Dịch bệnh và tối giản

Một trong những thay đổi mà COVID-19 đang tạo ra trong đời sống thị dân, đó là xu hướng tối giản ngày càng được ưa chuộng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Trước hết là tối giản đồ đạc. Khi ở nhà phần lớn thời gian, bạn mới kinh ngạc về sự ngồn ngộn của kho đồ dùng mình đang lưu giữ. Từ những món đắt tiền nhưng mấy năm không dùng tới, cho đến đồ cũ gắn với kỷ niệm…. Vứt đi thì tiếc, để lại thì chật nhà. Chưa kể, trẻ con bị cấm cung trong 4 bức tường, càng cần nhà cửa gọn gàng để có chỗ vui chơi. Đây chính là lúc bạn buộc phải mạnh tay thanh lý đồ đạc sau rất nhiều lần trì hoãn.

Nhưng nếu thanh lý xong mà tiếp tục tha lôi đồ khác về, thì đâu lại vào đó. Điều này đặt ra đòi hỏi tiếp theo, là tối giản về nhu cầu. Bạn sẽ buộc phải cân nhắc rất kỹ để chọn lọc, ưu tiên cho các nhu cầu thực sự thiết yếu, chứ không thể mua sắm thả cửa như xưa.

Vả lại, tối giản việc ăn uống tiêu dùng sao cho vừa đủ, không phung phí, cũng là cách thích nghi với túi tiền ngày càng eo hẹp.

Dịch bệnh, nhiều tháng liền bạn không thể gặp gỡ, giao lưu với những người có quan hệ thuần túy công việc hoặc anh em bạn bè xã hội, mà chỉ qua điện thoại khi cần. Lâu dần, thấy rồi cũng ổn.

Và bạn nhận ra, tối giản trong mối quan hệ cũng là một lợi thế, để không còn phải bận rộn xã giao, giúp ta có cơ hội làm sâu hơn các quan hệ mà bạn thực sự mong muốn.

Ngoài ra, khi những nỗi lo mùa dịch vốn đã lấy đi của chúng ta nhiều năng lượng, bạn càng không nên hao tâm tổn sức vào bất cứ việc vô bổ nào, từ chuyện bao đồng của người dưng cho đến những vấn đề xa xôi, ngoài tầm kiểm soát.

Xu hướng tối giản trong suy nghĩ xuất hiện như một đòi hỏi để bảo toàn năng lượng, và bạn sẽ thấy, nó thực sự hữu ích trên con đường tìm đến sự tự tại của tâm hồn./.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: