Đi hội theo "phong trào"

Việc “nhập khẩu” những lễ hội bên ngoài, vốn không thuộc nền văn hoá truyền thống, xét cho cùng cũng là một nhu cầu của thời đại, trong quá trình phát triển. Nhưng, câu hỏi đặt ra ở đây, tại sao những lễ hội như đã kể trên lại dễ dàng được mọi người chấp nhận và đón chờ...

Người Việt đón nhận một cách “tự nhiên” rất nhiều lễ hội thuộc nền văn hoá khác với truyền thống của phần đa người dân. Có thể kể đến một vài lễ hội nổi bật, luôn được mọi người chờ đợi như Valentine, Hallowen, Giáng sinh, Tết dương lịch…

Đó là chưa kể đến những ngày kỷ niệm, vốn trước đây không hề có trong đời sống người Việt, như: Ngày của Cha, ngày của Mẹ, ngày của con trai, con gái… Nếu điểm lại, hầu như tháng nào trong năm cũng sẽ có một ngày kỷ niệm, lễ hội nào đó. Và hầu hết chúng đều được một bộ phận hoặc phần đông cộng đồng đón nhận một cách hào hứng.

Xét về khía cạnh đời sống tinh thần, rõ ràng, với nhiều lễ hội, ngày kỷ niệm thì cuộc sống của người dân cũng trở nên phong phú hơn, vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Và việc “nhập khẩu” một cách tự nhiên những lễ hội bên ngoài, vốn không thuộc nền văn hoá truyền thống của dân tộc, xét cho cùng, đó cũng là một nhu cầu của thời đại, trong quá trình phát triển của mình.

Nhưng, tất nhiên, sẽ có chữ “nhưng”!... Câu hỏi đặt ra ở đây, tại sao những lễ hội như đã kể trên lại dễ dàng được mọi người chấp nhận và đón chờ, kỷ niệm nó như là một trong những ngày lễ quan trọng trong năm?

Có lẽ, với hầu hết những người đang hào hứng đón chờ ngày Giáng sinh, hay những ngày lễ khác như Hallowen, Valentine… cũng chẳng thể phân biệt được những ngày kỷ niệm đó bắt nguồn từ đâu, và Kito giáo, Cơ đốc, Công giáo… khác nhau như thế nào? Tất nhiên, vì hầu hết người Việt đều không theo tôn giáo ấy.

Câu chuyện không phải là phân biệt tôn giáo, bởi rõ ràng, những ngày kỷ niệm ấy dần dần đã trở thành một phần rất gần gũi trong cuộc sống của chúng ta, và nó được chấp nhận bởi những điều tốt đẹp mang lại.

Mà điều đáng nói ở chỗ, hầu hết trong chúng ta đang sống và hành động theo đám đông. Tâm lý a dua và không cần biết đến ý nghĩa của những ngày lễ hội đó như thế nào, để mà thực hành cho đúng, ít nhất là một phần của nó.

Nếu tìm hiểu về các lễ hội vốn có theo văn hoá của người Việt, thì chúng ta cũng có rất nhiều ngày lễ tương tự như: Lễ Phật Đản, xá tội vong nhân, hàn thực,... tương tự như Giáng sinh, Hallowen hay Ngày của Cha, của Mẹ... Nhưng tại sao hiện nay, hầu hết mọi người đều hào hứng và dễ chấp nhận những lễ hội mới kia hơn? Câu trả lời có lẽ rất khó, ngay cả với những người làm quản lý văn hoá.

ảnh nh hoạ

Đến đây, tôi lại nhớ tới những lần đi dự lễ hội truyền thống đầu năm ở nhiều địa phương trong cả nước. Có những lễ hội hằng năm thu hút rất đông người hành hương đến thắp hương lễ bái, từ lễ hội Chùa Hương, lễ hội Gióng, lễ hội Đền Hùng, lễ phát ấn Đền Trần…

Người ta chen vai thích cánh, thậm chí dẫm đạp lên nhau để được chạm vào một chút “lộc thánh”, “lộc thần” nào đó, theo quan niệm của đám đông. Có rất nhiều người, khi được hỏi gần như chẳng biết lễ hội đó xuất phát từ đâu, thờ ai và vì sao? Nhưng họ vẫn cứ đến xì xụp thắp hương cúng bái?

Có lần, tôi được dự một lễ hội phục dựng. Theo những người trong ban tổ chức, thì sau những năm tháng chiến tranh loạn lạc, lễ hội và những phần thực hành nghi lễ lễ hội ở làng ấy đã không được tổ chức nhiều năm, nên nay đời sống đã khá giả, muốn phục dựng lại để cho dân làng, con cháu biết và nhớ về cội nguồn. Mục đích thực sự tốt đẹp và đúng đắn.

Tò mò về lễ hội, và đoán rằng, những bô lão trong làng chắc chắn là người am hiểu nhất về lễ hội, tôi tìm vào đình làng, nơi các cụ đang ngồi đàm đạo dõi theo con cháu ngoài kia nô nức trảy hội… tôi phỏng vấn những cụ bô lão ấy về ý nghĩa của lễ hội làng mình. Tất cả các bô lão ấy đều “ú ớ” và không ai kể được nguồn gốc lễ hội, cũng như ý nghĩa của những phần thực hành trong lễ hội ấy ra sao? Kể cũng lạ…

Câu chuyện rút ra ở đây, đó là chúng ta đang làm gì với đời sống tinh thần của mình? Liệu rằng, tất cả chúng ta đang tham gia những lễ hội ấy, dù là “truyền thống” hay “nhập khẩu” đều là “theo phong trào”? Cứ cắm đầu cắm cổ mà theo, bất biết ý nghĩa nó ra sao, nguồn gốc như thế nào? Miễn là đám đông hào hứng thì mình cũng phải hùa vào, không thì sợ lạc hậu, bị bỏ rơi? 

Lẽ dĩ nhiên, ở bất kỳ một xã hội nào đó, việc du nhập những sản phẩm văn hoá của dân tộc khác là điều hết sức bình thường, khi điều đó phù hợp với cuộc sống của cộng đồng ấy. Thế nhưng, làm theo và hiểu để thực hành lại là hai phạm trù hết sức khác biệt, mà phần đông trong những người đang nô nức trảy hội kia, đang chỉ đứng ở vế đầu – là làm theo tâm lý đám đông.