Đồng bằng sông Cửu Long, thi công cao tốc xuyên Tết

Sau khi đưa vào khai thác đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông từ TP.HCM đi Cần Thơ, đến nay mạng lưới hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đã chuyển biến rõ rét. Đặc biệt, khi cao tốc thông tuyến đã chia lửa cho tuyến Quốc lộ 1 độc đạo, giúp giao thông đi về các tỉnh miền Tây “dễ thở hơn”.

Để xóa “vùng trũng” về cao tốc, Chính phủ tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều đoạn tuyến cao tốc, những ngày này không khí lao động tại các dự án diễn ra rất sôi nổi để hoàn thành mục tiêu 3000km đường bộ cao tốc trong năm 2025 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

PV  VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với ông Lê Đức Tuân- Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT). 

Thảm nhựa nâng cấp tuyến cao tốc Cao Lãnh – Lộ Tẻ
Thảm nhựa nâng cấp tuyến cao tốc Cao Lãnh – Lộ Tẻ

PV: Tại ĐBSCL, Ban Quản lý Mỹ Thuận đang triển khai xây dựng những dự án giao thông trọng điểm nào. Đến nay, tiến độ của các dự án được triển khai đến đâu, thưa Ông?

Ông Lê Đức Tuân: Hiện nay Ban Quản lý Mỹ Thuận đang được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư một số dự án ở ĐBSCL, trong đó có dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải đó là dự thành phần đoạn Cần Thơ- Hậu Giang và Hậu Giang- Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025. Đối với 2 dự án này, hiện nay tiến độ đã đạt khoảng 58% giá trị hợp đồng. Trong đó, đoạn Cần Thơ- Hậu Giang đạt 64%. Đoạn Hậu Giang- Cà Mau đạt 56%.

Ở khu vực ĐBSCL, chúng tôi cũng được giao 2 dự án nằm trong mục tiêu hoàn thành 3000km đường bộ cao tốc năm 2025 đó là nâng cấp tuyến Cao Lãnh- Lộ Tẻ và Lộ Tẻ- Rạch Sỏi. Như vậy, trong năm 2025, Ban Quản lý Mỹ Thuận sẽ hoàn thành 4 dự án thành phần nằm trong mục tiêu hoàn thành 3000km đường bộ cao tốc đến năm 2025.

Ngoài ra, Dự án cầu Rạch Miễu đến nay tiến độ đạt 80%, giá trị hợp đồng, vượt tiến độ so với kế hoạch. Dự kiến cầu Rạch Miễu sẽ hoàn thành vào tháng 9/2025.

Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau thi công sáng ngày 1/1/2025
Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau thi công sáng ngày 1/1/2025

PV: Những vứng mắc ở các dự án đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025 đó là gì. Sau khi Chính phủ có chỉ đạo thì các khó khăn này đã được tháo gỡ ra sao, thưa ông?

Ông Lê Đức Tuân: Cũng như các dự án khác, vướng mắc chung đó là công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng của thời tiết. Thứ 3 là nguồn vật liệu, đặc biệt là vật liệu cát đắp nền đường. Đối với vướng mắc như giải phóng mặt bằng đến nay đã được khắc phục xong, cơ bản các dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, không ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Tuy nhiên, về nguồn vật liệu, đặc biệt đoạn cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ đi Cà Mau do khối lượng lớn. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo rất quyết liệt. Và các địa phương cũng đã vào cuộc hỗ trợ, nhưng đến nay nguồn vật liệu mang về công trường mới được khoảng 2/3 khối lượng. Nhu cầu công suất hàng ngày chưa đáp ứng được yêu cầu thi công.

Hiện nay chúng tôi cũng đang làm việc với các địa phương An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre để tăng công suất, trữ lượng các mỏ các được cấp phép cho dự án. Thứ hai, tìm thêm các nguồn mới tập kết đưa về dự án để đảm bảo hoàn thành dự án trong năm 2025.

Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu tại hạng mục xây cầu Rạch Đào

PV: Với tinh thần thi đua “3 ca 4 kíp”, làm xuyên Lễ, Tết để đảm bảo hoàn thành mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các dự án Ban đang triển khai, tinh thần này được thực hiện ra sao, thưa Ông? 

Ông Lê Đức Tuân: Hiện nay, chúng tôi chỉ đạo các nhà thầu tập trung các nguồn lực, cũng như động viên anh em công nhân, kỹ sư làm xuyên Lễ, Tết, đặc biệt Tết Nguyên đán Ất tỵ. Các nhà thầu cũng có kế hoạch làm xuyên Tết để đảm bảo tiến độ của dự án.

Đối với đoạn Cần Thơ- Cà Mau, nhà thầu dự kiến thi công 33 mũi thi công. Huy động 800 kỹ sư, công nhân và 250 đầu máy thiết bị các loại để thi công trong dịp Tết này, để đảm bảo hoàn thành dự án trong năm 2025.

Xin cảm ơn Ông.