều chỉnh giảm tỷ lệ xét tuyển ĐH bằng học bạ và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, điều này có làm mất cơ hội vào ĐH của các thí sinh không, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Theo quy định của Luật Đại học, các trường được tự quyết định phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh và có trách nhiệm giải trình. Việc cơ sở giáo dục ĐH có những phương thức tuyển sinh khác nhau và thay đổi tỷ lệ cũng phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo số liệu thống kê hàng năm, chỉ các trường top đầu (có mức độ cạnh tranh cao) có thể xem xét giảm một tỷ trọng nào đó xét tuyển ĐH bằng học bạ hay kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhưng xét trên bình diện chung của toàn hệ thống không có điều chỉnh nhiều. Như vậy, cơ hội dành cho thí sinh không hề bị mất.

Số liệu cũng cho thấy, thực tế số thí sinh nhập học bằng kết quả xét duyệt học bạ và thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 90%, các phương thức tuyển sinh khác chỉ chiếm dưới 10%, trong đó có đánh giá năng lực.

Năm 2022, chúng tôi dự đoán, với bối cảnh dịch COVID-19 chưa hoàn toàn được khống chế và chưa hoàn toàn thuận lợi để tổ chức một kỳ thi riêng hay kỳ thi đánh giá năng lực một cách phổ biến, tỷ trọng tuyển sinh và nhập học bằng hình thức này sẽ ổn định như giai đoạn 2020-2021

PV: Bộ Giáo dục và đào tạo có khuyến cáo gì với các cơ sở giáo dục và đào tạo, các thi sinh để tuyển sinh tốt nhất, phù hợp nhất với năng lực của mình?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Quy chế tuyển sinh hiện hành quy định, các trường được tổ chức nhiều phương thức xét tuyển và cũng phải quy định rõ chỉ tiêu các phương thức xét tuyển và công khai trong Đề án xét tuyển của mình.

Quy chế cũng không giới hạn thí sinh đăng ký nguyện vọng vào các trường, các ngành theo các phương thức khác nhau. Vì vậy, có rất nhiều cơ hội để thí sinh trúng tuyến vào các ngành phù hợp với khả năng, năng lực.

Tuy nhiên, những năm vừa qua có những thí sinh điểm cao nhưng không trúng tuyển vào trường ĐH nào. Nguyên nhân chủ yếu là các em chỉ xét tuyển 1 nguyện vọng duy nhất hoặc đăng ký không phù hợp với năng lực của mình.

Đối với thí sinh, chúng tôi khuyến cáo, các em chuẩn bị tốt về mặt kiến thức phổ thông, vững vàng về mặt tinh thần, chăm chỉ học tập; định hướng trường, các ngành đào tạo một cách rõ ràng, tham khảo lắng nghe tư vấn từ các thầy cô giáo, các chuyên gia giáo dục, các buổi tư vấn cho rất nhiều báo và tìm hiểu thông tin đăng tải trên cổng thông tin của các trường.

Vì không giới hạn nguyện vọng đăng ký nên các em cần phải đăng ký nhiều hơn 1 nguyện vọng và sắp xếp thứ tự ưu tiên và thường xuyên theo dõi và điều chỉnh nguyện vọng của mình khi mà thời gian cho phép .

Đối với các cơ sở đào tạo, việc công bố đề án tuyển sinh đại học đảm bảo tính ổn định tương tối, tạo sự công bằng khi mà thí sinh tiếp cận. Việc điều chỉnh phải phù hợp với điều kiện nhà trường, tình hình xã hội, công tác khảo thí về tuyển sinh và quy định mới về tuyển sinh nếu có. Tuy nhiên phải đảm bảo tính nguyên tắc và tránh gây xáo trộn lớn như tôi đã nhấn mạnh.

Các trường cân nhắc xây dựng những tiêu chí phù hợp với ngành đào tạo và việc xét tuyển xây dựng trên cùng một mặt bằng, một thang đo chung nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi giảm bớt áp lực cho thí sinh và đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thí sinh, giữa các cơ sở giáo dục đào tạo và giữa các vùng ền.

PV: Vâng xin cảm ơn bà!