Khi còn nhỏ, chúng ta thường ước mơ thật nhiều điều. Mơ được là một hoạ sĩ vẽ cả tương lai. Mơ được trở thành một bác sĩ chữa bệnh cho nhiều người. Mơ được trở thành người hùng, mơ được trở nên nổi tiếng.....
Lớn lên, những ước mơ đó thay đổi dần theo thời gian. Và cùng với ước mơ, mọi người chọn cho mình một mục tiêu để hướng đến, một sứ mệnh của riêng có của bản thân. Sứ mệnh đó, có thể xuất phát từ những điều nhỏ bé đâu đó trong khu phố, những thứ bạn gặp, những điều bạn thấy hàng ngày.
Thay vì chọn những thứ sạch sẽ để khởi đầu cho những điều tốt đẹp trong năm mới theo cách mà chúng ta vẫn quan niệm; họ chọn “rác” và nhận phần “dơ” về mình, để mọi con đường, mọi người, mọi khúc sông được thơm tho....
Và đây là câu chuyện của họ - là sứ mệnh mà họ chọn.
5h30 sáng, một ngày gần cuối tháng Chạp. Tiết trời Thành phố Hồ Chí Minh se se lạnh.
Chúng tôi di chuyển bằng xe máy tới khu vực ngoại ô, cách trung tâm Thành phố khoảng hơn 20 cây số để đến một “điểm hẹn”. Điểm hẹn thứ 5 hàng tuần của nhóm các bạn trẻ Sài Gòn Xanh, dưới sự dẫn dắt của một chàng trai tuổi Thìn.
Hơn 1 năm trước, nhóm Sài Gòn Xanh được thành lập, gồm các bạn trẻ trong độ tuổi 18 đôi mươi. Các bạn là nhân viên phục vụ, sinh viên, tài xế xe công nghệ.... Xuất phát từ thực tế ô nhiễm tại các kênh rạch ở Thành phố Hồ Chí Minh mà 700 tình nguyện viên đã cùng nhau dọn rác, đến nay đã dọn trên 150 kênh, rạch; thu gom hơn 2.000 tấn rác.
Những con số khổng lồ.
Nhưng điều chúng tôi muốn nói ở đây là các bạn trẻ này không chỉ dọn rác một cách thông thường....
Hồ Văn Vỹ là đồng sáng lập nhóm Sài Gòn Xanh. Vỹ có mặt ở điểm dọn rác từ rất sớm, chuẩn bị đồ ăn sáng cho mọi người và cẩn thận hướng dẫn quy trình.
PV: Chào Vỹ, Vỹ có thể chia sẻ cho mọi người được biết, các bạn phải chuẩn bị những trang phục như thế nào trước khi dọn rác?
Vỹ: Môi trường tụi em làm ở dưới nước rất ô nhiễm, đồ bảo hộ phải trang bị rất nhiều công đoạn.
Đồ bảo hộ phải từ gót chân lên ngang ngực, để tránh nước lọt vô trong người. Găng tay phải có ba loại, đầu tiên là găng tay y tế, tiếp theo là găng tay chống cắt, đây là găng tay chống nước.
Ngoài ra, tụi em cũng phải trang bị thêm những liều vắc xin nữa để lỡ không may các bạn bị chấn thương. 3 loại vắc xin đó là thương hàn, uốn ván, tả.
PV: Tôi nhìn thấy trên bộ đồ bạn mặc có những vết vá lại, đây có phải là những vết của vật sắc nhọn đâm vào khi các bạn xuống kênh dọn rác?
Vỹ: Việc lủng bộ đồ bảo hộ là điều không thể tránh khỏi. Đây là bộ đồ ít rách rồi đó, còn những bộ đồ tụi em rách ngang ống ủng, vết rách rất to.
PV: Mỗi buổi dọn rác thường có bao nhiêu bạn tham gia?
Vỹ: Sau khi đăng tải những clip trên mạng xã hội được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng, từ đó số lượng tình nguyện viên lớn dần. Từ 5 người, 20 người, 50 người, rồi 100 người, cho đến 500 người. Mỗi buổi sẽ có khoảng 50-100 tình nguyện viên.
PV: Chọn việc khó để bắt đầu. Tuổi Canh Thìn thật mạnh mẽ nhỉ.
Vỹ: Chúng em muốn trả ơn cho mảnh đất Sài Gòn này...
Xung quanh tuyến kênh, có rất nhiều người dân ngạc nhiên vì hành động của các bạn trẻ.
PV: Chào ông, ông có biết các bạn làm công việc gì hôm nay không?
Người dân: Nghe nói múc rác ở dòng kênh này này, dọn dẹp sạch sẽ.
