Giám sát vi phạm nồng độ cồn với nhân viên đường sắt được thực hiện thế nào?

Liên tiếp thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng nhân viên gác chắn, nhân viên trực ban chạy tàu của ngành đường sắt vi phạm nồng độ cồn trong thời gian làm việc.

Việc nhân viên đường sắt sử dụng rượu, bia trong khi làm việc là rất nguy hiểm, bởi có thể ảnh hưởng đến khả năng phản xạ và thực thi công vụ, nguy cơ dẫn đến TNGT rất cao.

Vậy, việc giám sát vi phạm nồng độ cồn đối với lĩnh vực đường sắt đang thực hiện như thế nào, hay chủ yếu lệ thuộc vào việc kiểm tra của CSGT? Có những khó khăn nào trong việc giám sát vi phạm nồng độ cồn với nhân viên đường sắt?

 

Vẫn chưa hết ngỡ ngàng sau khi 2 nhân viên gác chắn đường sắt của đơn vị vừa bị lực lượng chức năng phát hiện vi phạm nồng độ cồn, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đường sắt Phú Khánh cho biết, là đơn vị quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt trải dài hơn 283km qua 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, áp lực trực gác tương đối nặng nề, nên chưa bao giờ xảy ra việc nhân viên gác chắn hoặc tuần đường vi phạm nồng độ cồn khi đang thực hiện nhiệm vụ.

Bởi vậy, sau khi 2 nhân viên gác chắn bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn, đơn vị đã họp, ban hành quyết định kỷ luật theo nội quy lao động.

Nói về biện pháp quản lý nhân lực, ông Bùi Văn Quang cho hay, ngoài các văn bản nhắc nhở, quán triệt của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, của chính quyền địa phương, với các nhân viên làm việc ngoài cung đội gác chắn, mỗi tháng đơn vị tiến hành kiểm tra 2 lần để đảm bảo mỗi nhân viên tuần đường, gác chắn không vi phạm nồng độ cồn khi lên khu ga hoặc vào ca gác chắn…

"Trong việc quản trị anh em thì Ban điều hành trực tiếp ra các văn bản yêu cầu không được sử dụng chất kích thích trước, trong thời gian lên Ban. Trường hợp đi kiểm tra mà phát hiện thì yêu cầu các cung đội phải thay người ngay. Nhưng đối với đội gác chắn thì hàng tháng từ phía cung đội cũng kiểm tra 2 lần, cho nên không phải hàng ngày thường xuyên ở đó, cho nên việc phát hiện cũng không kịp thời", ông Bùi Văn Quang cho biết.

Lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện nhân viên đường sắt vi phạm nồng độ cồn

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc Công ty đường sắt Yên Lào – đơn vị quản lý hạ tầng đường sắt đi qua 2 tỉnh Yên Bái, Lào Cai với tổng chiều dài 155km- cũng cho hay, với gần 300 nhân lực, ngoài các quy định của Luật Đường sắt về việc không được sử dụng rượu bia khi làm việc, đơn vị thường xuyên nhắc nhở, giám sát để đảm bảo mỗi nhân viên vào ca không vi phạm nồng độ cồn.

Đặc biệt, đối với nhân viên gác chắn còn có sự giám sát bằng camera kết nối trực tiếp về trung tâm điều hành của công ty:

"Có trung tâm camera, trung tâm kiểm soát đặt ở công ty, khi lên Ban thì người ta thường xuyên quan sát, giả sử anh có biểu hiện khác, bất bình thường, không chỉ là bia rượu, mà kể cả ốm đau thì ở trung tâm điều hành người ta kết nối điện thoại thẳng xuống điểm gác chắn ấy để gọi, kiểm tra".

Ông Võ Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty Đường sắt Bình Trị Thiên cũng cho biết, trước đây, đơn vị đã từng có một nhân viên vi phạm nồng độ cồn khi đang làm nhiệm vụ, bị lực lượng CSGT nhắc nhở, nên việc chấp hành quy định không sử dụng rượu bia khi làm nhiệm vụ luôn được đơn vị thường xuyên nhắc nhỏ, chấn chỉnh.

Theo ông Dũng, với gần 600 người, thực hiện việc tuần đường và gác chắn trên đoạn đường sắt dài gần 170km, đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế, việc đảm bảo an toàn lao động luôn được đặt lên hàng đầu:

"Phòng nghiệp vụ của đơn vị tháng đi 4 lần, đi riêng lẻ, kiểm tra đến lãnh đạo công ty, đối với giám đốc thì 2 lần/tháng, kiểm tra phó giám đốc là 4 lần, kiểm tra dọc đến những vị trí chốt, gác chắn do mình quản lý".

Ngoài đội ngũ nhân viên gác chắn, tuần đường, đối với các đơn vị phục vụ chạy tàu, kiểm tra đầu máy, toa xe, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn cũng được thực hiện chặt chẽ. Ông Nguyễn Hồng Linh, Phó gám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Nội cho hay, Phòng an toàn vận tải thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất kết hợp với tuyên truyền, nhắc nhở đối với đội ngũ trưởng tàu, nhân viên phục vụ trên tàu, nhân viên kỹ thuật khám toa xe và các trạm vận tải:

"Phòng An toàn vận tải kiểm tra định kỳ, đột xuất hàng ngày, kết hợp kiểm tra an toàn, kiểm tra nghiệp vụ với tuyên truyền, nhắc nhở. Đấy là những biện pháp chủ yếu hiện tại đang làm".

Ảnh nh họa

Ông Mai Thế Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty vận tải đường sắt Sài Gòn cũng cho hay, đơn vị đã ban hành nhiều quy định về việc thực hiện Nghị định 100, nhất là trong các cuộc họp giao ban, cũng đều nhắc nhở việc tuân thủ quy định kiểm soát nồng độ cồn.

Đặc biệt, việc kiểm tra, giám sát nội quy về kiểm soát nồng độ cồn được thực hiện từ các ca làm việc, trong đó trưởng ca, trưởng tàu chịu trách nhiệm giám sát chủ yếu:

"Khi lên ban làm việc đều phải thực hiện nghiêm túc không uống rượu bia, trước và trong khi làm việc. Đối với việc chạy tàu thì anh em trưởng tàu cũng đều quán triệt những cái đó, hàng ngày lên Ban thì các tổ trưởng sẽ giám sát, thứ 2 là lãnh đạo trực đều phải giám sát họ.

Còn đối với lực lượng phục vụ trên tàu thì trước khi nhận ban, lên tàu thì phải qua phòng trực ban để họp, giao nhiệm vụ mới được đi thì đấy là một cách kiểm tra, còn trên tàu thì trưởng tàu phải quán xuyến, kiểm tra trên tàu".

Mặc dù việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với nhân viên đường sắt được thực hiện khá thường xuyên và nghiêm ngặt, song, ngoài 2 vụ việc nhân viên gác chắn vi phạm nồng độ cồn khi đang làm nhiệm vụ được phát hiện trong tháng 10 vừa qua, thống kê của Cục CSGT cho thấy 9 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã phát hiện 154 trường hợp nhân viên ngành đường sắt vi phạm nồng độ cồn.

Theo đại diện Cục CSGT, việc nhân viên đường sắt sử dụng rượu, bia trong khi làm việc xuất phát từ tâm lý chủ quan của người thực thi công vụ, khi quá trình làm việc chỉ có một số giờ tàu chạy. Điều này khá nguy hiểm, bởi vi phạm nồng độ cồn có thể ảnh hưởng đến khả năng phản xạ và thực thi công vụ của nhân viên đường sắt./.