Đừng hứa thật nhiều rồi thất hứa cũng thật nhiều

Có thể nói chưa khi nào câu chuyện về nhà ở xã hội được nhắc nhiều đến vậy trong những năm gần đây. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cùng với gói tín dụng 120.000 tỷ ra đời không khác gì cơn mưa rào giữa sa mạc cạn khô.

Thế nhưng, đằng sau những chiến dịch truyền thông chính sách hay những buổi lễ khởi công linh đình lại là vô số cái lắc đầu ngao ngán của không ít người thu nhập thấp đô thị.

Phải đến tháng 5 năm nay thì Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi mới được Quốc hội xem xét thông qua, việc tưởng chừng không có gì đáng nói nhưng lại trầy trật suốt 10 năm trời mới được đưa lên bàn nghị sự để cất nhắc. Hàng tá bất cập, hàng trăm vướng mắc, hàng ngàn khó khăn tồn tại suốt một thập kỷ không được tháo gỡ kịp thời đã khiến “giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ”.

Dù đã có một số điểm sáng nhất định trong phát triển nhà ở xã hội những năm gần đây, song như khẳng định của người đứng đầu Chính phủ là không thực sự đáng kể, nếu không muốn nói là chưa đạt yêu cầu.

Dù việc đảm bảo nhu cầu nhà ở cho người dân được xem là chủ trương, là trách nhiệm của Nhà nước song trên thực tế không ít cá nhân, tập thể thực thi công vụ không quá “nhiệt tình” để gỡ khó mà vẫn cứ “bình chân như vại”.

Một trong những vướng mắc đó chính là làm thế nào để có quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội

Nhà ở vốn đã bức thiết, nhà ở có mức giá phù hợp với người thu nhập thấp lại càng bức thiết hơn, đặc biệt là tại các đô thị đông dân hay các đầu mối quan trọng như Hà Nội, TP.HCM. Do vậy, việc đáp ứng nhu cầu an cư cần phải được quan tâm thực chất hơn chứ không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi, vận động. Hơn hết, cần phải gắn nhiệm vụ đảm bảo nhà ở với trách nhiệm chính trị cho từng vị trí lãnh đạo cụ thể mới mong tạo ra được sự chuyển biến.

Dù muộn nhưng việc Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi sắp được thông qua cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ là đòn bẩy hết sức quan trọng để nhà ở xã hội không còn quá xa vời.

Tuy nhiên, cần có cách làm mới, tư duy mới để nhà ở xã hội không còn nằm trên giấy, và người mua nhà không còn phải tìm trên báo, trên tivi.