Giá cà phê Robusta lập kỷ lục mới, lúa mì dẫn đầu đà tăng nhóm nông sản

Triển vọng của thị trường cà phê vẫn đang được thúc đẩy bởi các thông tin cơ bản về nguồn cung, tuy nhiên, sự lây lan của biến thể Omicron sẽ vẫn tạo ra một rủi ro lớn đối với thị trường.

Nhóm nguyên liệu công nghiệp hồi phục

Sắc xanh đã quay trở lại với các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp. Hai mặt hàng cà phê tiếp tục thăng hoa với giá Arabica tăng 1.4% lên 236.6 cents/pound, giá Robusta đóng cửa lập mức kỷ lục mới 2335 USD/tấn.

Những thông tin xuất khẩu kém khả quan của hai nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới là Việt Nam và Indonesia đang hỗ trợ rất tốt cho giá. Bên cạnh đó, sức mua trên Sở ICE EU cũng lớn nhằm cân chỉnh lại mức chênh lệch đang ngày càng nới rộng giữa hai Sở trong thời gian vừa qua, khi mà giá Arabica tăng mạnh.

Đối với thị trường Arabica New York, xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng 11 đạt 1.68 triệu bao, giảm 36.5% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của hạn hán và sương giá. Những lo ngại về nguồn cung đã khiến cho mức dự trữ Arabica trên Sở ICE US tiếp tục giảm mạnh về 1.58 triệu bao.

Không hồi phục tốt như thị trường cà phê, giá bông giảm phiên thứ 6 liên tiếp về 103.7 cents/pound. Chỉ trong vòng 9 phiên giao dịch, giá bông đã “bốc hơi” 12.4% trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ của thị trường ảm đạm cùng với việc các quỹ tiến hành tất toán vị thế do áp lực thanh khoản.

Hai mặt hàng đường cũng tăng nhẹ trong phiên hôm qua với mức tăng trung bình là 0.1%. Giá đường 11 hiện đang ở mức 18.6 cents/pound, còn giá đường trắng đóng cửa ở mức 484.7 USD/tấn.

Sau khi xu thế tăng giá bị phá vỡ, thị trường đường đang chật vật tìm động lực để hồi phục trở lại. Giá đường đang có xu hướng chịu ảnh hưởng từ thị trường dầu thô, khi mà lượng mía sẽ được phân bổ để sản xuất ethanol hoặc đường.

Sắc xanh lan tỏa trên nhóm nông sản

Ở nhóm nông sản, sắc xanh tiếp tục áp đảo bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở CBOT.

Bất chấp các số liệu bán hàng tiêu cực trong báo cáo Export Sales, giá lúa mì vẫn dẫn đầu mức tăng của nhóm nông sản với hơn 3%, do lo ngại về nguồn cung khi biến chủng mới bùng phát tiếp tục đe dọa đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đấy, lực mua kỹ thuật sau khi giá vượt lên trên mức kháng cự tâm lý 800 cũng góp phần giúp giá lúa mì tăng mạnh trong phiên tối.

Theo sau lúa mì, dầu đậu tương là mặt hàng có mức tăng lớn thứ 2 với hơn 2%, nhờ ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của giá dầu thô. Mặc dù cả 2 mặt hàng này đều giảm mạnh vào đầu phiên tối sau khi các quốc gia OPEC+ quyết định duy trì mức tăng sản lượng 400,000/thùng vào tháng 1, tuy nhiên, nhu cầu trước mắt vẫn đang thiếu hụt đã giúp giá bật tăng trở lại từ các mốc hỗ trợ quan trọng, với dầu đậu là 55 cents.

Đối với ngô, bán hàng ngô tuần này trong báo cáo Export Sales cũng giảm mạnh giống đậu tương, nhưng vẫn ở mức cao của khoảng dự đoán. Cùng với đà tăng mạnh của giá lúa mì, đã giúp mặt hàng này tăng gần 1%, lên mức 576.75 cent/giạ.