Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn: Cơ hội giảm giá nhà

Một trong những phương án Bộ Xây dựng đề xuất trong đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi) là cấp giấy chứng nhận sở hữu cho căn hộ chung cư có thời hạn 50 năm, 70 năm thay vì sở hữu lâu dài như hiện tại.

Nếu phương án này được chấp thuận, người mua nhà và các bên liên quan sẽ được lợi gì? Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Điệp, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

PV: Theo ông, những lý do đề xuất về cấp giấy chứng nhận sở hữu chung cư có thời hạn mà Bộ Xây dựng đưa ra có phù hợp?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Tôi cho rằng hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay và xu thế trong tương lai. Quan điểm của người Việt Nam hay tư duy lối mòn truyền thống vẫn thích lâu dài.

Tuy nhiên chúng ta chứng kiến việc mấy chục năm vừa qua, chung cư cũ rồi. Chẳng hạn như Nghị định 61 giải quyết nhà chung cư cũ cho người dân.

Khi cải tạo rất khó bởi vì 4 quyền sổ đỏ được mua, được bán, được định đoạt, trao tặng của người ta rồi cho nên cải tạo phải thỏa thuận. Thủ đô Hà Nội, 20 năm nay không làm được điều đó.

Bây giờ chúng ta phải mạnh dạn đưa ra những giải pháp mang tính thời đại mang tính xu thế, không phải cá biệt, Việt Nam làm đâu, mà cả thế giới người ta làm.

PV: Nếu đề xuất này được thực thi, nhà đầu tư, người dân được hưởng lợi gì?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Nhà thương mại dịch vụ 50 năm khác với nhà vĩnh viễn rất nhiều. Như vậy giá thành đưa xuống, giá sẽ rẻ hơn, người ta mua bán dễ dàng hơn, để nhiều người tiếp cận được nhà chung cư, tiếp cận được nhà ở hơn.

Thuế chuyển đổi sẽ giảm và giá giảm đi rất nhiều, chủ đầu tư cũng dễ dàng hơn, đây là tác động kép?

PV: Trong điều kiện hiện nay, để đề xuất này có thể phát huy hiệu quả nếu được thông qua, theo ông cần lưu ý gì?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở hiện nay đang bất cập rất nhiều. Về mặt cơ chế chính sách, khi mà đưa ra vấn đề đó liên quan đến rất nhiều Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở nên chúng ta phải đồng bộ sửa sao cho tích hợp nhiều trong một Luật khung.

Nói tóm lại, đây là chính sách vĩ mô liên quan đến toàn xã hội, cho nên, để làm được điều này, chúng ta cần phải nghiên cứu rất kĩ và xin ý kiến của các chuyên gia, những người bị ảnh hưởng để chúng ta đưa ra một cái rất chung nhất.

Chúng ta phải cần thông tin tuyên truyền giáo dục đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay, giúp họ nhận thức được việc đó, thấu hiểu và chia sẻ và cần có một lộ trình cụ thể.

PV: Xin  cảm ơn ông!