Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Cần nghiên cứu kỹ vấn đề kết nối với mạng lưới giao thông

Hoàng Hà: Thứ bảy 15/02/2025, 06:11 (GMT+7)

Chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đang được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9. Theo tờ trình của Chính phủ, dự án có chiều dài tuyến chính khoảng gần 391km và 3 tuyến nhánh khoảng gần 28km.

Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận TP Lào Cai; điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận TP Hải Phòng. Dự án đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố, với tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (khoảng 8,369 tỷ USD); quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt điện khí hóa khổ 1.435mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế 160km/h.

Về sự cấp thiết trong triển khai dự án cũng như các vấn đề về công nghệ, phương án đầu tư hiện đã thực sự hiệu quả hay chưa? PV VOV Giao thông đã trò chuyện với ông Trần Ngọc Thành, nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) xung quanh nội dung này:

PV: Hiện Chính phủ đang trình QH chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của việc đầu tư dự án này?

Ông Trần Ngọc Thành: Trước hết phải nói rằng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là tuyến hết sức quan trọng, bở nó là mạch máu kinh tế kết nối giữa nước ta và nước bạn và là nguồn để phát triển vận tải hàng hóa và vận tải hành khách rất tốt, nó là động lực để phát triển kinh tế, đến thời điểm này tôi cho là hết sức cấp bách.

Tổng chiều dài của tuyến không phải là lớn quá nên tốc độ thiết kế 160km/h là phù hợp, bởi tuyến này đi qua những khu vực có địa hình phức tạp và quan trọng nhất là điểm đầu điểm cuối không quá xa, tổng thời gian đi lại giữa Lào Cai - Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh được rút ngắn rất nhiều.

Dự án tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng sẽ cùng với các tuyến vận tải đường sắt hiện hữu nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành đường sắt. Ảnh: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Dự án tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng sẽ cùng với các tuyến vận tải đường sắt hiện hữu nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành đường sắt. Ảnh: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

PV: Vấn đề chuyển giao công nghệ, vận hành khai thác cần được đáp ứng những yêu cầu như thế nào?

Ông Trần Ngọc Thành: Theo tôi tuyến này cần được nghiên cứu kỹ bởi tuyến này chúng ta vận tải cả hành khách và hàng hóa. Tuyến đường sắt muốn có hiệu quả, đương nhiên là phải có nguồn hàng, nơi tập kết, xếp dỡ và có kết nối với các hệ thống giao thông khác.

Vì thế nếu chúng ta không nghiên cứu kỹ, làm đường sắt mà không có nơi tập kết hàng hóa hoặc nơi tập kết không hợp lý, tức là tôi muốn nói đến những ga hóa vận mà không hợp lý, thì kết nối đó phải xem xét kỹ các điểm, các ga, đặc biệt là các hóa trường và công nghệ xếp dỡ.

Và quan trọng nhất là tính kết nối của nó với mạng lưới giao thông nói chung như kết nối giữa đường sắt với đường sắt, giữa đường sắt với đường bộ và kết nối đường sắt với cảng biển và các hóa trường cần phải nghiên cứu kỹ, chứ nếu chúng ta làm chỉ để chạy không thì không hiệu quả.

Để đưa đất nước cất cánh thì công nghệ tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ít nhất phải là công nghệ tiên tiến bậc trung của thế giới.

PV: Được biết hiện nay trong tờ trình chủ trương đầu tư dự án này dự kiến bố trí 18 ga (bao gồm 3 ga lập tàu, 15 ga hỗn hợp), số lượng ga dày đặc như vậy có phù hợp không, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Thành: Việc lập nhiều ga bởi vì trong giai đoạn 1 chúng ta dự kiến tổ chức đầu tư đường đơn, khổ tiêu chuẩn 1.435mm, tải trọng và tốc độ có thể cao hơn nhưng đã là đường đơn thì bắt buộc phải có nhiều ga để tổ chức tác nghiệp chạy tàu.

Thật ra nếu làm đường đơn thì nói thật hiệu quả so với tuyến đường sắt bây giờ không lên được bao nhiêu, tôi mạnh dạn nói như vậy vì ở góc độ là người đã từng làm và có kinh nghiệm trong quản lý ngành đường sắt, từng tổ chức, từng điều hành lĩnh vực này.

Việc đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ước tính tạo ra khoảng 90.000 việc làm trong thời gian xây dựng. Ảnh: Báo Lào Cai

Việc đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ước tính tạo ra khoảng 90.000 việc làm trong thời gian xây dựng. Ảnh: Báo Lào Cai

Theo phương án hiện nay thì việc vận hành tối đa không quá 25 đôi tàu/ngày đêm kể cả tàu khách và tàu hàng. Bởi lẽ nếu là đường đôi thì chúng ta không cần nhiều ga như thế, có thể chi phí ban đầu sẽ tăng hơn 1 ít nhưng về lâu dài nó sẽ rất tốt, mà chúng ta làm đường sắt không phải cho 10 năm, 20 năm mà là 50 năm tới 100 năm.

Việc đầu tư đường sắt đơn hoặc đôi có nghệ hoàn toàn khác nhau, đặc biệt là hệ thống thông tin tín hiệu, tổ chức chạy tàu là hoàn toàn khác nhau.

Nếu làm theo phương án đang trình thì trước mắt sẽ giảm được kinh phí đầu tư ban đầu, nhưng lâu dài thực lòng mà nói tôi rất trăn trở nội dung này. Chúng ta đang ở thế kỷ 21 chuẩn bị đưa đất nước vào giai đoạn cất cánh, nếu làm đường đơn hiệu quả khai thác sẽ không đạt được như kỳ vọng.

Theo quan điểm của tôi đã đầu tư để cất cánh thì ít nhất phải là công nghệ tiên tiến bậc trung của thế giới hiện nay, chứ chúng ta đừng làm những cái đổi mới nhưng thực ra chỉ đổi mới một phần và chi phí rất tốn kém.

Tôi cho rằng cần nghiên cứu kỹ, cần thiết đầu tư đường đôi thì chúng ta sẽ có tính toán cụ thể và có thể phân kỳ đầu tư, đường đôi thì mới có thể là tuyến đường sắt công nghệ cao, tốc độ cao, nếu làm đường đơn thì chỉ nâng cao được mỗi tải trọng, hiệu quả kinh tế không lớn.  

PV: Xin cảm ơn ông.

Hoàng Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn