Dự luật phòng chống rửa tiền: Tiền ảo không hợp pháp ở Việt Nam

Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã thay mặt Chính phủ có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của dư luận là quản lý như thế nào đối với các loại tiền ảo, bitcoin?

Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) có những quy định mới nào về quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng số và cung ứng dịch vụ tài sản ảo, tiền ảo trong phòng, chống rửa tiền? 

Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi)  được bố cục gồm 4 chương, 54 điều (trong đó, bổ sung mới 9 điều, sửa đổi 43 điều và hủy bỏ 7 điều, giữ nguyên quy định của Luật Phòng chống rửa tiền 2012 (2 điều). 

Tờ trình nêu rõ, dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) lần này xây dựng dựa trên 40 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) - tổ chức liên chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận là tổ chức ban hành ra các chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền; kiến nghị của nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền (APG) tại Báo cáo đánh giá đa phương và từ tình hình thực tiễn nhu cầu quản lý phòng chống rửa tiền của Việt Nam.

Việc sửa đổi, bổ sung thêm một số quy định của Luật phòng chống rửa tiền nhằm phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ và sự phát triển của thị trường hiện nay.

Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền tập trung vào một số nội dung như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng báo cáo về Phòng chống rửa tiền, hợp tác quốc tế về Phòng chống rửa tiền, quy định về đánh giá mức độ rủi ro quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo về rửa tiền, quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác nh thông tin nhận biết khách hàng.

Điểm đáng chú ý, Dự thảo Luật phòng chống rửa tiền sửa đổi bổ sung quy định về trách nhiệm của bộ, ngành, trong việc thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia, rủi ro ngành về phòng chống rửa tiền thuộc lĩnh vực quản lý.

Đồng thời,  bổ sung trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý về phòng, chống rửa tiền với các tổ chức, cá nhân kinh doanh kim loại quý, đá quý, những lĩnh vực mới phát sinh đối tượng báo cáo, bảo đảm phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành và tính thống nhất với quy định pháp luật liên quan. 

Bên cạnh đó, đối tượng báo cáo phải xây dựng quy trình quản lý rủi ro nhằm giảm thiểu các rủi ro về rửa tiền đã được nhận diện, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết quả đánh giá rủi ro hoặc cập nhật kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền và các chính sách, quy trình quản lý rủi ro.

Vừa qua, Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước  tổ chức hội thảo “Tham vấn ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)”. Trên cơ sở các ý kiến tại hội thảo cũng như hồ sơ của Chính phủ về dự án Luật, Ủy ban Kinh tế sẽ tiến hành thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 14, dự kiến vào ngày 18/8/2022 sắp tới và sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Ảnh nh họa (internet)

Trên cơ sở khuyến nghị của các tổ chức phòng chống rửa tiền thế giới về những tài sản, sản phẩm gọi là công nghệ trong lĩnh vực tài chính, trả lời báo chí, Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, đơn vị đã nghiên cứu, dự thảo quy định điều khoản mang tính chất khung sửa đổi Luật phòng, chống rửa tiền.

Trên cơ sở quy định khung này sẽ quy định cụ thể những sản phẩm tài chính hiện nay cũng như sử dụng công nghệ, bitcoin, tiền ảo. Ngay cả khi có những sản phẩm công nghệ khác xuất hiện cũng sẽ được xử lý linh hoạt sau khi luật ban hành. 

Ngân hàng Nhà nước khẳng định bitcoin, các loại giống như tiền ảo không phải tiền pháp quy, không phải tiền điện tử và càng không phải tiền thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo “Tham vấn ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh ghi nhận ý kiến góp ý của các  đại biểu Quốc hội, của các chuyên gia, đại diện các tổ chức báo cáo, và sẽ tiếp tục rà soát, giải trình, bổ sung vào các điều khoản những góp ý xác đáng và phù hợp.

Tuy nhiên, vị đại diện này cho rằng, ngoài việc sửa đổi Luật phòng chống rửa tiền năm 2012, Việt Nam cũng cần sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật có liên quan cũng như triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy cơ chế thực thi có hiệu quả tại các ngành, các lĩnh vực khác nhau.

Ban soạn thảo Dự án Luật phòng chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ cố gắng chắt lọc, đáp ứng nhiều nhất có thể các khuyến nghị quốc tế, song song đó cũng sẽ cân nhắc lộ trình, áp dụng những điều khoản pháp lý phù hợp với thực tiễn, đặc thù của Việt Nam.


RỬA TIỀN NGÀY CÀNG TINH VI, QUY MÔ NGÀY CÀNG LỚN

Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền sửa đổi bổ sung  trách nhiệm trong việc thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia, rủi ro ngành về phòng chống rửa tiền thuộc lĩnh vực quản lý. Quy định này có đảm bảo tính khả thi

PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp khoa Luật, Đại học quốc gia về nội dung này: 

PV: Dự thảo Luật phòng chống rửa tiền bổ sung quy định các Bộ, ngành thực hiện quy trình đánh giá rủi ro về rửa tiền. Theo bà, quy định này có vượt quá khả năng của các cơ quan này và phải điều chỉnh như thế nào để đảm bảo chặt chẽ?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung: Theo tôi quy định này vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các cơ quan ban ngành về phòng chống rửa tiền. Bởi vì vấn nạn về tham nhũng, rửa tiền đang là vấn đề khá nhức nhối trong thời gian vừa qua. Vì tội phạm về rửa tiền ngày càng tinh vi hơn, số lượng tiền ngày càng lớn hơn, quy mô ngày càng lan rộng. 

