Giải pháp nào cho những 'ma men' tự lái xe về nhà?

Theo kết quả khảo sát do UB ATGT Quốc gia mới công bố, tỉ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm 68%, trong đó khoảng 40% người say rượu bia vẫn tự lái xe về nhà.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Theo khảo sát, tỉ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm 68%, trong đó khoảng 40% trong tình trạng bị say

Khảo sát tại TPHCM, Bình Dương, Hà Nội trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2018 cho thấy, nam giới gây ra 80% - 90% các vụ tai nạn giao thông do uống rượu bia – lái xe. Thời gian xảy tai tai nạn thường từ 18 giờ đến 24 giờ và cao hơn vào các ngày cuối tuần; phương tiện chủ yếu là xe máy với 70% - 90% số vụ.

Cũng theo kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm 68%, trong đó khoảng 40% trong tình trạng bị say và tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ rất cao khoảng 36%.

Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Nam, trường Đại học Việt Đức, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, theo số liệu thống kê của CSGT trên toàn quốc, số vụ TNGT liên quan tới nồng độ cồn 4%, trong đó tại TPHCM ở mức 5% và tỉnh Bình Dương là 12%. Tuy nhiên số liệu này thấp hơn rất nhiều so với số liệu thống kê TNGT do rượu bia nhập viện tại một số bệnh viện. Nguyên nhân cơ bản của khác biệt trên là do trong nhiều vụ TNGT, tình trạng chấn thương của nạn nhân đã gây khó khăn lớn cho công tác xét nghiệm nồng độ cồn.

Vì thế, ông Tuấn đề nghị cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 46 và Luật Giao thông đường bộ với nguyên tắc “nồng độ cồn trong máu bằng 0 khi điều khiển xe máy”; tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt mới như lao động công ích… Ngoài ra cần phải tăng cường tuyên truyền giáo dục bằng nhiều biện pháp để thay đổi nhận thức, ý thức và hành vi… Và các lực lượng thực thi công vụ cần xử lý mạnh tay: Ngoài các chốt cố định thì có các đội tuần tra lưu động thường xuyên khắp thành phố luôn. Không cần lực lượng dày mà chỉ như hiện nay thôi nhưng mà tổ chức bài bản, thường xuyên liên tục và ngẫu nhiên. Đã bắt được là phạt theo quy định của pháp luật. Nếu mà làm được như thế sẽ cải thiện tình trạng uống rượu bia lái xe rất nhiều. Bởi thực tế là các vụ TNGT chết người có liên quan rượu bia là lên đến 40% chứ không phải là 4 – 5% như công bố của Bộ Công an.

Logo kêu gọi người tham gia giao thông Đã uống rượu bia thì không lái xe. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM cũng cho biết, tình trạng tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia ở thành phố đến nay chưa giảm; chủ yếu xảy ra tại các quận huyện ngoại thành và cá biệt địa phương có 14/15 vụ tai nạn giao thông chết người do liên quan đến nồng độ cồn. Thời gian tới, Ban ATGT TPHCM sẽ tận dụng các kết quả nghiên cứu được công bố hôm nay để thay đổi phương thức tuyên truyền cho hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Tường nói: Về phía Ban An toàn giao thông TP sẽ tận dụng các tài liệu quan trọng này và mời các chuyên gia đầu ngành để tổ chức những hội thảo, tập huấn các lực lượng địa phương và các ban ngành đoàn thể để vừa làm tư liệu công tác tuyên truyền trong thời gian tới và đồng thời để các lực lượng xử lý xử phạt nghiên cứu kỹ về nội dung này để công tác xử phạt đúng quy định và đạt hiệu quả cao nhất.

Để ngăn chặn hành vi lái xe khi đã uống rượu bia, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, tăng cường chế tài xử phạt đối với các lái xe vi phạm nồng độ cồn, ngoài xử lý hành chính, cần có các hình phạt bổ sung và tạo môi trường pháp lý xử lý hình sự hành vi này.

Về lâu dài, cần có biện pháp tuyên truyền hiệu quả, dần dần thay đổi văn hóa, thói quen uống rượu bia của người dân, siết chặt quy định về độ tuổi, thời gian, mức độ,… để hạn chế việc tiếp cận rượu bia trong xã hội.