Hiện tượng trẻ bị đuối nước không chỉ tập trung vào mùa hè mà có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, tại nhiều khu vực khác nhau.
Giáo dục, hướng dẫn trẻ nhỏ nhận diện các vùng nước nguy hiểm và giáo dục kỹ năng an toàn dưới nước là một trong những giải pháp có thể phòng ngừa các vụ tai nạn đuối nước thương tâm.
Ngày 1/12, một nhóm học sinh rủ nhau ra hồ nước trong Khu Công nghệ cao, phường Tăng Nhơn Phú B, quận Thủ Đức, TP.HCM chơi và câu cá nhưng không may một học sinh lớp 9 đã tử vong do đuối nước.
Chỉ sau đó 2 tuần, tại tỉnh Bình Định, trong lúc lội nước ở khu vực đường nội đồng ở xã Phước Hòa, thị xã An Nhơn, 2 học sinh lớp 6 không may bị đuối nước. Đây là khu vực bị ngập nước cục bộ do mưa lớn mấy ngày trước đó.
Từ nhiều năm nay, đuối nước là một trong những nguy cơ lớn đối với tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 15 tuổi. PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng, phân tích về những nguyên nhân gây ra tình trạng đuối nước ở trẻ em:
"Trong cộng đồng còn rất nhiều địa điểm mất an toàn, đặc biệt là những cái hồ nước mở hay là các khu công nghiệp, những cái hố nước mà còn tồn tại các công trường-đó là một trong những nguy cơ. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em Việt Nam biết bơi hay biết kỹ năng xác định các nguy cơ phòng chống đuối nước, kỹ năng an toàn khi chơi ở những nơi mà mà hồ nước hoặc gần sông nước thì vẫn còn rất thấp".
Kết quả can thiệp từ Chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam đã có gần 44 nghìn 4 trăm trẻ từ 6-15 tuổi được học bơi an toàn; trên 52 nghìn trẻ từ 6-15 tuổi được học kỹ năng an toàn dưới nước và trên 30 nghìn cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non được hướng dẫn về phòng chống đuối nước trẻ em…
Nhưng theo bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá, Hoa Kỳ / Tổ chức Vận động Chính sách y tế toàn cầu tại Việt Nam ngoài những yếu tố khách quan, sự thiếu quan tâm, giám sát của người lớn hay thiếu các phương tiện cảnh báo các vùng có nguy cơ và thiếu kỹ năng an toàn của trẻ dưới nước vẫn là những vấn đề đáng chú ý:
"Theo số liệu từ năm 2022, tỷ lệ trẻ em từ 6- 15 tuổi biết bơi theo tiêu chuẩn là bơi được 25 m và nổi 90 giây hiện mới chỉ khoảng 29%. Như vậy là có một cái khoảng cách rất lớn giữa hiện thực với mục tiêu 50% trẻ em Việt Nam biết bơi đến 2050. Rõ ràng, từ 29 đến 50 % là một thách thức lớn mà chúng ta phải cần nhiều hơn nữa những cái giải pháp để có thể đầu tư nguồn lực cho can thiệp này".
TS. Justin Scarr, Hội cứu hộ hoàng gia của Úc đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác phòng, chống đuối nước của Việt Nam thời gian qua. Việt Nam được coi là mô hình tốt, truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác thực hiện.
Tuy nhiên, ông Justin cho rằng, bên cạnh phổ cập về dạy bơi trong trường học, Việt Nam cần chú ý:
"Chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng những chính sách toàn quốc về dạy bơi trong các trường học. Trẻ em cần được học bơi để sinh tồn, đây là kỹ năng bơi cơ bản nhưng điều này thôi chưa đủ. Trẻ em cũng cần được giáo dục và hiểu được những mối nguy hiểm khác nhau, bao gồm nguy cơ đuối nước ở sông hồ và dọc theo bờ biển".
Theo TS. Caroline Lukaszyk, Cán bộ kỹ thuật Phòng chống tai nạn thương tích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới đi tiên phong trong phòng chống đuối nước trong khu vực châu Á và đã đạt được những thành tích, kết quả rất tốt.
TS. Caroline Lukaszyk nhấn mạnh, đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu thời gian tới Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là giáo dục kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em:
"Một trong những khuyến nghị khác của WHO là trẻ em trong độ tuổi đi học nên được dạy bơi và các kỹ năng an toàn dưới nước. Chúng tôi khuyến khích trẻ em không chỉ học bơi cơ bản mà còn học các kỹ năng an toàn dưới nước, các em có thể nổi ở dưới nước và đó là cách có thể giảm thiểu nếu có nhiều loại mối nguy hiểm khác nhau trong chính vùng nước. Ngoài ra cũng cần những kỹ năng cứu hộ an toàn và hồi sức cấp cứu".
Bà Rebecca Bavinger, Giám đốc phụ trách sức khỏe cộng đồng, Quỹ Bloomberg Philanthropies cho biết, giáo dục kỹ năng an toàn dưới nước đã được lồng ghép trong các chương trình dạy bơi cho học sinh nhưng cũng cần chú trọng tới kỹ năng cứu hộ an toàn:
"Chúng tôi đã hỗ trợ chính phủ Việt Nam giáo dục kỹ năng bơi lội cho trẻ em và kỹ năng an toàn dưới nước, cách thoát ra khỏi các vùng nước một cách an toàn. Thực tế đã xảy ra một số trường hợp, trẻ tìm cách cứu bạn khỏi đuối nước nhưng lại bị tử vong do đuối nước. Do vậy, chúng tôi mong muốn, trẻ em sẽ được đào tạo về cách cứu hộ đuối nước an toàn. Trẻ ở trên bờ và cung cấp cho nạn nhân các cây gậy dài, ném phao cứu sinh hoặc dây thừng xuống nước cho nạn nhân".
