Gắn biển giả để né phạt nguội và gian lận trả phí: Lẽ nào bó tay?

Một trong các vấn đề phát sinh khi thu phí không dừng, là đã có trường hợp xe không đi lên cao tốc nhưng vẫn bị trừ tiền oan cho xe gắn biển giả. Trước đó, hàng loạt vấn đề bức xúc đã xuất hiện liên quan đến tình trạng xe gắn biển giả để né xử phạt nguội,vi phạm pháp luật.

Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với một số chuyên gia giao thông về vấn đề này.

PV: Theo ông, có nên dán tem chống hàng giả cho biển số xe hay không?

TS. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường Đại học GTVT): Việc dán tem chống hàng giả ở nhiều quốc gia họ không làm như vậy. Bởi, thứ nhất tem đấy cũng có thể bị làm giả, thứ hai để nhận dạng ra tem đó cũng rất khó, bằng mắt thường không thể nhận dạng được.

Hiện nay, cũng chưa có công nghệ nào được xây dựng để nhận dạng ra tem đó là thật hay giả trên phương tiện tham gia lưu thông, nên sẽ phải đi phát triển một công nghệ mới rất phức tạp và khó khăn.

Thay vào đó, chúng ta sử dụng những giải pháp về công nghệ sẽ phù hợp hơn và phù hợp với cách mà các nước họ đã phải đối mặt với tình trạng này, chúng ta nên học hỏi.

PV: Với những hành vi cố tình vi phạm, chế tài xử phạt cần thay đổi thế nào?

TS. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường Đại học GTVT): Nhiều quốc gia họ kiểm soát bằng cách xây dựng những khung chế tài xử phạt rất nặng đối với những người sử dụng biển số giả; thậm chí ở nhiều quốc gia sử dụng biển giả còn tịch thu luôn cả phương tiện.

Khung chế tài của chúng ta hiện nay đối với lỗi vi phạm sử dụng biển giả để lưu thông bị phạt cao nhất là 6 triệu, còn rất nhẹ nên nhiều người họ vẫn coi thường. Mức phạt đó không đủ sức răn đe đối với hành vi này.

Bởi hành vi sử dụng biển giả rất nguy hiểm và có thể gây ra nhiều hậu quả. Ví dụ người sử dụng biển giả tham gia vào các hoạt động phi pháp như buôn lậu, buôn bán hàng cấm, vi phạm luật giao thông và trốn trả phí khi đi qua các trạm thu phí, gây tai nạn…rất nhiều hành vi nguy hiểm có thể phát sinh mà người vô tình bị hại là chủ sở hữu của những phương tiện biển số thật.

Cái này chúng ta phải thay đổi, tăng khung hình phạt lên mức cao nhất có thể để xử lý các hành vi vi phạm này. Như vậy mới đủ sức răn đe, những người có ý định cho những hành vi vi phạm họ sẽ phải cân nhắc và hạn chế hành vi này.  

Biển số xe 74A đã bị che, làm sai lệch 2 con số. Ảnh: Dân trí

PV: Vậy giải pháp nào để ngăn chặn triệt để tình trạng này?

TS. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường Đại học GTVT): Ngoài việc tăng khung hình phạt, phải áp dụng thêm những biện pháp về cưỡng chế.

Tức là tỉ lệ truy xuất vào những phương tiện vi phạm sử dụng biển giả đó phải tăng lên, bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại về nhận dạng phương tiện và tăng cường quản lý phương tiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cũng liên quan đến các giải pháp công nghệ nhằm phát hiện và ngăn chặn biển số giả, chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy đề xuất: "Đối với biển số giả, nên chăng có một phần mềm cho lực lượng công an hoặc cơ quan chức năng để khi xuất hiện biển số giả sẽ phát hiện và xử lý ngay được.

Theo tôi công nghệ này nếu nghiên cứu sẽ làm được. Bây giờ nếu phát hiện biển số giả, rồi mới báo về, sau đó mới xử lý sẽ mất nhiều thời gian và mất quyền lợi của người làm ăn chân chính. Vì thế cách tốt nhất là phải có một phần mềm, nếu xuất hiện biển số giả, các ETC có thể phát hiện ra ngay và xử lý người giả mạo.

Nói cách khác, biển số thật phải gắn liền với chủ sở hữu ở một đặc điểm nào đó mà phần mềm có thể nhận dạng".