Giá thuốc lá sẽ tăng 10.000 đồng/ bao, giải pháp hiệu quả để giảm số người hút?

Việt Nam là một trong 4 quốc gia trong khu vực và thuộc top 15 quốc gia sản xuất thuốc lá hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia có giá thấp nhất khu vực, dưới 1 đô la Mỹ/ bao và tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá ở mức 38,8%...

Dự thảo Luật Thuế tiêu tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi gồm 4 chương 12 điều. Trong đó, tập trung vào sửa đổi 10 Điều của Luật thuế TTĐB hiện hành: gồm các Điều quy định về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, giá tính thuế, thuế suất, hoàn thuế, khấu trừ thuế...

Mục đích nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính nh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện; nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý thuế. Đồng thời, khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế TTĐB thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế TTĐB và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật có liên quan…

Đáng chú ý, Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, bổ sung quy định mặt hàng “thuốc lá điếu, xì ga và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm” vào đối tượng chịu thuế TTĐB.  Đồng thời, bổ sung quy định “giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm cả khoản đóng góp bắt buộc và kinh phí hỗ trợ”.

Về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, Dự thảo Luật thuế TTĐB đề xuất giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026-2030 và hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO.

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án bổ sung mức thuế tuyệt đối:

Phương án 1 đề xuất mức thuế suất đối với thuốc lá điếu 2.000 đồng/ bao từ năm 2026 và tăng dần qua các năm, lên mức 10 nghìn đồng/ bao vào năm 2030.Như vậy, tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ tăng từ 36% (2022) lên 44% vào năm 2026 và đến năm 2030 tăng lên 59,4%.

Phương án 2 đề xuất, từ năm 2026 áp dụng mức thuế 5.000 đồng/bao và tăng lên 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ tăng từ 36% năm 2022 lên 52,4% năm 2026  và đến năm 2030 tăng lên 59,38%.

Vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và lấy ý kiến các chuyên gia về đề xuất tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá. Các chuyên gia cho rằng hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ đối với sản phẩm thuốc lá của Việt Nam chỉ chiếm 38,8%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 78,6% của Thái Lan, 67,5% của Singapore và 71,3% của Philippines và mức 70-75% theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới.

Dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi đã được lấy ý kiến rộng rãi và đang trình Bộ Tư pháp thẩm định. Sau khi Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, chỉnh lý dự thảo Luật và các tài liệu kèm theo để trình Chính phủ. 

Giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia có giá thấp nhất khu vực, dưới 1 đô la Mỹ/ bao và tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá ở mức 38,8%. Điều này tiềm ẩn nguy cơ ngày càng nhiều người dân có thể tiếp cận với thuốc lá.

Vì sao phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá?  GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát thuốc lá của các nước khu vực ASEAN:

Chi phí điều trị cho các bệnh liên quan đến thuốc lá một năm là 108 nghìn tỷ đồng, gấp 5 lần mức thuế thu được từ thuốc lá. Mặc dù, tỷ lệ sử dụng thuốc lá của Việt Nam có xu hướng giảm nhưng theo đánh giá, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Thuốc lá bán ở khắp nơi, khả năng tiếp cận thuốc lá rất dễ dàng, thuốc lá hiện nay tại Việt Nam có giá rất thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy chưa đáp ứng được mục tiêu giảm tiêu dùng của thuốc lá.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn

Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 568 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, trong đó nêu rõ, giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ, giảm tỷ lệ tử vong do thuốc lá gây ra, xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030, mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới trong cộng đồng.

Với những kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, Việt Nam sẽ có thêm bằng chứng đẩy mạnh việc ban hành vào thực thi các chính sách hiệu quả về chống tác hại của thuốc lá, góp phần đạt mục tiêu của chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá.

 ĐẾN 2030, GIẢM 2,5 TRIỆU NGƯỜI HÚT THUỐC

Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Các phương án này sẽ giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc như thế nào?

PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Cán bộ Kỹ thuật, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam xung quanh nội dung này:

PV: Thưa ông, Tổ chức y tế thế giới đánh giá như thế nào về những phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá do Bộ Tài chính đưa ra?

BS Nguyễn Tuấn Lâm, Cán bộ Kỹ thuật, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm: Tổ chức y tế thế giới (WHO) đánh giá rất cao 2 phương án mà Bộ Tài chính đưa ra. Trong đó, phương án số 2 sẽ tác động tốt hơn bởi vì bắt đầu với mức thuế 5.000 đồng/ bao, so với mức 2.000 đồng/ bao sẽ giảm nhiều hơn ngay từ năm bắt đầu tốt hơn cho sức khỏe, còn về tác động tổng thể cho đến năm 2030 thì tương đương nhau.

Biện pháp tăng thuế là biện pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất để giảm tiêu thụ thuốc lá. WHO đã có những nghiên cứu rất công phu, đưa ra kết luận: nếu mà tăng thuế để giá tăng 10%, ước tính tiêu dùng giảm từ 4-5%. Với đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính có tác dụng rất tốt, sẽ giảm đáng kể số người hút thuốc trong thời gian tới.

Nếu thuế không tăng, các biện pháp phòng chống thuốc lá khác chúng ta đã áp dụng tương đối nhiều rồi gần như bão hòa, chỉ mong chờ nhất là biện pháp tăng thuế. Giả sử mức thuế không tăng thì tỷ lệ hút thuốc thời gian tới sẽ gia tăng. Ví dụ 2021, tỷ lệ hút thuốc 41%, nếu không có biện pháp thuế thì sẽ tăng lên 43% đến năm 2030.

Với việc gia tăng tỷ lệ hút thuốc và dân số gia tăng, nếu không có biện pháp can thiệp thuế sẽ tăng thêm 2,5 triệu người hút thuốc. Vấn nạn hút thuốc ngày càng trầm trọng, gây thêm nhiều ca bệnh tật, tử vong sớm, tổn thất kinh tế. 

Phương án của Bộ Tài chính đưa ra sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc, theo ước tính, đến năm 2030 sẽ giảm được 2,5 triệu người hút thuốc, nếu mà không có làm gì sẽ tăng thêm. Nhưng nếu áp theo phương án của Bộ Tài chính sẽ ngăn chặn hoàn toàn sự gia tăng đó, làm cho tiêu dùng trong nước đi ngang. Đó là bước can thiệp tốt, vừa phải .

PV: Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, WHO có khuyến cáo gì đối với Việt Nam trong sử dụng các công cụ thuế để thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá?

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm: Với đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính, chúng tôi cho rằng có tác dụng rất tốt, giảm đáng kể số người hút thuốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, Tổ chức y tế thế giới cho rằng cần phải làm tốt hơn nữa. WHO khuyến cáo lộ trình, khởi đầu bằng mức tăng thuế tuyệt đối 5.000 đồng/ bao vào năm 2026, và tăng theo lộ trình đến năm 2030 là 15.000 đồng/bao.

Với khuyến cáo của WHO, Việt Nam có thể giảm tỷ lệ hút thuốc tốt hơn so với phương án của Bộ Tài Chính đưa ra và Việt Nam có thể đạt được mục tiêu của Chương trình Phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và giúp phòng tránh tổng cộng 3,2 triệu người hút thuốc mới và những người bỏ thuốc lá. Đề xuất của Bộ Tài chính theo tính toán đến năm 2030 giảm xuống 37% chưa đạt được mục tiêu, nhưng còn đề xuất của WHO sẽ giảm xuống dưới 36% sẽ đạt được mục tiêu đặt ra.

PV: Xin cảm ơn ông!

TĂNG 10.000 ĐỒNG/ BAO THUỐC LÁ

Trao đổi với PV VOV Giao thông, ông Phạm Văn Long, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam cho biết về những tác động đến hành vi người tiêu dùng và xa hội khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá:

"Thuế là một trong những công cụ tốt nhất để hạn chế sử dụng tiêu thụ thuốc lá. Không chỉ ở Việt Nam mà các nước trong khu vực, việc tăng thuế đã giúp ích rất nhiều cho việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá như ở Thái Lan, Indonesia...

Giá thuốc lá ở những quốc gia này rất đắt nếu so với thu nhập, mức sống bình quân của người dân và có tác dụng làm giảm tỷ lệ hút thuốc lá. Hầu hết các quốc gia đó đánh thuế với sản phẩm thuốc lá rất cao, áp dụng cả thuế tuyệt đối và thuốc tỷ lệ đối với thuốc lá. Ví dụ như Trung Quốc giá thuốc rất cao so với thu nhập của người dân bình thường

Cả 2 phương án đều tốt vì hướng tới mức tăng thuế tuyệt đối lên 10.000 đồng/ bao thuốc lá vào năm 2030. Tuy nhiên phương án số 2 của Bộ Tài chính tăng 5.000 đồng/ bao thuốc lá vào năm 2026 là phương án tốt hơn phương án số 1 (tăng 2.000 đồng/ bao trong lần đầu). 

Một số ý kiến cho rằng, tăng thuế lên 5.000 đồng/ bao thuốc lá có thể gây ra cú sốc cho người tiêu dùng nhưng mức nền giá thuốc lá bình quân ở Việt Nam đang rất thấp (16.000-17.000 đồng/bao), thu nhập của người dân đang tăng nhanh hơn mức tăng của giá thuốc lá, con số 5.000 hiện nay vẫn thấp. Nếu so sánh 2 phương án đó thì phương án số 2 tốt hơn".

Với khoảng 16 triệu người trưởng thành hút thuốc, hàng năm Việt Nam có hơn 100.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, cao gấp 10 lần số người tử vong vì TNGT.  Trong khi đó, giá bán thuốc lá tại Việt Nam rất rẻ, tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá thấp nhất trong khu vực, dưới 50%.

Những quy định mới của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ khắc phục những bất cập trên?

Bạn có ý kiến gì về các quy định mới của Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi ? Nếu được ban hành, các quy định mới của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ giúp người tiêu dùng thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá ra sao, giúp  Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm số lượng người hút thuốc lá của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

----

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Từ và thứ Bảy hằng tuần trên FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast.