Đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường: Nơi trục trặc, nơi bất tiện

Từ năm 2017, Hà Nội đã lắp đặt nhiều cụm đèn tín hiệu sang đường với nút bấm chủ động cho người đi bộ. Tuy nhiên, thói quen không nhường đường của người đi ô tô, xe máy ngay cả khi có đèn báo, cùng với nhiều hỏng hóc không kịp thời sửa chữa khiến nhiều nơi, thiết bị này gần như vô tác dụng.

 

Xe máy vô tư vượt đèn đỏ, ''đè đường'', tranh lượt của người đi bộ tại nút Trần Quang Khải - Lò Sũ

11h trưa, bà Nguyễn Thị Thuần, bán hàng nước trên phố Lò Sũ dọn hàng ra về. Bà loay hoay với đồ đạc lỉnh kỉnh khi phải sang đường Trần Quang Khải, bởi đèn tín hiệu cho người đi bộ trục trặc, còn các dòng xe lao đi vun vút:

"Hay trục trặc, ấn lúc được, lúc không. Ngày nào cũng có một anh đến đây kiểm tra, thế mà lúc sáng anh ấy bật được, nhưng đến khoảng 8h, 9h, 10h, nhiều người ấn quá thì nó tịt luôn. Đèn đỏ thế này xe máy vẫn đi, còn ô tô thì chấp hành. Mong công an xử lý luôn, bởi vì mùa này các cháu bắt đầu đi học, các cháu đi bộ từ bên kia sang mà xe máy vẫn cứ lao, rất nguy hiểm. Nhưng nói chung từ khi có cái đèn này thì tai nạn hạn chế đi bao nhiêu", bà Thuần cho biết.

Đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường không thể sử dụng tại đường Xuân Thủy, đoạn qua Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Nguy hiểm rình rập người đi bộ với dòng xe xuôi ngược lộn xộn.

Theo Ban Duy tu sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn Hà Nội có 13 nút đèn tín hiệu giao thông cho người đi bộ sang đường. Theo khảo sát của phóng viên, không chỉ tại nút giao Trần Quang Khải - Lò Sũ mà nhiều điểm lắp đặt đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường khác, tình trạng xe máy, thậm chí cả ô tô vượt đèn đỏ, “đè đường”, tranh lượt của người đi bộ diễn ra khá phổ biến.

Bên cạnh đó, thiết bị tại nhiều nơi bị hư hỏng hoặc lắp đặt không hợp lý, gây khó khăn cho người dân sử dụng.

Như tại đường Xuân Thủy, đoạn qua Trường đại học Sư phạm Hà Nội, đèn tín hiệu cho người đi bộ không thể sử dụng. Vạch kẻ đường, biển báo không còn sau quá trình thi công đường sắt trên cao.

Ngô Anh Tuấn, sinh viên trường Sư phạm cho biết, đèn tín hiệu cho người đi bộ tại đây có cũng như không: "Những người đi xe trên đường không để ý đây là đường cho người đi bộ sang đường. Xe cứ chạy bình thường nên qua đường hơi khó. Cũng ít người sử dụng, thường thường người ta đi sang luôn, không ai bấm đèn này cả". 

Đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường tại QL5, đoạn qua Công ty May 10, được đặt sau hộ lan, muốn bấm nút phải rướn người rất khó khăn.

Một địa điểm khác cũng tồn tại nhiều bất cập là QL5, đoạn qua Công ty May 10, nơi rất đông công nhân đi lại mỗi buổi sáng - chiều, và cách bến xe buýt chỉ khoảng chục mét. Theo hướng đi Hải Phòng, cột đèn được đặt phía sau hộ lan, người đi bộ muốn bấm nút phải rướn người rất khó khăn.

Ngoài ra, vạch kẻ đường cho người đi bộ lại được bố trí đúng điểm quay đầu xe, nườm nượp xe khách và xe tải, container, khiến nhiều người cảm thấy phấp phỏng:

"Đèn bấm cho người đi bộ không ổn vì nhiều người không biết, vì đèn đỏ xe vẫn cứ chạy thẳng thôi. Chỗ này phải cấm container quay đầu và xe đi ngược chiều hai bên, rất nguy hiểm".

"Cái đèn phải xuống thấp một chút nữa, hoặc phải làm bậc. Người đi bộ người ta không chờ được vì đèn xanh lâu quá. Buổi sáng có mấy công ty ở đây đi làm đông lắm, mà đông thế thì người ta sang đường sao kịp được".

Vạch kẻ đường cho người đi bộ được bố trí đúng điểm quay đầu xe, nườm nượp xe khách và xe tải, container, khiến nhiều người cảm thấy phấp phỏng.
Không chỉ xe máy, ô tô cũng bất chấp tín hiệu đèn cho người đi bộ.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đánh giá cao vai trò của các cụm đèn tín hiệu cho bộ hành trong việc đảm bảo an toàn, khuyến khích người dân đi bộ và phát triển giao thông công cộng.

Tuy nhiên, các đơn vị chức năng cần quan tâm nhiều hơn nữa để việc sử dụng những cụm đèn này thực sự phát huy hiệu quả.

"Các phương tiện không chấp hành thì chúng ta phải xử phạt triệt để, phải kiểm soát trực tiếp gắt gao, rồi thông qua hình ảnh camera giám sát để chúng ta phạt nguội, làm thế nào để triệt để, dứt điểm từng nút một.

Duy tu, bảo dưỡng, giám sát khả năng hoạt động của đèn tín hiệu chúng ta phải làm thường xuyên, phải có bộ máy theo dõi thông tin, báo về là chỉnh sửa ngay. Vị trí lắp đặt thì phải tầm cao đủ, để người lớn với tầm cao bình thường có thể ấn nút được", TS. Khương Kim Tạo cho biết./.