Eo ôi, sợ thế!

Quan điểm sống chung với dịch đã được xác định cùng Nghị quyết 128 của Chính phủ từ cách đây 2 tháng. Song, mỗi khi khu dân cư có F0, cơ quan công sở có ca nghi nhiễm, là mọi người lại nhốn nháo hốt hoảng: “Eo ôi sợ thế”!

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Mỗi ngày đọc báo thấy Hà Nội mấy trăm ca, TP.HCM hơn nghìn ca, bạn vẫn lắc đầu và thở dài thườn thượt.

Nỗi sợ lan truyền từ người nọ sang người kia còn nhanh hơn cả virus, và lập tức làm bạn xuống sức bởi cảm giác bất an. Tiêm 2 mũi rồi lại sợ lây cho trẻ con. Trẻ lớn tiêm rồi lại lo trẻ bé. Tiêm rồi vẫn lo nhỡ không may trở nặng, hoặc lo phải cách ly tập trung, v.v.

Bạn có tự hỏi, căn cứ nào cho nỗi sợ này?

Chia sẻ với VOVGT, một chuyên gia y tế công cộng từng nói, phải xác định: ai rồi cũng nhiễm, ai cũng có thể thành F0. Quan trọng là nhiễm trong trạng thái như thế nào. Nếu bạn đang có một sức khỏe tốt, đã tiêm văc xin đủ liều, đang thực hành đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo, thì có gì e ngại?

Rất nhiều người nhiễm mà không hề biết mình nhiễm, cho đến khi xét nghiệm.

Với trẻ em, quá trình chủng ngừa đang được thực hiện theo độ tuổi, dựa trên đánh giá về mức độ nguy cơ tương tứng. Vì thế, đừng quá lo ngại nếu trẻ nhà mình chưa được tiêm.

Xác định sống chung với ai, với cái gì đó, là đương nhiên phải hiểu rõ về nhau, biết khả năng tác động của nhau để mà dung hòa, nhằm giữ lấy sự chủ động cần có cho mình, và tận dụng ưu thế.

Các ảnh hưởng tiêu cực đương nhiên là một phần không thể tránh khỏi trong mọi quan hệ sống chung, mà ta chỉ có thể năng cao kỹ năng quản trị rủi ro để phòng ngừa, giảm thiểu.

Nếu còn “eo ôi sợ thế” mỗi khi có F0,  thì làm sao sống chung với dịch?