Những thách thức đối với bộ, ngành để phòng chống rửa tiền là thứ nhất phải nhận diện được các hành vi và các tiêu chí để xác nhận số tiền được giao dịch là bao nhiêu tiền. Bởi vì theo quy định trước đây, tất cả các giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên, giao dịch tại ngân hàng thì phải làm báo cáo gửi đến Cục phòng chống tham nhũng.

Thế nên các cơ quan phải có các biện pháp để phòng chống rửa tiền trong hoạt động của mình. 

Theo tôi cũng là các biện pháp cần thiết, tuy nhiên mỗi một lĩnh vực có những yêu cầu, những đặc thù riêng của ngành nghề mình.

Chúng ta sẽ thấy việc rửa tiền, nâng giá lên cao, hoặc chuyển giá, hoặc là những vấn đề phức tạp đòi hỏi cần phải có sự nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và phải có những chuyên gia hiểu biết trong lĩnh vực đó thì họ mới có thể xây dựng được những quy phạm pháp luật phù hợp để điều chỉnh.

PV: Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn nhưng hiện luật pháp chưa công nhận các loại tiền ảo, bitcon là tiền hợp pháp. Vậy theo bà nên quy định như thế nào để phòng, chống rửa tiền qua các loại tiền ảo ? 

PGS.TS Doãn Hồng Nhung: Thực ra đấy là cuộc cách mạng không gian mạng rất lớn, đòi hỏi cần phải có những quy phạm pháp luật, bổ sung thêm về các tội phạm công nghệ cao, liên quan đến các hoạt động thương mại và đối với những đồng tiền này.

Vừa qua, Thống đốc ngân hàng Nhà nước cũng đã tuyên bố là những tiền đó không được đưa vào thanh toán, nhưng như vậy nó có thể là những giao dịch ngầm, chúng ta không kiểm soát được và khó có thể quản lý được vấn đề này.

Nên chăng, thứ nhất là tuyên truyền. Thứ hai, tăng thêm quy phạm pháp luật đối với tội trốn thuế. Và cái khung hình phạt phải tăng lên để có tính răn đe, phòng ngừa hơn nữa đối với hoạt động liên quan đến kinh doanh tiền ảo và các hoạt động rửa tiền  trong hoạt động kinh doanh thương mại của đất nước trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn bà!

ảnh nh họa (internet)

BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG PHẢI BÁO CÁO

Dự thảo Luật phòng chống rửa tiền sửa đổi bổ sung thêm đối tượng phải báo cáo phòng chống rửa tiền là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Vì sao phải bổ sung quy định này?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện tài chính về nội dung này: 

PV: Ông nghĩ như thế nào về sự cần thiết phải sửa đổi Luật phòng chống rửa tiền năm 2012? 

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Việc chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là vấn đề lớn và nóng trong thời gian gần đây. Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới rất quan tâm đến phòng, chống rửa tiền trên lãnh thổ Việt Nam.

Đây là 1 trong những quy định, các doanh nghiệp, các ngân hàng trong nền kinh tế thực hiện một cách đầy đủ.

Trước đây chúng ta đã có quy định ngành nghề về tài trợ rủi ro cao trong phòng chống rửa tiền nhưng thực tế với sự phát sinh và đổi mới trong hoạt động của nền kinh tế quốc dân, có thêm nhiều ngành nghề mới phát sinh, nên hoạt động phòng, chống rửa tiền cũng cần đổi mới theo.

PV: Việc bổ sung đối tượng báo cáo phòng chống rửa tiền là các tổ chức tài chính được phép cung cấp dịch vụ tài chính tài sản ảo có ý nghĩa như thế nào ? 

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Hoạt động kinh tế số và quản lý tiền ảo nói riêng đang ngay càng phổ biến và có ý nghĩa quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Vì vậy việc quản lý các tài sản ảo, tiền ảo, việc quản lý và quy định hoạt động đối với tài sản ảo trở thành cơ sở cho các doanh nghiệp, các ngân hàng  quản lý tốt hơn, đầy đủ hơn, trong trường hợp thực thi các hoạt động kinh tế thị trường .

Tài sản ảo rất đa dạng và phong phú, đó là các tài sản trên thị trường chứng khoán và tài sản của các tổ chức, doanh nghiệp đang có hoạt động theo lĩnh vực, đều có thể thực hiện các tài sản này.

Đồng thời việc phát triển kinh tế số ngày càng phong phú hơn cho nên việc chúng ta quy định hoạt động quản lý đối với tài sản ảo cũng là điều cần thiết. Khi mà kinh tế số phát triển, nếu chúng ta không có đầy đủ phương tiện quản lý phát triển thì việc quản lý lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo một khảo sát mới đây, Việt Nam xếp thứ hai trong danh sách các quốc gia có tỉ lệ người nắm giữ tiền điện tử, tiền ảo nhiều nhất thế giới. Hiện nay đã xuất hiện thủ đoạn rửa tiền, tài trợ khủng bố thông qua giao dịch tiền ảo, nổi bật là bitcoin. Ngoài ra, vấn đề tham nhũng và rửa tiền đang là thực trạng nhức nhối tại nhiều bộ, ngành nhưng chưa được quản lý chặt chẽ.

Với những quy định mới tại Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền sửa đổi, những bất cập hiện hành có thể được khắc phục trong thời gian tới?

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo Luật  này? Nếu được ban hành, các quy định mới sẽ tác động như thế nào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền trong hoạt động của các bộ, ngành? 

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 15h30 đến 15h50, thứ Hai hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng Podcast dành cho di động: Spotify, Aple Podcast và Google Podcast.