Điểm chuẩn vào lớp 10 ở Hà Nội quá chênh lệch, vì sao?

Sau khi các trường THPT công lập tại Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch rất lớn giữa các trường thuộc quận trung tâm, vùng ven và nông thôn.

Điểm chuẩn kỳ thi THPT công lập tại Hà Nội có sự chênh lệch lớn 

Trong 112 trường THPT công lập của Hà Nội, 23 trường lấy trên 40 điểm, chủ yếu thuộc các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân và Cầu Giấy. Điểm chuẩn cao nhất là trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) với 48,75. Theo cách tính điểm xét tuyển của Hà Nội, thí sinh phải đạt trung bình trên 8 điểm mới đỗ. Nếu cả 4 môn đạt 8 điểm (là mức điểm giỏi), các em vẫn trượt do năm nay không cộng điểm ưu tiên. Trái ngược lại, 3 trường là THPT Đại Cường (huyện Ứng Hòa), Mỹ Đức C (huyện Mỹ Đức) và Minh Quang (huyện Ba Vì) lấy điểm chuẩn là 16. Học sinh chỉ cần 2,7 điểm mỗi môn là trúng tuyển. Nói về điểm thi vào lớp 10, ông Lê Ngọc Quang - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết:

Điểm chuẩn năm nay có cách tính khác mọi năm. Mọi năm dựa trên một nửa kết quả học tập của học sinh và dựa thêm kết quả thi của 2 môn.  Năm nay dựa trên kết quả thi của 4 môn. Điểm chuẩn năm nay tùy theo từng trường. Nếu có chăng có thể giảm nhẹ một chút so với mọi năm về điểm chuẩn. Tất cả các môn, điểm trên trung bình cao hơn mọi năm, điểm kém ít hơn. Số điểm 10, điểm tốt nhiều hơn mọi năm.

Như vậy, kết quả thi vào lớp 10 THPT phần nào cho thấy, chất lượng dạy và học ở bậc THCS tại Thủ đô tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ lo ngại khi điểm chuẩn chênh lệch quá lớn giữa trường thuộc quận trung tâm, vùng ven và nông thôn. Nguyên nhân là do chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, đặc biệt là vùng khó khăn về kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, điều kiện vật chất, môi trường học tập ở một số huyện còn khó khăn. Dù được thành phố đầu tư, nhưng do điều kiện kinh tế - xã hội, học sinh vùng nông thôn vẫn không thể có môi trường học tập như học sinh ở các quận trung tâm. Những trường được đầu tư trọng điểm có chất lượng tốt hơn, thu hút nhiều thí sinh hơn, do đó, điểm chuẩn cũng vượt lên ở mức cao hơn. TS Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - cho rằng:

Thứ nhất là Hà Nội quá rộng. Hà Nội có những vùng mức sống cao, cũng có những vùng cuộc sống còn nhiều khó khăn, thậm chí có những vùng dân tộc. Cho nên, chuyện khác biệt giữa điểm chuẩn các trường ở khu vực trung tâm và ở vùng xa cũng là điều bình thường thôi. Thứ hai, với kỳ thi vào THPT, học sinh có quyền chọn trường này trường khác, những trường có điểm chuẩn cao là những trường thương hiệu lớn.

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Phó trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD-ĐT; Giảng viên ĐHSư phạm Hà Nội - trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia thì việc phân luồng học sinh sau THCS là một vấn đề rất quan trọng. Thực tế, các học sinh có nguyện vọng, năng lực rất khác nhau. Ở thời điểm tốt nghiệp THCS, các em phải lựa chọn việc học tiếp THPT để theo học ở các cấp cao hơn, hay học nghề để phục vụ cuộc sống. Nhiều em có nguyện vọng nhưng năng lực không phù hợp và ngược lại. Không nhất thiết phải vào đại học, cao đẳng mới đảm bảo cuộc sống, nên các em có thể lựa chọn học nghề.

Tuy nhiên, theo TS Lê Viết Khuyến, trong hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay, việc học văn hóa và học nghề chưa được đầu tư một cách tương xứng. Việc quản lý Nhà nước ở hai khu vực giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp thuộc về hai bộ khác nhau với những chính sách khác nhau. Điều này dẫn đến việc học sinh buộc phải chọn theo hướng học ở các trường THPT để có tương lai tốt hơn. TS Lê Viết Khuyến phân tích:

Hệ thống giáo dục không giải quyết được vấn đề phân luồng học sinh sau THCS. Tất cả dường như chỉ nhắm vào một luồng duy nhất là THPT. Luồng thứ hai là trung cấp nghề không tương đương với THPT. Thời gian học thì ngắn, 1-2 năm, mà ra trường, khả năng phát triển lên, học lên không có. Học xong vẫn chưa đủ tuổi gia nhập lực lượng lao động. Học hướng ấy không có hướng phát triển cho tương lai.

Do không có sự phân luồng cho học sinh THCS nên áp lực cho các em trong kỳ thi vào lớp 10 THPT là rất lớn, dẫn đến tỷ lệ “chọi” và điểm chuẩn cao ở những trường có “tên tuổi”. Chính vì vậy, bên cạnh việc đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở các địa phương, chúng ta phải làm tốt hơn nữa việc giáo dục định hướng nghề nghiệp. Cần đảm bảo cho các em chuẩn bị tốt nghiệp THCS đều có trải nghiệm nghề nghiệp, từ đó ý thức được sự lựa chọn đúng đắn cho mình. Điều này sẽ giúp công tác phân luồng sau THCS tốt hơn.