PV: Ông là người sống ở đây, ông thấy môi trường xung quanh thế nào?
Người dân: Dơ quá dơ.
Có lẽ phải tận mắt chứng kiến một buổi sáng làm việc của nhóm Sài Gòn Xanh mới có thể hình dung được các tình nguyện, các bạn trẻ đã phải làm việc vất vả như thế nào.
Địa điểm dọn rác ngày hôm nay là dòng kênh thuộc thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, dòng nước đen kịt, và khi mới bước vào đến nơi đã ngửi thấy mùi hôi thối của rác thải sinh hoạt và xác chết động vật.
Nhiệm vụ của nhóm Sài Gòn Xanh trong buổi sáng phải dọn khoảng 5 tấn rác. Họ phải làm việc trong một môi trường ô nhiễm và phải tự bảo vệ bản thân mình bằng đồ bảo hộ và những mũi vắc xin. Công việc dọn rác cũng thô sơ và thủ công.
Chúng tôi tự hỏi, không biết các bạn Sài Gòn Xanh đã làm việc với một động lực như thế nào?
Hoài Thương là tình nguyện viên của nhóm Sài Gòn Xanh. Thương đang chuẩn bị bước xuống dòng kênh.
PV: Tại sao bạn tham gia làm tình nguyên viên?
Hoài Thương: Mình sống ở Sài Gòn và thấy có quá nhiều con kênh bị ô nhiễm, tắc nghẽn, mình thấy mọi người vất vả, mình cũng muốn phụ mọi người một tay để để không gian sống được sạch sẽ hơn.
PV: Bạn đang là sinh viên của trường nào?
Hoài Thương: Mình là sinh viên trường Đại học Lao động Xã hội
PV: Có nhiều bạn sinh viên dành thời gian để làm thêm, có thêm thu nhập và chọn cho mình một trải nghiệm khác. Tại sao bạn lại chọn trải nghiệm này?
Hoài Thương: Việc mình làm có ích cho xã hội. Nên mình lựa chọn nó.
PV: Là phụ nữ, khi xuống dòng kênh này, bạn có ngại ảnh không?
Hoài Thương: À, không ngại đâu.
PV: Bản cảm nhận thế nào về môi trường của TP HCM – khi các bạn đang hàng ngày, hàng giờ phải dọn rác trên những dòng kênh?
Hoài Thương: Các con kênh bị ô nhiễm ở mức báo động. Mình mong rằng mọi người có ý thức hơn để cuộc sống xung quanh được xanh sạch đẹp hơn.
PV: Bạn đã tham gia được bao nhiêu lâu rồi
Hoài Thương: Mình tham gia được 5 tháng rồi
PV: Có khi nào xem những hình ảnh của mình trên Youtube, Tiktok, hay các buổi livestreams, bạn cũng thấy chợn chợn và nghĩ sẽ thôi không làm nữa không?
Hoài Thương: Mình không. Mình tự hào về công việc này, và tự hào về mình nữa.
Theo quan sát của phóng viên, mực nước của dòng kênh rất cao, một bạn cao khoảng 1.6m thì nước có thể ngập lên đến cổ. Bên dưới dòng kênh đen là Uyên, một bạn trẻ rất xinh xắn.
PV: Uyên ơi, bên dưới đó có sâu lắm không em?
Uyên: Lút cổ.
PV: Công việc này vất vả quá. Bạn có thể chia sẻ cho thính giả rõ hơn không?
Uyên: Công việc này khá vất vả với các bạn nữ, khi thời tiết nắng nóng. Các bạn nhìn tôi đây. Đây là môi trường trực tiếp, nguồn nước ô nhiễm, hôi và nhiều côn trùng, có cả rắn rết nữa.
PV: Vậy ngoài sự trang bị của nhóm, các tình nguyện viên còn phải chuẩn bị gì nữa không?
Uyên: Rất nhiều, kể cả bắt rắn nữa.
PV: Ồ, bạn biết bắt rắn?
Uyên: Dạ có.
PV: Bạn quê ở đâu?
Uyên: Mình ở Gia Lai?
PV: Có phải vùng đất cao nguyên nắng gió đó đã cho bạn kỹ năng đặc biệt đó không?
Uyên: Một phần. Trước đây tôi nhát gan lắm, sợ nắng, sợ dơ. Nhưng khi tham gia Sài Gòn Xanh, thấy không sợ nữa mà chỉ muốn hết mình với công việc mình đang làm.
PV: Cứ xuống dòng nước đen kịt thế này thì có lúc nào Uyên nghĩ là mình dừng lại không?