Theo Báo cáo của Tổ chức y tế thế giới mới công bố, chỉ 33% các quốc gia có chương trình quốc gia đào tạo về kỹ năng cứu hộ và hồi sức cho người dân, và chỉ 22% đưa nội dung bơi lội và an toàn dưới nước vào chương trình học của nhà trường.
Trung bình mỗi năm, Việt Nam giảm được 100 trẻ em tử vong vì đuối nước nhưng mỗi năm, cả nước vẫn còn khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước, tương đương với số trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông. Dưới góc nhìn của VOVGT, phòng ngừa nguy cơ rủi ro do đuối nước là giải pháp căn bản để cải thiện tình trạng này.
Đây là góc nhìn của Kênh VOV Gia thông qua bài bình luận: Nhận diện rủi ro, giải pháp phòng ngừa đuối nước
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, ước tính năm 2021, Việt Nam có khoảng 7.700 người tử vong vì đuối nước và tỷ lệ đuối nước của Việt Nam là 7,8/100 nghìn dân, thuộc mức cao nhất trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
Mặc dù, số lượng các ca đuối nước tại Việt Nam xu hướng giảm dần qua các năm nhưng đuối nước luôn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên. Những con số nêu trên cho thấy tình hình rất đáng báo động.Vậy, thời gian tới, Việt Nam cần những giải pháp gì để có thể thực hiện hiệu quả hơn nữa?
Chính phủ đã phê duyệt chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 đã đặt mục tiêu, đến năm 2025 giảm 10% trẻ em bị đuối nước, 50% trẻ em từ 6 đến 16 tuổi biết bơi an toàn. Đồng thời, Chính phủ cũng đa ban hành nhiều Công điện như Công điện số 398 ngày 02/5/2022, Công điện số 60 ngày 22/6/2024 và mới đây nhất là Công điện số 118 ngày 19/11/2024 về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh.
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, kịp thời các Công điện này, chính quyền các địa phương cần chỉ đạo, thực hiện rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm có nguy cơ gây đuối nước cao, nhanh chóng lắp đặt các rào chắn, biển cảnh báo, cảnh giới, bố trí người trực, nhắc nhở tại các khu vực này.
Chính quyền địa phương cũng cần bố trí địa điểm, nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức dạy bơi, thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện phòng chống đuối nước của các cơ sở giáo dục, chính quyền các cấp. Đặc biệt, cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra các vụ tai nạn đuối nước.
Về phía Bộ Giáo dục và đào tạo, cùng với việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai các nhiệm vụ, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước, theo hướng đổi mới cách giảng dạy trực quan, sinh động để hấp dẫn và thu hút các em cùng tham gia.
Song song với đó, ngành giáo dục tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn trong trường học, chú trọng đến chất lượng, thay vì thành tích. Trong đó, giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ em trong môi trường nước, kỹ năng ứng cứu, xử lý tình huống khi gặp các trường hợp đuối nước cần được ưu tiên hơn nữa.
Cùng với đó, ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục rà soát lại quy trình và tăng cường giám sát chặt chẽ quá trình dạy và học bơi, đảm bảo an toàn cho các em tại 2.000 bể bơi trong các cơ sở giáo dục trên cả nước.
Bộ Lao Động- Thương binh và xã hội tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa phương, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra đuối nước trẻ em.
Việt Nam có điều kiện tự nhiên với hơn 3.000 km bờ biển và có khoảng hơn 2300 con sông dài trên 10km, cùng hàng chục nghìn các ao, hồ lớn nhỏ trên cả nước, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn đối với các vùng nước, đặc biệt đối với trẻ em.
Bởi vậy, tùy vào điều kiện thực tế, điều kiện kinh tế- xã hội mà các địa phương nên bố trí nguồn lực để đầu tư, bố trí các hàng rào, các biển cảnh báo tại các khu vực vùng nước hở. Huy động nguồn lực xã hội hóa để các doanh nghiệp trên địa bàn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng chống đuối nước,
Ngay cả các khu du lịch, khách sạn, các khu vực công trình xây dựng, những khu vực mương hở ngập do mưa lũ cũng cần có rào chắn và biển cảnh báo nguy hiểm để hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Gia đình đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa đuối nước ở trẻ nhỏ. Người lớn, cha mẹ học sinh cần tăng cường giám sát chặt chẽ trẻ nhỏ, nâng cao kiến thức, nhận thức về những nguy cơ đuối nước để giáo dục, hướng dẫn các em nhận biết các vùng nước nguy hiểm, chấp hành các quy định về an toàn giao thông khi cho con em tham gia bằng phương tiện thủy.
Rủi ro đuối nước có thể rình rập ở khắp mọi nơi.Tuy nhiên, điều quan trọng và cần được ưu tiên hàng đầu là các nhà trường, gia đình, và các địa phương cần sớm tổ chức các lớp về nhận thức, kiến thức và kỹ năng an toàn cho trẻ em, giúp các em tự nhận diện các nguy cơ và chủ động phòng tránh đuối nước ngay cả khi biết bơi.