F0 tăng cao, người mắc bệnh thông thường 'ngại' đến bệnh viện

Số lượng ca F0 mới tại Hà Nội liên tục tăng cao, khiến nhiều người dân mắc các bệnh lý khác có tâm lý e ngại đến khám và điều trị tại bệnh viện do lo sợ lây nhiễm COVID.

Tuy vậy, theo ghi nhận của PV VOV Giao thông, với sự phân luồng chặt chẽ khoa học, việc thăm khám và điều trị cho bệnh nhân nhóm khác vẫn đang được đảm bảo tại các cơ sở y tế trên địa bàn..

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Chị Nguyễn Thị Hoa, 32 tuổi ở Hà Nội, có dấu hiệu đau bụng dữ dội từng cơn từ đầu năm, nhưng do dịch COVID nên ngại đi khám. Đến đầu tháng 9, trong lần đi khám tại bệnh viện, bác sỹ đã phát hiện ra chị Hoa bị ung tư đại tràng giai đoạn cuối.

Bác Nguyễn Văn Tâm ở Thái Nguyên liên tục bị xuất huyết dạ dày một tháng trở lại đây, nhưng không muốn xuống bệnh viện Hà Nội thăm khám: "Vừa rồi khám, dạ dày bị xuất huyết. Đang dịch dã phức tạp lắm, đi test rồi đi đường, gặp người nọ kia, phức tạp lắm".

Hai tháng 1 lần, bác Lê Thị Hồng ở Thanh Xuân, Hà Nội vẫn đều đặn đến Bệnh viện hữu nghị Việt Xô để kiểm tra và lấy thuốc. Ngay từ cổng vào, bệnh viện tiến hành phân thành 2 luồng: một luồng cho bệnh nhân đến khám chỉ yêu cầu khai báo y tế, đo nhiệt độ, luồng còn lại dành cho bệnh nhân điều trị và người nhà bệnh nhân. Theo bác Hồng, chất lượng dịch vụ thăm khám vẫn được đảm bảo như bình thường:

"Nói chung là người đến khám ít hơn đấy. Những người đến khám là bất đắc dĩ, những người bị bệnh ung thư thì thường xuyên đến khám phải đi còn những người nhẹ người ta cũng ít đi", bác Hồng cho biết.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, PGĐ Bệnh viện Việt Đức cho biết, trước đây, khi xuất hiện ca F0, toàn bộ bệnh viện bị phong tỏa, gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh và bản thân người bệnh. Nhiều trường hợp đã tử vong vì không được cứu chữa kịp thời.

Tuy nhiên, kể từ khi có Nghị định 128 của Chính phủ và Thông tư 4800 của Bộ y tế đã giải quyết được tình trạng này. Khu nào, khoa nào có bệnh nhân Covid sẽ bị khoanh lại, còn các khoa khác vẫn làm việc bình thường.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, PGĐ Bệnh viện Việt Đức cho biết thêm: "Chúng tôi có một tòa nhà riêng để thu nhận những bệnh nhân bị mắc COVID riêng hoàn toàn, độc lập hoàn toàn so với các tòa nhà khác theo chủ trương của Bộ y tế. Tòa B5 dành riêng cho những bệnh nhân covid, bệnh nhân nhẹ và bệnh nhân nặng nếu có chúng tôi có 1 khu dành riêng cho bệnh nhân nặng".

Trung bình mỗi ngày, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương tiếp nhận khoảng 200-300 bệnh nhân đến khám, giảm so với trước, nhưng số bệnh nhân điều trị nội trú lại tăng, hiện ở mức 1.000 bệnh nhân.

Để đảm bảo an toàn cho người bệnh và các cán bộ y tế, Ban lãnh đạo bệnh viện đã lên phương án, kịch bản, sắp xếp, bố trí cán bộ y tế làm việc theo nhóm và hạn chế tiếp xúc, giao lưu, xét nghiệm sàng lọc đầu vào, xét nghiệp PCR định kỳ 1 tuần/ 1 lần với bệnh nhân và nhân viên y tế.

Thống kê của chương trình phòng chống lao quốc gia, số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế hiện đang giảm mạnh, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, có nơi giảm lên đến 50-70%. Việc này một mặt ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người có bệnh khi tự chữa bệnh tại nhà, mặt khác có thể tác động đến tất cả các đơn vị tự chủ trong hệ thống chương trình chống lao.

Trước băn khoăn, lo lắng của người bệnh e ngại đến các cơ sở y tế để khám và điều trị trong tình hình số lượng F0 tăng cao, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện huyết học - truyền máu Trung ương khuyến nghị: "Có biểu hiện của bệnh tật thì mình nên đi khám và có thể khám càng sớm càng tốt, chứ không nên để quá nặng mới đi điều trị sẽ vô cùng mệt mỏi. Đến bệnh viện cứ thực hiện tốt 5K sẽ không ngại gì cả vì trong môi trường của bệnh viện cũng thực hiện khá tốt 5K để đảm bảo không lây nhiễm đối với người đến khám".