Đề xuất nam sinh mặc áo dài thứ hai đầu tuần: Làm sao cho hợp lý?

Mới đây, trong chương trình Truyền cảm hứng về áo dài tại trường THPT Marie Curie, TP.HCM, nghệ sĩ Kim Xuân đã đề nghị với Sở Giáo dục đào tạo TP.HCM, các trường THPT trên địa bàn thành phố khuyến khích học sinh nam mặc áo dài vào sáng thứ hai hàng tuần.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Chương trình Truyền cảm hứng về áo dài là hoạt động nằm trong Lễ hội Áo dài TP.HCM 2020

Đây là lời đề nghị rất đáng xem xét, nhưng làm sao để áo dài thân thiện với học đường và đề xuất mang tính khả thi? Đối thoại với phóng viên VOV Giao thông về vấn đề này, Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo Dài Ngũ thân truyền thống chia sẻ:

PV: Đã có rất nhiều tranh luận của thầy cô, phụ huynh và các bạn học sinh xung quanh đề xuất "Nam sinh mặc áo dài mỗi thứ hai đầu tuần". Xin hỏi quan điểm của ông về đề xuất này?

Ông Nguyễn Đức Bình: Có ý kiến tôi rất đồng tình. Cậu nam sinh bày tỏ rằng cậu ấy mặc áo dài và bố mẹ ngạc nhiên hỏi: "Mặc cái gì thế này?" Cậu ấy nói rằng con mặc theo ông. Có nhiều ý kiến của các em học sinh nói rằng tại sao các thầy cô luôn dạy chúng con phát huy bản sắc văn hóa mà lại không làm theo.

Về quan điểm của tôi, chúng ta nhiều năm qua có ít nhiều đứt gãy về văn hóa, lịch sử. Ngay trong Nghị quyết 33 đã nói về vấn đề phát huy giá trị văn hóa.

Trang phục góp phần phát huy bản sắc văn hóa nhưng có ý kiến mới mẻ lại bị phản bác mạnh mẽ. Chúng ta phải xem lại quan điểm, xem giới trẻ nghĩ gì và làm gì để phát huy giá trị văn hóa.

PV: Có cách nào để tà áo dài thân thiện hơn với học đường và đề xuất này khả thi hơn?

Ông Nguyễn Đức Bình: Nếu chúng ta mặc đúng trước năm 1945, áo dài nam rất tiện lợi. Vì áo dài đó xưa được mặc đi học rồi. Phải để các em tiếp cận cụ thể trang phục này và nếu đưa vào nhà trường cần tuyên truyền về cách mặc cho nam sinh. Nhiều nhà may theo mẫu theo truyền thống có cải biến phù hợp cho các em hiện nay.

Giày có sẵn rồi không phải đi guốc mộc. Khăn đội cho em nhỏ tuổi thì không cần nhưng các em cấp 3 có thể đội khăn tiện lợi như mũ vậy.

Về chất liệu, phom dáng có thể thay đổi cho dễ giặt, dễ cử động. Với điều kiện hiện nay kỹ thuật, nguyên vật liệu cũng rẻ, phù hợp khí hậu. Bộ trang phục này đưa vào nhà trường phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: