Giá thép tăng, xây lắp cầm chừng, nhiều công trình có nguy cơ trễ hẹn

Ngày 7/9, nhiều doanh nghiệp trong nước đồng loạt công bố tăng giá thép lần 2 kể từ đầu tháng 9, với mức trên dưới 200 đồng/kg cho sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây. Giá thép tăng làm phát sinh thêm các chi phí của công trình xây dựng và đe dọa tiến độ của nhiều dự án bất động sản.

Từ đầu tháng 9 đến nay, anh Văn Toàn, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đau đầu tính toán, cân đối lại chi phí hoạt động của công ty gia đình chuyên về lĩnh vực xây lắp công trình dân dụng và công nghiệp, vì chi phí phát sinh hàng tháng tăng đột biến:

"Doanh nghiệp nhập khoảng 1 tỷ vật tư tiền thép. Nếu giá tăng khoảng 15%, doanh nghiệp mất khoảng 150 triệu do chi phí phát sinh tăng. Chi phí thép chiếm tỷ trọng khoảng 30% trong giá thành công trình, giá thép tăng đẩy chi phí lên, doanh nghiệp không điều chỉnh được về đơn giá, gây khó khăn về chi phí đầu vào doanh nghiệp", anh Toàn nói.

Giá thép ngoài thị trường tăng liên tục, nhưng nhiều doanh nghiệp xây dựng buộc phải chấp nhận vì không thể điều chỉnh do vướng các quy định, điều khoản hợp đồng đã ký trước đó hoặc điều chỉnh rất mất thời gian.

Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và xây lắp Đông Đô, ở Hà Nội cho biết, trong các hợp đồng mà đơn vị ký kết với đối tác, giá thép nói riêng và giá vật liệu đầu vào nói chung được xây dựng theo khung giá do Sở xây dựng hướng dẫn. Giá thép tăng đồng nghĩa với lợi nhuận của doanh nghiệp, chủ thầu xây dựng giảm.

"Giá thị trường biến động liên tục nhưng báo giá của cơ quan Nhà nước có cập nhật đâu nên đương nhiên bị ảnh hưởng. Giá thép tăng, giá xây dựng tặng thêm. Tăng lên đương nhiên phải chịu thiệt rồi, có nhiều cái lỗ. Nhà nước mà không điều chỉnh kịp theo thị trường đương nhiên doanh nghiệp phải chịu lỗ. Có khi thiệt hại 5,10% tổng giá trị gói thầu", Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và xây lắp Đông Đô cho biết.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đồng loạt công bố tăng giá thép lần 2 kể từ đầu tháng 9 này. Ảnh: Tuổi trẻ

Sự biến động về giá thép và giá xi măng, xăng dầu khiến một số ý kiến lo ngại về chất lượng cũng như nguy cơ vỡ tiến độ của các dự án công trình giao thông. Nếu giá thép vẫn cứ tiếp tục tăng có thể khiến nhiều chủ đầu tư không thể tiếp tục thi công vì nếu tiếp tục làm thì lỗ.

Đối với lĩnh vực bất động sản, giá thép tăng làm gia tăng chi phí xây dựng các công trình nhà ở, từ đó ảnh hưởng đến giá bán nhà nói chung. Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Hà Nội phân tích, thép chiếm tỷ trọng khoảng 20-30% nguyên liệu đầu vào, nên khi có sự biến động về giá, các doanh nghiệp chắc chắn gặp khó khăn:

"Giá tiếp tục tăng lên giảm xuống. Chu kỳ của bất động sản rất dài, độ trễ của các dự án bất động sản  3,5,7 năm mới xong. Đây cũng là cái khó cho các doanh nghiệp đang triển khai dự án và tiếp tục triển khai dự án", ông Điệp cho biết.

Giá thép tăng còn ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở xã hội của người dân. Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, đơn vị đang ở giai đoạn hoàn thiện thủ tục để thực hiện thi công 2 dự án nhà ở xã hội ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, giá bán nhà ở xã hội bị khống chế nên giá thép tăng, doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc thời gian thi công.

"Thép là một đầu vào quan trọng, làm tăng giá thành sản phẩm. Đối với nhà ở xã hội không được tăng giá thành sản phẩm ảnh hưởng đến lợi nhuận của chủ đầu tư và tốc độ xây dựng bị chậm lại hoặc bị tạm hoãn, cơ hội nhận nhà của người dân sẽ bị ít đi hoặc kéo dài hơn. Nếu trong trường hợp giá thép hay nguyên liệu đầu vào tăng thì chúng tôi sẽ hoàn thời gian xây dựng đến lúc nào bình ổn giá chúng tôi mới xây dựng", ông Nguyễn Anh Quê nói.

Một số ý kiến đề xuất, chính phủ cần có những cơ chế để giám sát việc tăng giá thép, tránh điều chỉnh giá quá nhiều trong một thời gian ngắn để các doanh nghiệp có thể đảm bảo đơn giá kinh doanh. Việc  cân nhắc cơ chế trợ giá cũng nên được tính đến nhằm hạn chế  những tác động đến các doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế./.