Giá nông sản ít biến động: Bình yên trước giông bão?

Kể từ đầu năm đến nay, thị trường nông sản đã trải qua chuỗi tăng giá kỉ lục, mà giới phân tích hay nhắc đến với tên gọi “siêu chu kỳ tăng giá”.

Tuy nhiên, chỉ 2 phiên giao dịch sau báo cáo Cung- cầu thế giới do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành ngày 12/05 đã thổi bay mức tăng trong gần 2 tuần trước đó, cho thấy mức độ biến động cực kì mạnh của các mặt hàng này.

Trong một vài phiên trở lại đây, tâm lí hưng phấn của các nhà đầu tư đang có sự chững lại khi diễn biến thị trường nông sản trở nên ảm đạm hơn.

Giá ngô kết thúc phiên hôm qua, 24/05/2021, chỉ giảm nhẹ 0,34% về mức 657,25 cent/giạ; giá đậu tương đóng cửa ở mức 1522,75 cent/giạ và thấp hơn 0,23% so với phiên trước đó.

Bảng giá Nông sản trên Sở Chicago đóng cửa ngày 24/05/2021

Giới đầu tư đang thận trọng hơn do ảnh hưởng của thị trường tiền điện tử

Tuần vừa rồi, toàn bộ thị trường tài chính thế giới chao đảo khi thị giá của các đồng tiền điện tử lao dốc không phanh, tạo ra sự sợ hãi và hoang mang bao trùm lên toàn bộ giới đầu tư.

Dòng tiền tạm thời rút ra khỏi các kênh đầu tư rủi ro, khiến giá nông sản cũng bị ảnh hưởng.

Tổng khối lượng giao dịch 3 mặt hàng ngũ cốc chính (ngô, lúa mì, đậu tương) theo kỳ hạn tháng 7 trên Sở Chicago trong phiên đầu tuần này vẫn duy trì ở mức thấp so với trung bình 3 tháng qua.

Khi thị trường thiếu vắng thông tin, tích luỹ là điều cần thiết để tạo nền giá mới

Thị trường nông sản đang bước vào “vùng trũng” của thông tin. Chuỗi tăng giá các mặt hàng này bắt nguồn từ dự đoán sụt giảm tồn kho cuối vụ, gây ra lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt.

Hiện tại, vẫn còn quá sớm để dự đoán cụ thể sản lượng thu hoạch của Mỹ khi các mùa vụ mới chỉ đang trong giai đoạn gieo trồng.

Tuy nhiên, những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của cây trồng như thời tiết khô hạn ở Vùng trung tây (Midwest - vùng trồng ngô và đậu tương chính tại Mỹ); tốc độ gieo trồng chậm hơn kì vọng đã lần lượt xuất hiện và gần như được phản ánh hết vào giá. 

Nhìn lại diễn biến giá hàng hoá trong lịch sử, cụ thể là giá ngô trước đợt tăng gần nhất cũng phải trải qua quá trình tích luỹ với khối lượng thấp. Việc giá đi ngang tích luỹ sẽ là cơ sở cho xu hướng tăng tiếp theo.

Chính vì thế, đây cũng có thể là nhịp điều chỉnh để tạo nền cho mặt bằng giá mới sau chuỗi tăng liên tục của ngô trong thời gian qua.

Bức tranh về nguồn cung vẫn chưa rõ ràng và tiềm ẩn yếu tố tăng giá

Dựa vào những số liệu trong báo cáo Cung – cầu tháng 5 được USDA công bố, giá nông sản, cụ thể là giá ngô vẫn còn dư địa tăng.

Có thể thấy rằng, hạn hán năm nay đang diễn ra ở Midwest nghiêm trọng hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái trong khi con số năng suất mà USDA đưa ra lại dựa trên các giả định về điều kiện bình thường.

Nếu ảnh hưởng của yếu tố thời tiết tăng lên khiến năng suất ngô Mỹ niên vụ mới bị điều chỉnh thấp hơn trong báo cáo tiếp theo, thì mức tồn kho ngô sẽ giảm mạnh bất chấp diện tích gieo trồng đã tăng lên.

Bản đồ Hạn hán tại Mỹ (nguồn: Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ)

Ngoài ra, giới phân tích cũng đang đặt câu hỏi xoay quanh mức sản lượng 100 triệu tấn ngô của Brazil trong niên vụ 2020/21 mà USDA đưa ra.

Liệu con số này có lạc quan thái quá không, khi thời tiết khô hạn đã kéo dài kể từ đầu tháng 3 đến nay đang gây thiệt hại đến chất lượng ngô vụ 2 của nước này?

Đây có thể là những yếu tố “bullish” tiềm ẩn đối với giá nông sản và nhà đầu tư cần chú ý những con số này trong báo cáo Cung-cầu tiếp theo để có góc nhìn rõ ràng hơn về bức tranh nguồn cung.

Nguồn: MXV tổng hợp từ Bộ Nông nghiệp Mỹ

Triển vọng về nhu cầu thế giới vẫn tăng lên

Trong khi các mặt hàng nông sản suy yếu thì giá ngô vẫn là điểm sáng khi giữ được sắc xanh trong tuần trước. Tốc độ nhập khẩu nhanh hơn của Trung Quốc chính là yếu tố hỗ trợ bên mua trên thị trường.

Hơn 1 triệu tấn ngô mỗi đơn hàng xuất hiện liên tục trong 10 ngày mà USDA công bố ở báo cáo Daily Export Sales cho thấy triển vọng về nhu cầu nhập khẩu nông sản ở Trung Quốc vẫn đang tăng lên.

Theo USDA dự đoán, Trung Quốc có thể sẽ nhập khẩu 26 triệu tấn ngô trong niên vụ 2020/21 và 2021/22, tăng mạnh so với các năm trước. Tuy nhiên, với tốc độ nhập khẩu hiện tại, con số này thậm chí có thể tăng lên trong báo cáo tiếp theo.

Nguồn: MXV tổng hợp từ Bộ Nông nghiệp Mỹ

Với các yếu tố then chốt hỗ trợ giá được đảm bảo do tình trạng hạn hán ở Brazil vẫn chưa được cải thiện và nhu cầu thế giới vẫn tăng lên, giá ngô khó có thể đảo chiều ngay mà sẽ tích luỹ chờ thêm thông tin để chuẩn bị cho một đợt sóng tăng tiếp theo.