Điều chỉnh cách tính chi phí kinh doanh xăng dầu để chặn tình trạng hết hàng, ngừng bán

Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hàng xăng dầu kéo dài và lặp đi lặp lại thời gian qua, được cho là bởi cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện nay đang xảy ra tình trạng chiết khấu âm, chiết khấu bằng 0, khiến DN càng bán càng lỗ và gây đứt gãy cục bộ nguồn cung.

>>> Nhiều cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM vẫn nghỉ bán

Mới đây, 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở các tỉnh phía Nam đã có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, tuy nhiên động thái của các Bộ ngành rất thận trọng. Làm sao để để khắc phục những bất cập này, tránh kịch bản khan hàng, thiếu hàng lặp đi lặp lại và kéo dài, gây bất ổn thị trường?

Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với các chuyên gia và đại biểu Quốc hội xung quanh nội dung này.

PV: Theo kiến nghị của các doanh nghiệp thì cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay đang có vấn đề, để doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu duy trì hoạt động và có lãi thì việc tính đúng, tính đủ các chi phí có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính):  Hiện nay giá xăng dầu do nhà nước quy định, trong cơ cấu giá xăng dầu có 9 yếu tố, trong đó có yếu tố chi phí kinh doanh.

Trong chi phí kinh doanh thì lợi nhuận của người bán nếu được tính toán một cách hợp lý, đảm bảo có lợi nhuận thì các hoạt động sẽ ổn định, vừa nhập được hàng vừa đẩy mạnh được bán ra, các đại lý họ cũng nhận được một khoản lợi nhuận hợp lý thì sẽ hoạt động bình thường.

PV: Để khắc phục bất cập về vấn đề chiết khấu, tránh gây ra bất ổn cho thị trường kinh doanh xăng dầu như thời gian qua, theo ông Liên bộ Tài Chính – Công thương cần có giải pháp gì?

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Chi phí kinh doanh và preum là hai chỉ tiêu hết sức quan trọng trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu. Quy định về chi phí kinh doanh hiện nay đã lạc hậu, rất thấp, đã được thay đổi từ năm 2014 đến nay đã 8 năm. Khi chi phí kinh doanh không hợp lý, tức là không bù đắp được chi phí bỏ ra thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ thua lỗ.

Chính vì thua lỗ như vậy nên việc chiết khấu cho các đại lý cũng thấp đi. Đối với các đại lý, việc chiết khấu thấp sẽ không đủ đảm bảo mức lãi, họ lỗ thì sẽ ngừng kinh doanh.

Còn preum là phần thưởng hay gọi là lợi nhuận của người bán, trong Nghị định 95 đã quy định rất rõ nhưng hiện không thay đổi, vẫn để mức thấp, doanh nghiệp không có lãi. Khi doanh nghiệp không có lãi thì sẽ không nhập hàng và bên bán cũng sẽ không bán, bên mua cũng không mua được.

Chính vì vậy tạo cho nguồn cung khó khăn, các đại lý, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không có lãi, đây là vấn đề mấu chốt. Bộ Công thương đã thấy vấn đề này từ lâu và đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính (vì khâu này Bộ Tài chính quyết định), vừa rồi Bộ Tài Chính đã thống nhất với Bộ Công thương sẽ điều chỉnh trong thời gian sớm nhất và có thể trong kỳ điều hành tới sẽ xem xét lại 2 khoản mục đó. 

...

PV: Việc áp dụng giá xăng theo vùng theo nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu và trên cơ sở báo cáo kiểm toán chi phí kinh doanh xăng dầu đến từng địa bàn cũng đang cho thấy những bất cập, theo ông cần thay đổi cách tính này thế nào?

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Cái này phải xuất phát từ thực tế, có nghĩa là nghiên cứu thực tế trên các địa bàn khác nhau và tính một chi phí bình quân, nếu làm được một cách hợp lý, xác định được một cách chính xác qua những báo cáo được cơ quan kiểm toán xác nhận cũng như qua khảo sát thực tế sẽ xác định được mức phù hợp và chính xác.

Trên cơ sở đó mới đưa ra chi phí kinh doanh tương đối chuẩn, đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng không bị thiệt mà doanh nghiệp cũng không bị thiệt do giá quá thấp. Trên cơ sở đó doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phân bổ sao cho hợp lý, hiện nay đối với giá xăng đang phân bổ 1.050 đồng/lít, sắp tới sẽ phải điều chỉnh.

PV: Xin cảm ơn ông. 

Cũng liên quan đến trách nhiệm điều hành đối với xăng dầu, trao đổi với VOVGT, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, liên bộ Tài Chính - Công Thương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên thì mới ngăn được tình trạng khan hiếm xăng dầu kéo dài như vừa qua.

"Sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương là mấu chốt, trong đó trách nhiệm của Bộ Công thương rất lớn trong việc để xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu trong thời gian qua, ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng. Phải có sự hài hòa lợi ích giữa đại lý bán lẻ xăng dầu và các công ty phân phối cấp 1, cấp 2 và tất nhiên mua bán phải có lãi.

Cho nên vấn đề chiết khấu 0%, giá xăng dầu trong nước liên tục sụt giảm, dự trữ bắt buộc xăng dầu, nhưng lại không được hưởng chế độ nào khác, sẽ không kích thích để họ phấn khởi tham gia thị trường xăng dầu. Vì vậy bộ ngành liên quan phải thấy rõ điểm này để làm sao đưa ra một cơ chế phù hợp, có lợi cho cả đôi bên", ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết.