Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ: Dân khổ đủ bề vì rào chắn thi công

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội vừa đề xuất Thành phố tăng vốn, lùi thời gian hoàn thành dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sang năm 2029.

Chưa kể đến những thiệt hại lớn về kinh tế và giao thông - đô thị, việc thi công kéo dài chưa rõ ngày về đích như một câu trả lời đầy thất vọng trước sự chờ đợi mòn mỏi của những hộ dân sống dọc dự án, nơi cuộc sống đảo lộn vì rào chắn thi công.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Dãy cửa hàng mặt phố Trần Hưng Đạo sầm uất trước đây, nay hầu hết đã đóng cửa đìu hiu

Có mặt tại đường Trần Hưng Đạo, đoạn từ số nhà 94 đến số nhà 100 - nơi rào chắn thi công dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, Kênh VOV Giao thông ghi nhận quang cảnh đìu hiu khi cả chục cửa hàng mặt phố sầm uất trước đây, nay hầu như đều đóng cửa, hoặc hoang phế, ngổn ngang đồ đạc.

Phía bên trong rào chắn, sắt thép cong vênh, hoen gỉ, công trình ngập nước phủ rêu xanh, không một bóng người.

Ông Vũ Xuân Đá, ở phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm khá thất vọng khi biết thông tin thời gian thực hiện dự án đường sắt được kiến nghị lùi đến năm 2029: “Chúng tôi nhận được thông tin đấy thì rất buồn, vì càng kéo dài bao nhiêu thì dân càng khổ bấy nhiêu. Vất vả về chuyện đi lại, vất vả về chuyện sinh hoạt của nhân dân. Gần như cửa hàng bên số chẵn là phải đóng cửa hết, không bán được hàng.

Người dân rất khổ vì COVID-19 rồi, bây giờ lại khổ về dự án, thì chúng tôi nghĩ rằng công trình phải khẩn trương thi công, giải phóng mặt bằng trả bà con dọc phố. Rất nhiều lần phản ánh nhưng không biết làm thế nào cả”.

Sắt thép hoen gỉ, công trình không một bóng người

Rào chắn trên đường Trần Hưng Đạo từ ngã ba Yết Kiêu đến ngã ba Lê Duẩn để phục vụ thi công dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được dựng lên từ tháng 6/2019, dự kiến hoàn thành trong 15 tháng. Nhưng đến nay, đã gần 3 năm, mọi thứ vẫn ngổn ngang và chưa biết đến bao giờ rào chắn mới được tháo dỡ.

Nếu như bên phía dãy nhà lẻ của đường Trần Hưng Đạo vẫn còn một làn đường cho ô tô và xe máy di chuyển, thì bên phía dãy nhà chẵn chỉ còn một đoạn vỉa hè nhỏ, dài khoảng 100m cho xe máy lưu thông. Nhỏ đến mức hai xe máy đi ngược chiều tránh nhau còn khó.

Nước ngập phủ kín rêu xanh

Trước dòng xe máy đi lại nườm nượp, người đi bộ chỉ còn cách nép sát vào hàng rào tôn, vừa đi vừa phấp phỏng. Với người đi bộ là nguy hiểm rình rập, với người điều khiển phương tiện cơ giới là sự bất tiện và ùn tắc. Anh Nguyễn Văn Hoan, một tài xế lái xe taxi ở cộng Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ:

“Nó bất tiện nhiều cái. Đi thẳng lên đây ra ga Hà Nội rồi, bây giờ lại phải vòng ra Quán Sứ, mà Quán Sứ thì hay ùn tắc, đi lại vất vả lắm”.

Không chỉ tại đường Trần Hưng Đạo, mà tại khu vực Kim Mã - Núi Trúc - Vạn Bảo cũng bị rào chắn với thời gian dự kiến 22 tháng, kể từ tháng 10/2019, song đến nay cũng chưa hoàn thành, chưa tháo dỡ rào chắn.

Tương tự, tại phố Quốc Tử Giám cũng dự kiến quây rào để phục vụ thi công trong 12 tháng, song đến nay cũng chưa tháo dỡ rào chắn, khiến cuộc sống người dân xung quanh bị đảo lộn.

Người đi bộ nép sát vào hàng rào tôn trên đoạn đường nhỏ hẹp, khi dòng xe máy đi lại nườm nượp

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc rào chắn đường quá lâu, các cơ quan chức năng từ Bộ GTVT, Sở GTVT, Ban Quản lý dự án, khi đã kéo dài như vậy thì không chỉ người dân sinh sống tại những nơi bị rào chắn, mà toàn xã hội phải chịu ảnh hưởng.

TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, để xảy ra điều này, các cơ quan chức năng phải có ý kiến, không thể có chuyện không ai chịu trách nhiệm:

"Cách duy nhất là phải họp nhau lại, giao ban lại xem tại sao chậm tiến độ, tìm mọi cách khắc phục cái đó và thông báo cho người dân biết, phải xin lỗi người dân. Sau khi xin lỗi rồi phải đẩy nhanh tiến độ lên, tăng tốc lên, phải làm với tinh thần có trách nhiệm hơn, chứ không thể để kéo dài như thế được".

Nhiều ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận, đánh giá lại trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội trong việc chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.