Đường sắt trong quy hoạch đô thị: Nên giữ hay di dời?

Đường sắt Bắc – Nam đoạn qua địa bàn TP.HCM thường xuyên xảy ra tình trạng giao thông ùn ứ, hỗn loạn ở hàng chục điểm giao cắt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra, tình hình chưa được cải thiện đáng kể.

Trong các chương trình Thị thành ký trước, VOV Giao thông đã có bài phản ánh về tình trạng hỗn loạn và xung đột giao thông ở những đoạn đường bộ giao cắt với đường sắt.

Đường sắt Hà Nội – TP. HCM từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn (Hòa Hưng), đoạn tuyến địa bàn TP.HCM có chiều dài khoảng 14 km, đi qua thành phố Thủ Đức và các quận: 3, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận; có 24 vị trí đường bộ giao cắt đồng mức với đường sắt; không có đường ngang dân sinh giao cắt trực tiếp với đường sắt nên thường xuyên diễn ra ùn ứ.

Giải pháp cho vấn đề này như thế nào? 

Điểm giao cắt đường ray với đường Nguyễn Văn Trỗi là trục đường chính đi từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP nên lưu lượng phương tiện đông.

"Đường này nguy hiểm lắm. Mỗi ngày luôn, từ 6 giờ sáng cho đến 12 giờ khuya, khủng khiếp lắm, chạy với tốc độ nhanh lắm. Bạn đứng đây từ nãy giờ có thấy không? Đường thì hẹp mà tranh nhau đi. Đặc biệt trong hẻm nhỏ phóng ra thì dữ dằn lắm”.

“Thật sự nguy hiểm, ví dụ như đoạn ngã tư ngay chùa Quang Minh cách đây 100 mét, họ phóng nhanh rất dễ xảy ra tai nạn”.

“Trên địa bàn phường 11 có những tuyến đường hẹp nên cũng hay xảy ra những va chạm nhỏ. Chúng tôi cũng yêu cầu người dân tham gia giao thông hạn chế tốc độ và phải nhìn trước ngó sau khi tham gia giao thông”.

“Bất an” - là phản ánh chung của người dân sinh sống tại khu vực trục lộ giao cắt với đường sắt.

Theo ghi nhận của PV VOV Giao thông, đường sắt Bắc – Nam đoạn qua địa bàn TP.HCM thường xuyên xảy ra tình trạng giao thông ùn ứ, hỗn loạn ở hàng chục điểm giao cắt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra, tình hình chưa được cải thiện đáng kể.

Nút giao cắt với đường tàu ngay ngã tư chùa Quang Minh, đường Trần Hữu Trang

Ông Hoàng Phúc Dũng - Phó Trưởng Phòng Khai thác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT thông tin với phóng viên VOV Giao thông, TP.HCM có 21 đường ngang có nhân sự trực gác 24/24, nhân sự này do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bố trí; 3 đường ngang còn lại không có người gác tổ chức theo hình thức cần chắn tự động.

Do các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt là giao cắt đồng mức, vì vậy khi tàu lưu thông qua các vị trí giao cắt này (đơn cự như đường ngang Tô Ngọc Vân, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Văn Trỗi, Đỗ Thị Lời...), thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm, thời điểm Lễ Tết.

“Trong thời gian qua, đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Ví dụ như phối hợp với Đường sắt cung cấp lịch tàu chạy, trên cơ sở đó Sở phối hợp với Công an TP và địa phương tổ chức giao thông ở khu vực đường ngang cho đồng bộ nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông khi tàu chạy qua khu vực này. Bên cạnh đó, kiểm tra và rà soát thời gian đóng mở gác chắn cho phù hợp để tránh tình trạng đóng gác chắn quá sớm”, ông Dũng cho biết. 

Ông Hoàng Phúc Dũng - Phó Trưởng phòng Khai thác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT thông tin với PV VOV Giao thông. (Ảnh: Thế Anh)

Ông Hoàng Phúc Dũng cho hay, hiện đã thực hiện xong việc kết nối đèn tín hiệu giao thông đồng bộ giữa đường bộ với đường sắt tại các vị trí cần kết nối (đường ngang Tô Ngọc Vân - Km 1713+273, đường ngang Hiệp Bình - Km 1716+140, đường ngang Trại cá sấu Hoa Cà - Km 1716+936, đường ngang Chùa Ưu Đàm - Km 1717+600). Tuy nhiên, thách thức đặt ra không nhỏ.

“Hiện nay, với tốc độ phát triển phương tiện cá nhân trên địa bàn thành phố liên tục tăng, Thành phố đang quản lý hơn 9 triệu phương tiện (trong đó, cón trên 900.000 xe ô tô và hơn 8,5 triệu xe mô tô), so với cùng kỳ năm 2023 tăng 4,77 % trong khi hệ thống hạ tầng giao thông vận tải hành khách chưa đáp ứng kịp”, ông Dũng nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc di dời đường sắt ra khỏi nội đô là giải pháp tối ưu để giải quyết tình trạng giao thông. Tuy nhiên, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận:

“Những đô thị lớn như Paris, New York, Berlin, Los Angeles .... dù có phát triển đến mấy thì ga đường sắt trung tâm thành phố vẫn nằm trong nội thành. Không nên đặt vấn đề đô thị hoá đến đâu thì dời đường sắt đến đó. Thay vào đó, quy hoạch đô thị cần linh hoạt để đường sắt tồn tại hài hòa, không gây ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Các giải pháp như tổ chức giao thông khác cốt (xây dựng đường hầm, cầu vượt) có thể được xem xét để giảm thiểu ách tắc giao thông”.

Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng khổ đường sắt 1.000mm

Ông Sơn cũng khẳng định, trong tương lai, đường sắt sẽ là xương sống của các đô thị lớn, kết nối các khu vực và tạo ra các trung tâm đô thị mới, phù hợp với mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD) và ga đường sắt sẽ trở thành những nút giao thông quan trọng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia đánh giá, việc Việt Nam vẫn sử dụng khổ đường sắt 1.000mm, khác biệt so với tiêu chuẩn quốc tế 1.435mm, đang hạn chế khả năng kết nối và phát triển của hệ thống đường sắt. Nâng cấp khổ đường sắt sẽ giúp tăng cường năng lực vận chuyển, giảm chi phí và thu hút đầu tư.

Một số giải pháp Sở Giao thông Vận tải TP.HCM triển khai trong thời gian tới:

- Người tham gia giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đặc biệt là không lấn trái đường khi dừng chờ đoàn tàu.

- Tiếp tục phối hợp ngành đường sắt để kiểm tra, rà soát thời gian đóng tàu cho phù hợp với quy định, đồng thời tiếp tục bố trí lực lượng điều tiết giao thông trong giờ cao điểm và các dịp Lễ, Tết.

- Trước khi triển khai thi công sửa chữa, duy tu đường sắt tại các vị trí giao nhau với đường bộ trên địa bàn Thành phố, ngành đường sắt phải gửi Thông báo cho Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận/huyện có liên quan về kế hoạch tổ chức thi công, để các đơn vị chức năng của Thành phố tổ chức lực lượng phối hợp, điều tiết giao thông nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trong suốt quá trình thi công đường sắt.

Thời gian thông báo cần trước thời điểm thi công ít nhất 10 ngày để các đơn vị có kế hoạch chuẩn bị lực lượng; đồng thời nếu có làm thay đổi cao độ so với cao độ đường bộ hiện hữu, ngành đường sắt cần phối hợp với Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh để thỏa thuận trước nhằm đảm bảo an toàn giao thông khi triển khai thực hiện.