Uyên: Có một câu nói em rất thích là: Xin cúi xuống làm người hèn kém ễn đôi tay làm đẹp cuộc đời. Câu nói đó phù hợp với lý tưởng và mục tiêu như tôi, như các bạn nhóm Sài Gòn Xanh.
Hồ Văn Vỹ chia sẻ, mực nước ở đây rất sâu và lún. Rác ở đây đa phần là lục bình và rất nhiều chai nhựa, đồ sinh hoạt gia đình.
“Có những bãi rác chỉ cần các bạn đứng ở cạnh đó thôi là các bạn chịu không nổi và mùi xộc lên rất sợ, nhất là những hôm thời tiết nắng nóng”, Vỹ mô tả.
Mới chứng kiến công việc của các bạn trong nhóm Sài Gòn Xanh 1-2 tiếng đồng hồ thôi nhóm phóng viên đã thấm mệt. Trong khi đó, bây giờ mặt trời đã đứng bóng, 12h trưa rồi mà các bạn vẫn đang việc.
Ngay lúc này đây, một số người đang hối hả về quê, một số người đang dọn dẹp nhà cửa khi Tết đang đến gần. Thế nhưng, các bạn trẻ Sài Gòn Xanh vẫn đang ệt mài làm công việc của họ.
Thành phố Hồ Chí Minh có gần 2.000 km tuyến sông, kênh, rạch, trong đó có nhiều tuyến kênh, rạch bị xâm chiếm dòng chảy và ô nhiễm nặng nề. Chúng ta cần nhiều hơn nữa những bàn tay, trái tim, sự can đảm như các bạn trẻ nhóm Sài Gòn Xanh.
Tạm biệt Sài Gòn Xanh, nhóm PV chúng tôi đi dọc theo những tuyến đường rộng rãi dọc theo ba tuyến kênh “nổi tiếng” của Thành phố Hồ Chí Minh đó là Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Nhưng thay vì đi xe máy, chúng tôi chọn đi xe đạp, hoà cùng những người dân đang chậm rãi hít thở khí trời trong lành ... để cảm nhận về sự thay da đổi thịt của những dòng kênh này.
Mờ sáng, mặt nước dòng kênh còn phủ hơi sương, những cơn gió nhè nhẹ se se lạnh, nhiều người đang chạy bộ, tập thể dục ở công viên dọc theo con kênh, còn đội công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM đã “nhổ neo” vào ca làm việc.
Đúng 6h30 mỗi sáng, con nước đang lên, 6 chiếc xuồng máy chở hơn 10 công nhân xuất bến.
Chúng tôi bước xuống thuyền của ông Ngô Đức Tiến, thành viên của tổ vớt rác trên kênh. Mỗi chiếc thuyền còn tự chế thêm những dụng cụ bằng sắt bọc lưới gọi là chiếc te để hút lượng rác nhỏ lúc di chuyển.
PV: Mỗi ngày thế này, ông phải chạy mấy chuyến mới vớt xong rác?
Ông Tiến: Như tôi làm từ sáng tới chiều. Nhiều lắm. Làm không có hết. Làm muốn “khẳm” ghe luôn. Không biết là bao nhiêu tấn. Dơ lắm.
PV: Trong bao nhiêu năm qua, ông đã gặp nguy hiểm bao giờ chưa?
Ông Tiến: Giờ này là nắng lên, làm đến chóng mặt luôn. Kim chích nó quăng ra đấy, sơ ý là bị đâm vô. Nguy hiểm lắm. Hôi thối nữa. Tôi làm ở đây thấy ngày nào cũng dơ vậy, tôi cũng có chút buồn. Anh chị đứng đây đeo khẩu trang chứ lúc đó mình mẩy hôi thối lắm. Về phải tắm sạch sẽ.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 8,7km, chảy qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, quận 3, quận 1 và đổ ra sông Sài Gòn. Hơn 30 năm trước, con kênh ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối, hai bên bờ nhà cửa lụp xụp.
Năm 1993, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch đầu tư cải tạo và xây dựng hai tuyến đường ven kênh. Khởi công vào tháng 3/2003, sau gần 10 năm thi công, dự án cải tạo môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoàn thành trong sự vui mừng của người dân Thành phố.
Vào năm 2012, đội vớt rác trên kênh được thành lập với gần 30 người quản lý, thu gom rác trên toàn tuyến kênh.
Những chiếc thuyền đang di chuyển chầm chậm đến cầu Bùi Hữu Nghĩa có con rạch Xuyên Tâm ô nhiễm quanh năm. Bên trong rạch, nước đen ngầu, rác đủ loại, chủ yếu là rác sinh hoạt, có cả tấm nệm giường.... Rác chất đống hai bên bờ và mắc kẹt lại dưới chân những ngôi nhà bên mép nước khiến cho công nhân rất khó khăn khi luồn sâu vào lạch.
Ông Trương Văn Hổ, Tổ trưởng đang điều khiển thuyền lách vào. Tầm giờ này nước cạn nên thuyền phải tắt máy.
“Tất cả các loại rác, từ bàn ghế cũ, thùng phuy, cái gì họ xài không được thì họ vứt xuống kênh khác. Ví dụ như xác động vật, nói chung là cái gì cũng vứt. Rác sinh hoạt thì khoảng 8h30-9h sáng, ai đứng đó quay phim đợi ở cầu đều thấy, họ vứt xuống trung bình mỗi nhà 3 bịch. Có mấy lần tôi đứng tôi quay, thấy nhà nào cũng vụt xuống hết”, ng Trương Văn Hổ chia sẻ.
PV: Hơn 10 năm làm việc trên tuyến kênh này rồi, điều ông mong muốn nhất là gì?
Ông Trương Văn Hổ: Tôi có một mong ước. Mong ước vừa nhỏ vừa lớn. Đó là rạch Bùi Hữu Nghĩa được thi công cho anh em đỡ vất vả. Anh em chúng tôi không sợ việc nặng nhưng cứ mỗi lần làm xong, mai lại xả xuống lại dơ nữa.
Mình làm trên tuyến kênh mà biết ô nhiễm, biết nguyên nhân mà không giải quyết được thì mình cũng thấy buồn, nhưng đó là phạm trù của chính quyền Thành phố.
Nhiều thế hệ Lãnh đạo Thành phố đã đi khảo sát tuyến kênh này, nhưng vẫn chưa giải quyết xong.
Nhưng mình nhìn nhận người dân ở khu đó cũng không có cách nào, cho nên mới ráng bám. Chứ nếu họ có điều kiện đi chắc cũng không ở đó. Mà ở đó thì vụt xuống thành quen rồi.
Làm việc mỗi ngày 2 ca sáng chiều, khởi đầu lúc bình nh ló dạng và kết thúc lúc hoàng hôn chạng vạng, những người công nhân vớt rác trên kênh dần dần đã yêu dòng kênh này.
Với họ - không gì hạnh phúc bằng khi xuồng máy trở về, thấy người dân hai bên đường Trường Sa - Hoàng Sa được tản bộ, được hít thở khí trời trong lành, lộng gió....
Tháng 9/2015, tour du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có tổng chiều dài 4,5 km, đi qua địa bàn các quận 1, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận đã chính thức được Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc đầu tư và khai thác.
Những con thuyền sẽ đưa du khách chiêm ngưỡng một phần vẻ đẹp của thành phố với 9 cây cầu bắc qua dòng kênh. Hành trình trải nghiệm đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc đã mang lại cho du khách cảm giác thư thái, nhẹ nhàng với không gian thoáng đãng và mang nhiều ý nghĩa lịch sử.
Có mặt tại bến thuyền, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ với ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Thuyền Nhiêu Lộc - người “nặng tình” với dòng kênh này.
PV: Hoàng hôn trên sông thật đẹp....Ông đã làm thế nào để vừa khai thác du lịch vừa bảo vệ môi trường?
Ông Nguyễn Xuân Anh: Tôi biết ơn các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta một tài sản lớn quá. Vì so với các tỉnh thành khác, không có nơi nào có được một dòng kênh chảy xuyên tâm TP. Dòng kênh này là dòng kênh neo được yếu tố xanh.
Phải nói rằng, trừ trước đó, người Việt nghe tới tên Nhiêu Lộc là sợ cái mùi mà không dám xuống. Để cái dòng kênh này được như vậy, phải nói là chúng ta đã tốn công tốn sức rât nhiều, từ chỗ nghiên cứu làm sao chữa sai lầm khi cứ đóng tàu nhỏ. Từ năm 2019 chúng tôi đóng thuyền lớn giúp cải tạo, và thả được lớp cá ăn tầng đáy, ăn hết bùn cho mình nên mùi hôi không còn nữa.
Nhiêu Lộc - Thị Nghè là dòng kênh gắn với lịch sử thành phố. Nó đã từng là dòng nước đen, là nỗi ám ảnh của người dân. Giờ đây, đã trở thành tuyến kênh khoác lên mình màu áo mới của sức sống đô thị xanh.
Sự tươi mới hiển hiện trong từng góc phố, dòng kênh.
Và niềm mong mỏi của những người hàng ngày làm những công việc thầm lặng - những “biệt đội” vì một Sài Gòn xanh chỉ đơn giản là “Mong mọi người có ý thức một chút. Vậy thôi. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ dành phần ai....”