Đường Lê Văn Lương ngày càng ùn tắc, cấm taxi và duy trì làn BRT có hợp lý hay không?

Trước tình trạng ùn tắc ngày càng gia tăng, việc duy trì làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT và cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) trong giờ cao điểm là những điều khiến nhiều người dân thực sự băn khoăn.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Hàng nghìn người chen lấn trên tuyến đường Lê Văn Lương giờ tan tầm (Ảnh tư liệu Báo Tin Tức).

Di chuyển hằng ngày qua đường Lê Văn Lương, anh Trần Văn Tiến (ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cảm nhận rõ áp lực giao thông ngày một tăng trên cung đường này. Dành sự ưu tiên cho phương tiện công cộng là chủ trương đúng đắn.

Nhưng anh Tiến cho rằng, cần sớm đánh giá lại hiệu quả của xe buýt nhanh BRT để có phương án tổ chức giao thông phù hợp: "Cung đường này gọi là “siêu tắc”. Đường đã hẹp lại còn có thêm làn BRT, nhưng mà nhiều lúc giờ tầm cũng không hiệu quả lắm, lượng người tham gia giao thông rất đông. Ví dụ như buổi chiều hôm nay tắc gần 2 tiếng đồng hồ rồi!"

Từ ngày 15/9 vừa qua, Sở GT-VT Hà Nội đã khôi phục biển cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi trên 10 tuyến đường, trong đó có đường Lê Văn Lương vào giờ cao điểm. Việc cấm này có thể đẩy áp lực giao thông và sự ùn tắc sang những cung đường khác.

Theo chia sẻ của một số tài xế:

"Cấm xe tư thì được chứ mình xe công cộng mà cấm thì không hợp lý. Cấm thì mình đi Khuất Duy Tiến, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, đường Láng và Nguyễn Ngọc Vũ cũng bị tắc".

"Cấm taxi thì phải tính toán làm sao phân luồng trên đường Nguyễn Chí Thanh hoặc đường nào để anh em người ta đi. Nhưng mà đường Nguyễn Chí Thanh cũng tắc. Gần như là biện pháp này không ăn thua gì cả!"

Đường Lê Văn Lương từ lâu đã là hành trình “ngộp thở” với người tham gia giao thông trong giờ cao điểm. Ảnh: Bá Đô

Ghi nhận của PV Kênh VOV Giao thông tại đường Lê Văn Lương cũng cho thấy, tình trạng ùn tắc luôn thường trực, các phương tiện lưu thông rất lộn xộn không theo trật tự nào. Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội CSGT số 7 cho biết, công tác phân luồng, điều tiết giao thông tại tuyến Tố Hữu - Lê Văn Lương vô cùng khó khăn, vất vả.

Mặc dù khi triển khai cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi thì áp lực ở tuyến đường này đã giảm bớt, tuy nhiên, áp lực giao thông sẽ tăng cao khi sắp tới tại đây triển khai xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3.

“Hiện nay ở các ngã tư đã có lực lượng CSGT tăng cường lực lượng. Sắp tới khi triển khai xây dựng hầm chui ở Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến thì lực lượng chức năng sẽ tăng cường để phân luồng từ xa. Bây giờ các giải pháp tổ chức giao thông chưa thể làm gì hơn được mà trông chờ vào hầm chui Lê Văn Lương sẽ cải thiện và giải quyết được nhiều vấn đề về giao thông hơn”, Trung tá Nguyễn Đức Thắng cho biết.

Trước những khó khăn về giao thông như vậy, nhưng hiện đường Lê Văn Lương vẫn đang duy trì một làn đường dành riêng cho xe buýt BRT. Khi áp lực giao thông quá lớn thì các phương tiện lại di chuyển tràn vào làn BRT. Vấn đề vận hành làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh trong bối cảnh ùn tắc gia tăng được Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn – Giảng viên trường ĐH GTVT Hà Nội phân tích là chúng ta cần xem xét lại tổ chức giao thông toàn bộ tuyến đường này, trong đó, phải xem xét vai trò, hoạt động của tuyến buýt nhanh BRT để đưa ra những giải pháp nhằm đem lại hiệu quả thực sự

“Chúng ta dành riêng 1 làn cho BRT nên những xe cá nhân sẽ bị ảnh hưởng và khả năng thông hành của tuyến đường bị giảm đi nên mức độ ùn tắc đương nhiên tăng lên. Chúng ta phải xem xét vai trò của làn đường BRT là gì và nên cân nhắc khi làm đường dành riêng như vậy mà chỉ có 1 tuyến xe buýt thì có khai thác hết được năng lực tuyến đường không”, Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn phân tích

Thời gian tới, việc xây dựng hầm chui tại đường Lê Văn Lương với thời gian xây dựng sẽ kéo dài hàng năm chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng lưu thông, nên người tham gia giao thông rất mong mỏi những biện pháp nhằm tháo gỡ và giảm thiểu ùn tắc tại đây.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 23/10 tại đây: