Đồng bằng Sông Cửu Long chìm trong biển nước

Trong 3 ngày đỉnh triều dâng cao, ngoài những con phố đông dân cư thì một diện tích lớn nông nghiệp của toàn khu vực ĐBSCL bị ngập, có nguy cơ mất trắng.

TP Cần Thơ vẫn còn ngập nhiều tuyến đường trọng điểm.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết triều cường tại khu vực Nam Bộ đang xuống. Trong ngày 20/10, nước dâng vào khoảng 6h sáng và 19h30 tối ở mức trên báo động II (1,5m). Ở mức này vẫn còn gây ngập vùng trũng, thấp, khu vực ven sông, kênh rạch.

Trong 3 ngày đỉnh triều dâng cao, ngoài những con phố đông dân cư thì một diện tích lớn nông nghiệp của toàn khu vực ĐBSCL bị ngập, có nguy cơ mất trắng.

Những nơi nguy hiểm đã được cảnh báo.

Tại đường Nguyễn Văn Cừ nối dài và Mậu Thân thuộc quận Ninh Kiều TP Cần Thơ được phóng viên VOVGT ghi nhận sáng ngày 20/10 vẫn còn ngập sâu. Người dân phải chấp nhận ướt quần áo để đi làm, đi chợ và đưa con đi học.

Trước tình hình triều cường ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo những giải pháp giảm thiểu thiệt hại, yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức rà soát toàn bộ các tuyến đường ngập sâu, cắm tạm thời biển báo nguy hiểm tại nơi ngập sâu, chủ động bố trí phương tiện và lực lượng điều tiết giao thông.

Người dân lội nước để tới chỗ làm.

Về an toàn cho học sinh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai ngay các biện pháp phòng tránh đuối nước, tổ chức các điểm giữ trẻ tập trung an toàn.

Đặc biệt căn cứ vào tình hình dự báo triều cường mà triển khai các phương án điều tiết thời gian đến trường và tan học phù hợp, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh.

Diện tích lúa và vườn ươm cây giống của người dân Hậu Giang trị giá hàng tỉ đồng gần như mất trắng.

Còn tại tỉnh Hậu Giang, do triều cường lên cao nên nhiều tuyến đê bao ở huyện Châu Thành A không thể cầm cự được. Nước tràn vào làm nhiều hecta vườn cây, hoa màu của người dân gần như mất trắng.

Theo nông dân, ngập úng là do bờ bao chưa thể khép kín. Cả chục năm nay đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng chưa được đầu tư. Còn cống thủy lợi hàng tỷ đồng được xây khoảng 5 năm nay không phát huy được tác dụng khi các bờ bao bị nước nhấn chìm.

Nước tràn vào nhiều hecta vườn cây, hoa màu của người dân.

Theo số liệu từ điểm quan trắc huyện Châu Thành A, mực nước hiện nay là 1m56. Dù không còn mưa liên tục nhưng đỉnh triều tại địa phương này liên tục tăng lên. Toàn huyện có khoảng 92 hecta vườn cây ăn trái bị ngập từ 2 tấc đến 3 tấc.

Với tình trạng ngập như thế này, nếu nước rút, cây ăn trái và hoa màu sẽ tiếp tục chết.

Ngoài ra, toàn tỉnh Hậu Giang còn 240 hecta vườn cây ăn trái, 4000 héc ta lúa, khóm đứng trước nguy cơ bị ngập úng và 1.000 hecta lúa chín đã quá ngày thu hoạch phải tìm nhân công cắt tay. Nhiều máy bơm hợp tác xã đã hoạt động liên tục ngày đêm để cứu diện tích lúa.

Theo nông dân, ngập úng là do bờ bao chưa thể khép kín.
Cống thủy lợi hàng tỷ đồng được xây khoảng 5 năm nay không phát huy được tác dụng khi các bờ bao bị nước nhấn chìm.

Mới đây, vào đêm 19/10 trên địa bàn ấp Long Quới, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy đã xảy ra 2 vụ sạt lở đê bao nghiêm trọng, chiều dàu hơn chục mét, chia cắt giao thông trong khu vực. Do vụ sạt lở xảy ra trong lúc triều cường đang ở mức cao nên đã làm ngập úng toàn bộ vườn sầu riêng của người dân.

Theo thống kê, ngoài 2 điểm sạt lở kể trên, trên địa bàn xã Ngũ Hiệp vẫn còn nhiều tuyến đê bao xung yếu có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, đe doạ đến nhiều vườn cây ăn trái và cuộc sống của người dân.

Diện tích trồng sâu riêng của người dân Tiền Giang cũng " ngàn cân treo sợi tóc" khi bị vỡ đê, nước tràn ngập gốc.

Hiện các địa phương đã cho thống kê thiệt hại để có mức hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, sắp tới ĐBSCL còn phải đón ít nhất 2 con nước nữa. Nên nhiều diện tích nông nghiệp vẫn đang bị đe dọa nếu như không có những giải pháp cấp bách phòng chống sắp tới.