Đuối nước ở trẻ em, lại "nóng" lên theo mùa hè

Trong 2 ngày, 03 địa phương ở ĐBSCL có 7 trẻ em bị đuối nước tử vong. Điểm chung của những sự cố này là các em xin gia đình đi tắm sông rồi gặp nạn. Bước vào kỳ nghỉ hè, nỗi lo tai nạn đuối nước lại dấy lên khi khu vực này vẫn còn đang thiếu không gian vui chơi dành cho trẻ.

Chị Huệ đau lòng bên di ảnh các con

Đến xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, nơi có 03 chị em trong một gia đình đuối nước tử vong, không khí tang thương bao trùm nơi xóm nhỏ. Chị Nguyễn Thị Hồng Huệ - người mẹ đau khổ ngồi thẫn thờ vì chính tay Chị đã vớt thi thể những đứa con gặp nạn của mình trong tuyệt vọng.

Vào lúc 16h30 ngày 28/5, 04 chị em ruột xin phép mẹ Huệ xuống sông tắm. Một lúc sau, cậu em út chạy về nhà ra hiệu rằng các chị đang gặp nạn, gia đình tức tốc đến bến sông thì đã quá muộn màng.

Ông Huỳnh Văn Tâm – ngụ tại xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh đau lòng kể lại: "Thằng bé út vừa chạy vừa khóc, mẹ nó hỏi mấy chị con đâu? Thằng bé nó chưa biết nói, chỉ tay xuống bến sông. Mẹ của mấy bé chạy ra bến sông thì thấy xác đứa lớn nhất nổi lờ đờ, rồi tới đứa kế nằm cách đó không xa. Còn một đứa nữa mà tìm không thấy, cuối cùng là bé nó nằm dưới đáy sông. Tôi nhảy xuống ôm lên, đưa cháu nó về với gia đình".

Thống kê của Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã xảy 11 vụ đuối nước ở trẻ em. Chỉ riêng huyện Cao Lãnh có đến 6 trường hợp, buộc UBND tỉnh phải chỉ đạo khẩn cấp công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn.

Ông Đoàn Tấn Bửu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Trước mắt là động viên gia đình lo tang sự cho cháu. Song song đó chỉ đạo khẩn cấp Ngành LĐTB&XH phối hợp với Sở GD&ĐT và địa phương tăng cường tuyên truyền nhắc nhở phụ huynh phải giám sát, quản lý chặt chẽ và chăm sóc trẻ. Tỉnh rất quan tâm đến công tác này bằng cách gọi điện nhắc nhở từng địa phương phải bảo vệ an lành cho các trẻ trong mùa hè này". 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu đến chia buồn và động viên gia đình có 3 trẻ tử vong tại huyện Cao Lãnh sớm vượt qua nỗi đau.

Đứng sau Đồng Tháp là Vĩnh Long. Ngày 27/5, hai anh em song sinh 14 tuổi đi bắt cá và tắm sông Cổ Chiên (đoạn qua địa bàn huyện Mang Thít) đã ra đi vĩnh viễn vì đuối nước. Năm 2022, Vĩnh Long cũng đã ghi nhận 14 trường hợp chết đuối, chỉ riêng tháng 8, địa phương phải chịu đau thương khi có tới 5 trẻ không qua khỏi.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân – Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội trẻ em bình đẳng giới, Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Long thông tin về trường hợp đuối nước xảy ra ngày 27/5: "Đây là người ở Hậu Giang đến Vĩnh Long làm thuê và mang con theo. Nhưng đáng tiếc các bé gặp nạn khi đã học lớp 7 rồi. Huyện Mang Thít đã tổ chức đến thăm và hỗ trợ, đưa các bé về địa phương để an táng rồi".

Cũng cùng thời điểm này, tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, 2 bé trai 10 tuổi rủ nhau ra tắm ao. Một lúc sau, người nhà không thấy 2 cháu nên đi tìm xung quanh thì đau đớn phát hiện thi thể của 2 cháu dưới ao.

Cứ mỗi khi hè đến, trẻ em rời trường học về gia đình và cộng đồng thì những vụ đuối nước có nguy cơ gia tăng. Kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam) cho thấy, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 7.000 trẻ em chết đuối. Khu vực ĐBSCL chiếm mức cao so với các vùng khác và tỷ lệ biết bơi của trẻ em ĐBSCL chỉ mới đạt 35%.

Ngoài việc không biết bơi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chết đuối ở ĐBSCL là vì Vùng còn thiếu không gian vui chơi nên trẻ thường rủ nhau ra sông tắm. Bên cạnh đó, ĐBSCL có diện tích mặt nước lớn nhưng lại không có rào chắn, biển cảnh báo. Trong khi một bộ phận phụ huynh còn chủ quan trong quản lý và chăm sóc trẻ.

Theo Cục Trẻ em - Bộ LĐTB&XH, có 3 giải pháp can thiệp hiệu quả để phòng, chống đuối nước, đó là: Dạy bơi, tạo lập môi trường sống an toàn (có rào chắn, biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước) và công tác truyền thông; giáo dục cho gia đình chăm sóc trẻ. Đặc biệt, chú trọng công tác đầu tư phân bổ ngân sách và nhân lực cho công tác phòng, chống đuối nước.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐTB&XH khẳng định: "Chúng tôi thấy rằng là, địa bàn nào mà quan tâm đầu tư, ví dụ như: Lắp đặt các bể bơi thông nh, tổ chức các lớp học bơi an toàn trong môi trường nước, tổ chức dạy bơi an toàn cho trẻ em …thì ở đó tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước được kéo giảm rất tốt. Ở đâu mà chính quyền địa phương cùng cộng đồng tham gia vào kiểm soát môi trường nước an toàn, cảnh báo những nguy cơ an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ: Giếng, bể nước, ao chuôm, rồi các công trình xây dựng mà có tác động đến môi trường nước thì chúng tôi thấy rằng tình trạng kéo giảm rất mạnh".

Tăng cường quản lý trẻ không phải là những khuyến cáo mới, nhưng trước mối đe dọa tai nạn liên quan đến đuối nước thì một lần nữa bắt buộc các bậc phụ huynh phải thật sự tập trung trông giữ trẻ cẩn thận.

Hằng năm, các địa phương vùng ĐBSCL đều đồng loạt triển khai các chương trình phòng chống đuối nước, có kế hoạch tạo sân chơi lành mạnh và tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em. Tuy nhiên, công tác này cần phải triển khai thường xuyên, sâu rộng hơn, ưu tiên nguồn ngân sách và nhân lực để đầu tư cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em suốt hành trình tuổi thơ!