Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Những đứa trẻ khác biệt theo cách của chúng Những đứa trẻ khác biệt theo cách của chúng
Hồng Lĩnh - Xuân Nguyễn   •   3:55 30/08/2023

Rối loạn phổ tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển giao tiếp phức tạp. Mỗi cha mẹ có con tự kỷ như phải gánh vác một công việc “không lương” suốt đời. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa cuộc hành trình duy nhất mà phụ huynh và trẻ trải qua chỉ có những giọt nước mắt....

Hãy cùng VOV Giao thông bước vào thế giới của “Những đứa trẻ khác biệt theo cách của chúng” với những câu chuyện được ghi lại từ hàng chục giờ phỏng vấn cha mẹ, chuyên gia giáo dục, y tế, trị liệu, tâm lý, những nhà chuyên môn của Mạng lưới tự kỷ Việt Nam và kể cả trẻ tự kỷ.

Nhìn con trai 17 tuổi say sưa tập võ cùng các bạn, ánh mắt anh Thành (tên của nhân vật đã được thay đổi) ánh lên đầy tự hào.

Việc học một thế võ là điều không mấy phức tạp với trẻ 4,5 tuổi, nhưng đối với K.- con trai anh Thành là kì tích, bởi lẽ K. là một trẻ tự kỷ.

Nhớ về những ngày đầu khi K. mới bước vào lớp 1, cũng như những cha mẹ khác, anh Thành hạnh phúc nhìn con tung tăng trong bộ đồng phục chạy giữa sân trường. Niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì giáo viên chủ nhiệm thông báo K. có những biểu hiện khác thường so với bạn bè cùng lớp.

Vợ chồng anh Thành vội thu xếp công việc, đưa con đến kiểm tra tại bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM).

Cả 2 người như chết lặng khi bác sĩ thông báo K.bị rối loạn phổ tự kỷ. Những ngày sau đó là chuỗi ngày u ám, không ai nói với ai câu nào, gia đình vẫn chưa chấp nhận được sự thật.

“Giai đoạn học mẫu giáo là dễ dàng nhận biết nhất nhưng do quá bận đi làm mà cha mẹ quên mất phải theo dõi con. Một đứa trẻ vào trường mẫu giáo có những biểu hiện không giống những đứa trẻ bình thường khác thì phụ huynh nên đưa con đi bệnh viện kiểm tra ngay. Thời điểm vàng của trẻ là 2-3 tuổi, nếu phát hiện sớm sẽ can thiệp hiệu quả hơn.” - Anh Thành bày tỏ.

Nghĩ về tương lai của con, anh Thành biết mình không thể bỏ cuộc.

Gia đình bắt đầu lên kế hoạch can thiệp. Đó là những ngày hai vợ chồng tham gia các lớp học về trẻ tự kỷ, tham khảo các chuyên gia, tự làm khu vực can thiệp tại nhà cho con.

Với những trẻ tự kỷ, việc học giáo dục hòa nhập là điều rất khó khăn. Vợ chồng anh Thành mặc dù rất cố gắng phối hợp nhưng không phải trẻ nào cũng có thể theo học chương trình giáo dục hòa nhập. Anh Thành tâm tư:

“Tôi cũng đã cho con học hoà nhập tiểu học học lên đến lớp 4. Nhưng khi học hoà nhập chung, con tôi dạng tăng động nặng nên hoà nhập chung bé không tiến bộ. Thi cử với bé rất áp lực”

Sau những sự cố, từng có tiếng đổ vỡ, cãi nhau, rồi Những lần rơi nước mắt vì con, cả hai vợ chồng ngồi lại động viên nhau.

Gần 12 năm can thiệp cùng con, từ chỗ K.phải mất cả năm trời để đi xe đạp, trái ngọt bây giờ là tiếng gọi cha thân thương của K., là những buổi tối cả nhà nấu ăn cùng nhau. Quay sang đứa con đang chăm chỉ luyện từng động tác, anh Thành xúc động:

“Cha mẹ tập cho K. nấu ăn, hướng dẫn con cách cắt và chuẩn bị nguyên liệu, nấu những món ăn đơn giản. K. là đầu bếp chính, cha mẹ ở bên quay phim cho con và gửi những đoạn clip ấy qua giáo viên. Mỗi khi được thầy cô khen, K. thích lắm, nhờ vậy mà K. chăm chỉ tập luyện nhiều hơn”

Thời gian trôi qua, K. đã là chàng trai 17 tuổi cao lớn nhưng tâm hồn vẫn là một đứa trẻ.

Vừa là cha, vừa là thầy hướng dẫn, là người bạn đồng hành mọi lúc mọi nơi cùng K., anh Thành dần hiểu được suy nghĩ và tính cách của con.

“Con không giỏi thể thao nhưng con rất thích chơi thể thao. Con bơi rất khỏe, thậm chí có thể bơi 2 lần 1 ngày. Tôi không cần con học giỏi, biết tính toán những con số như những đứa trẻ khác. Mong ước đơn giản là con có thể tự chăm sóc, lo cho bản thân”.

Tuần thứ 5 tiến hành can thiệp tại nhà cho con, chị Phương ở Hà Nội (tên nhân vật đã được thay đổi) vỡ oà khi thấy bé V. tự mở quyển sách đọc to, rõ từng chữ.

Sau những cố gắng nỗ lực tập luyện cùng con, dù đó chỉ là một hành động nhỏ thôi nhưng đã giúp người mẹ trẻ có những tia hi vọng đầu tiên.

“Thời điểm tiến hành can thiệp tại nhà cho con, hằng ngày mẹ sẽ dùng một quyển sách và đọc cho con nghe tên các con vật. Mẹ chỉ nói một từ thôi như “bò”, “chó”, “thỏ”. Đến một ngày khi mẹ đang nghe điện thoại thì thấy con đang tự lấy quyển sách, mở đúng trang tập đọc và đọc lại những từ mẹ đã dạy. Đó là cột mốc đầu tiên và cả nhà như vỡ òa cảm xúc”.

Chỉ những việc đơn giản như không biết con ăn cơm mẹ nấu có ngon không?; hôm nay sức khỏe con thế nào?; con có muốn mẹ chơi cùng con hay không?...

Hàng trăm câu hỏi chạy đua trong đầu không thể giải mã khiến người mẹ có thời gian rơi vào trạng thái chán nản, tuyệt vọng.

Sau vài lần nhờ giáo viên can thiệp không thành công, chị Phương rẽ hướng sang can thiệp tại nhà.

“Thông qua sự hỗ trợ của một chuyên gia, mình sắp xếp lại không gian trong ngôi nhà. Từ phòng ngủ thiết kế thành phòng can thiệp đầu tiên, mua toàn bộ giáo cụ phù hợp với độ tuổi. Hằng ngày từ 19 giờ - 21 giờ, cả bố và mẹ sẽ can thiệp cùng con. Nói là can thiệp nhưng thực chất đây là khoảng thời gian sinh hoạt gia đình cùng nhau, bố mẹ sẽ dạy con học, con sẽ vui chơi cùng với bố mẹ”.

So với những đứa trẻ tự kỷ khác, hành trình can thiệp gần 3 năm không phải là thời gian dài, nhưng đối với chị Phương đây là khoảng thời gian nỗ lực quý giá của cả gia đình. Rất may mắn, bé V. là một trong những trường hợp được phát hiện và can thiệp sớm. Do đó việc V. có thể học chương trình giáo dục hòa nhập cùng với các bạn là niềm hạnh phúc rất đặc biệt.

Từ một đứa trẻ không phản ứng khi ai đó gọi tên mình, tránh giao tiếp bằng mắt, thích ở một mình,... giờ đây đứa con bé bỏng của chị Phương đã có thể nô đùa, vui chơi cùng các bạn trong lớp mầm non gần nhà.

“Đến bây giờ con đã 4 tuổi rưỡi, con đã có rất nhiều tiến bộ. Đi học đã có thể giao tiếp cùng cô và các bạn. Đa số là giao tiếp các câu đơn. Một số trường hợp con suy nghĩ được nhưng không tự nói ra, phải nhờ mẹ hỗ trợ nói 1,2 từ đầu để con có động lực. Đó là thành quả rất to lớn của gia đình và của con”.

Nếu không có sự hỗ trợ của cha mẹ, cơ hội trưởng thành của trẻ tự kỷ rất mong manh. Nhưng sự kiên nhẫn của cha mẹ, cũng có những giây phút nản lòng khi con bước vào môi trường hoà nhập đầu tiên.

Liệu những người xung quanh có nhìn nhận chứng tự kỷ như một khả năng khác biệt chứ không phải là một khiếm khuyết? Câu hỏi đó, luôn là nỗi băn khoăn những bậc làm cha, làm mẹ.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, TP có 33 đơn vị giáo dục đặc biệt, trong đó có 21 đơn vị công lập (bao gồm 3 Trung tâm và 18 trường chuyên biệt) và 12 đơn vị ngoài công lập (bao gồm 6 trung tâm và 6 trường chuyên biệt), đang hỗ trợ hơn 1877 em học sinh khuyết tật.

Số lượng trẻ khuyết tật học hoà nhập tại các trường tiểu học hiện đạt con số 5071 em, phân bố trên 467/570 cơ sở giáo dục tiểu học và nhiều học sinh khuyết tật học hoà nhập chưa có hồ sơ cá nhân. Trong đó, trẻ tự kỷ trong độ tuổi đi học chiếm khoảng 224 em

Những ngày dài trông chờ con gọi tiếng “Mẹ ơi”, “Ba ơi” khiến chị Thảo ở Hà Nội (tên nhân vật đã được thay đổi) bắt đầu có những linh cảm không tốt về tình trạng của con.

Khi con tròn 20 tháng tuổi, qua khám sàng lọc và chẩn đoán chị Thảo hiểu con trai của mình đã bị tự kỷ khi có dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ và kỹ năng vận động.

Không suy sụp, không tuyệt vọng, chị Thảo đón nhận với một tâm thế khác.

“Trong số những bà mẹ không may có con bị tự kỷ, mình có thể được xem là người khá lạc quan bởi vì bé nhà mình khá ngoan. Điều mình buồn duy nhất chỉ là tương lai sau này của con”

Mặc dù vậy, việc chăm sóc một đứa trẻ tự kỷ có những khó khăn mà không thể chia sẻ hết.

Bước vào tuổi dậy thì, A. bắt đầu cáu giận, khó kiểm soát cảm xúc và hành vi nhiều hơn. “Thần chú” để trấn an con lúc lúc này chính là câu “Mẹ yêu con” được lặp đi lặp lại, có khi kéo dài hàng giờ đồng hồ.

“Trẻ tự kỷ hay trẻ bình thường khá giống nhau ở điểm các con biết chọn ai để mình tin tưởng. Những lúc con “bùng nổ” mình cứ ôm con vào thôi. Mình biết chắn chắc bạn sẽ vùng vẫy thậm chí là đạp mình thật đau nhưng mình vẫn ôm con thật chặt và luôn miệng nói “mẹ yêu con”, “ mẹ yêu con,… cho để khi con dịu người lại”

Khoảng thời gian 2 năm học hòa nhập tại trường Tiểu học, A. được thầy cô và bạn bè rất yêu mến. Với chị Thảo, đây là khoảng thời gian con học được nhiều điều bổ ích nhất. Mỗi buổi sáng đều có bạn đứng trước cổng trường chờ đón con vào lớp. Con biết tự ăn cơm, tự đi vệ sinh và chào mẹ mỗi khi đi học về.

“Sự bức bối ở trong con nhiều khi phải giải tỏa lên mình. Dù bạn ấy bấu vào tay mình thật đau mình cũng không giận. Vết thương trên tay dù dài thì chỉ cần một thời gian là lành, nhưng sự bức bối của bạn ấy thì vẫn chưa thể tìm được lời giải”

Mỗi khi con nói được một câu rành mạch, người mẹ hạnh phúc như muốn cho cả thế giới biết đến về con trai nghị lực của mình, bỏ qua mặc cảm, tự ti khi những ông bố bà mẹ khác tự hào khoe thành tích, bảng điểm của con...

Bí quyết để chị Thảo luôn lạc quan chính là việc không chỉ nhìn vào khiếm khuyết của con, bởi ngay cả người không mắc chứng tự kỷ cũng không hoàn hảo.

Và điều quan trọng hơn, dù con có cách suy nghĩ khác nhưng con có khả năng học hỏi và chỉ cần thời gian để tiến bộ từng ngày.

Hy-vong

Là một trong những chuyên gia hàng đầu về giáo dục đặc biệt và chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, Thạc sĩ Trần Phương Dung cũng đã trải qua cảm giác của người mẹ có con gặp khó khăn trong giai đoạn phát triển đầu đời. Bao đau đớn, tổn thương và thậm chí là sự trách móc bản thân đè nặng lên trái tim người mẹ trẻ lúc ấy.

Bà gần như phải hy sinh, buông bỏ công việc một thời gian và tập trung kết nối lại với con mình. 1% hy vọng cũng là hy vọng: “Chuyển lên giai đoạn cấp 2, đa phần đến bước chuyển đó là cha mẹ rất khủng hoảng và khủng hoảng của cha mẹ sẽ chuyển hóa qua khủng hoảng của con. Cha mẹ lo lắng thì con cũng sẽ lo lắng. Nếu phụ huynh vững vàng thì trẻ cũng sẽ vững vàng”.

Theo thạc sĩ Phương Dung, giáo dục hoà nhập là mô hình có lợi cho trẻ tự kỷ và trẻ em nói chung, bởi nếu được thực hiện tốt, đó sẽ là môi trường rèn cho trẻ em sự bao dung, lòng nhân ái, sự chia sẻ, nhất là đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non - lứa tuổi vàng để hình thành nhân cách.

Vừa là người mẹ, là chuyên gia, bà đúc kết rằng, trong phương pháp giáo dục hoà nhập, muốn hiệu quả cần có sự nỗ lực và phối hợp ăn ý giữa gia đình, nhà trường, chuyên gia.

“Hòa nhập giống như con dao hai lưỡi, nếu mình làm đúng và có những mô hình chuẩn sẽ thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ rất nhanh. Ngược lại, chỉ cần sai một nhịp cũng để lại những hậu quả đáng tiếc”.

Mỗi trẻ tự kỷ đều có khả năng và khó khăn khác nhau. Cha mẹ, giáo viên, gia đình, nhà trường, xã hội cần hiểu về những khó khăn này để có thể chấp nhận, hỗ trợ những khó khăn và cư xử đúng cách với trẻ.

Những việc này chính là thách thức, vì không phải ai cũng hiểu về những khó khăn và chấp nhận những hạn chế của trẻ, kể cả những bậc phụ huynh.

Đối với nhiều trẻ tự kỷ chưa được can thiệp sớm, trường học hoà nhập có thể khó khăn hơn nhiều so với bất kỳ môi trường nào vì những lý do mà thậm chí mọi người không bao giờ hiểu hết được.

Thực hiện 800 giờ phỏng vấn trẻ tự kỷ trưởng thành, trong đó có nhiều trẻ lúc nhỏ không thể bật âm, Tiến sĩ Marlo Payne Thurman, chủ tịch Hiệp hội Tự kỷ Mỹ nhìn nhận, trẻ tự kỷ phải đối mặt với những thách thức về giác quan đến từ nhiều khía cạnh của cuộc sống thường ngày, như âm thanh tiếng chuông hội trường, tiếng vọng của phòng tập thể dục, ánh sáng từ đèn huỳnh quang, quạt trần quay đều...

Bởi vậy, những quan điểm về tiêu chuẩn học tập và tương tác xã hội bình thường không thực sự phù hợp với trẻ tự kỷ.

“Việc cho rằng những người tự kỷ kém thông minh và chậm phát triển cũng khiến cho họ bị cô lập, tự nhiên sẽ tạo ra những rào cản và bức tường ngăn cách “Chúng tôi và họ”. Người tự kỷ gặp khó khăn để hiểu tại sao sự khác biệt lại không tốt và khiến họ không thể học tập, hoạt động được bình thường. Họ đặt ra câu hỏi: Tại sao tất cả những gì ở trường học dường như đang “quay lưng” lại với họ?”- Tiến sĩ Marlo Payne Thurman phân tích.

Trên 20 năm gắn bó với trẻ tự kỷ, cô giáo Ngọc Thuỷ (TP. Thủ Đức) không thể diễn tả hết những niềm vui, nỗi buồn của mình. Từ ngày đầu tiên chứng kiến những đứa trẻ bật âm, cho đến lúc tạm biệt các con ra trường, trong lòng cô Thuỷ vẫn luôn canh cánh một nỗi lo về con đường phía trước của các con.

Từ cô bảo mẫu ngày nào lo cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ; cho đến một giáo viên trường chuyên biệt, suốt nhiều năm tháng, cô vừa dạy, vừa học, vừa nghiên cứu các tài liệu về các mô hình giáo dục hiệu quả cho trẻ tự kỷ.

Kể cả cho đến lúc sắp về hưu, cô Thuỷ vẫn tham gia một lớp võ Aikido để hiểu thêm về “tâm vận động” và mong muốn làm được nhiều điều hơn cho những học sinh đặc biệt của mình.

“Tôi cảm thấy buồn nhất là khi nhìn thấy trẻ có tiềm năng nhưng không được can thiệp sớm. Những gia đình có con như vậy, họ không chấp nhận sự thật và để thời gian trôi qua. Đó là thời gian vàng. Khi các con đến với tôi, đã 3-4 tuổi rồi. Thời gian mất đi là 2 năm. Nếu được can thiệp sớm hơn, cả cô và trò sẽ đỡ vất vả hơn bước vào môi trường giáo dục hoà nhập”.

Tại một trường THCS trên địa bàn huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh, câu chuyện giáo dục hoà nhập tưởng như sẽ nhẹ nhàng hơn.

Thế nhưng, vô vàn những áp lực vẫn đến với cô giáo trẻ N.Th. khi trong lớp cô chủ nhiệm vẫn có em mà phụ huynh từ chối làm xác nhận khuyết tật cho con.

Năm lần bảy lượt thuyết phục phụ huynh, nhưng điều mà giáo viên bộ môn và cô N.Th. nhận được chỉ là những phản ứng gay gắt, kể cả khi đứa trẻ hàng ngày đến trường vẫn có những biểu hiện khác thường.

“Nếu có giấy xác nhận thì đỡ, nhưng không có giấy xác nhận, khi mình chấm bài kiểm tra, em không làm được gì cả, nhưng mình lại không nỡ cho em điểm 0. Còn nếu có giấy xác nhận từ bệnh viện, em sẽ được làm đề trắc nghiệm riêng, phù hợp với khả năng của em. Có một trường hợp, con học từ lớp 1 đến lớp 5 có biểu hiện tự kỷ rồi, nhưng phụ huynh vẫn không chấp nhận. Đến khi lên lớp 6, các em thậm chí còn không thể viết ra chữ. Khi cô giáo trao đổi với phụ huynh, phụ huynh vẫn khẳng định con họ bình thường và phản ứng với giáo viên”.

Việc giáo dục hoà nhập cho trẻ tự kỷ, theo cô N.Th. phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự bao dung, đồng cảm, kiên trì của các giáo viên đối với những hành vi được coi là “khác thường” của các em. Bản thân cô N.Th. được học về tâm lý sư phạm nhưng bấy nhiêu thôi chưa đủ để hỗ trợ, đồng hành cùng trẻ tự kỷ.

“Nếu rơi vào lớp mà các bạn học sinh có ý thức tốt, cô giáo nói chuyện riêng với cả lớp để cả lớp thông cảm và giúp đỡ, thì bạn đó tiến bộ lên rất nhiều. Nhưng có mấy bạn bị rất nặng, chỉ đi vòng vòng trong trường rồi la hét, các bạn còn lại có thể cô lập bạn đó và sẽ làm cho tình trạng của bạn trở nên tệ hơn...”.

Thạc sĩ giáo dục đặc biệt Cao Thu Hằng, Giám đốc phụ trách chuyên môn của Hệ thống Trung tâm Âm ngữ trị liệu Happy House, Giám sát viên lâm sàng Âm ngữ trị liệu nhi là một người mẹ có con mắc chứng tự kỷ.

Hành trình bao nhiêu năm tháng hiểu và chấp nhận con, vừa làm mẹ, vừa làm cô giáo “đặc biệt” của con, bà Hằng tâm sự, những người mẹ phải lặng thầm kiên trì và nỗ lực, nhưng có lúc cảm xúc rơi vào trạng thái “đồ thị hình Sin”.

Chứng kiến và trải nghiệm cảm giác chật vật chọn trường cho con theo học hoà nhập, bà Hằng cho rằng, còn nhiều thách thức ở môi trường giáo dục hoà nhập:

“Hiện nay, ở Việt Nam, chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhưng chưa có một chương trình thay đổi hoặc cải tiến để phù hợp với trẻ tự kỷ. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng chưa đủ mặc dù đã có cải thiện. Vẫn còn rất nhiều gia đình không khuyến khích con em mình chơi hoặc kết bạn với trẻ tự kỷ”.

Bà Cao Thu Hằng nhấn mạnh, để trẻ tự kỷ hoà nhập tốt cần áp dụng phương pháp trực quan, sử dụng hình ảnh và hỗ trợ đa giác quan cho trẻ; đặt một mục tiêu, kế hoạch cụ thể để khuyến khích trẻ hoàn thành và quan trọng nhất là sự hợp tác chặt chẽ với gia đình, đặc biệt là sự chấp nhận, chia sẻ, thấu cảm của phụ huynh.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Trần Phương Dung, chuyên gia giáo dục đặc biệt đồng cảm với hành trình gian nan bên con, giúp con sẵn sàng đi học, bước vào môi trường hoà nhập của phụ huynh.

Tuy nhiên, thách thức đến từ quan điểm về giáo dục hoà nhập vẫn còn nhiều cách hiểu chưa đúng.

“Trong môi trường hoà nhập, muốn thành công thì trẻ phải được hoà nhập đúng chứ không phải “ấn nhập”. Bản chất của hoà nhập theo các mô hình trên thế giới là môi trường phải thay đổi để phù hợp với đứa trẻ, chứ không phải là bắt đứa trẻ phải phù hợp với môi trường” - Thạc sĩ Phương Dung bày tỏ quan điểm.

Bà Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam - mạng lưới toàn quốc đầu tiên về tự kỷ do các cha mẹ điều hành trong 10 năm qua thẳng thắn nhìn nhận, việc trẻ học hoà nhập ở một số trường chỉ có trên danh nghĩa, thực chất việc hỗ trợ hoà nhập không có nên hiệu quả thấp.

Cha mẹ cho con học hoà nhập phải nỗ lực dạy con rất nhiều và trẻ rất khá mới có thể theo được việc học. Đó là lý do mà ở cấp học càng cao, trẻ học hoà nhập thường có xu hướng giảm. Người mẹ có con tự kỷ, cũng là người sáng lập một trường giáo dục chuyên biệt ở quận Bình Thạnh (TPHCM) nói về những thách thức:

“Nhà nước năm nào cũng tốn kinh phí để mở nhiều khóa tập huấn cho giáo viên mầm non, tiểu học về trẻ khuyết tật và giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật nói chung, trẻ tự kỷ nói riêng nhưng hiệu quả không cao vì rất khó để thực hiện. Giáo viên giỏi chuyên môn nhưng sĩ số học sinh trong một lớp quá đông thì không thể hỗ trợ trẻ hòa nhập tốt được. Hàng năm, các trường có khoa giáo dục đặc biệt đều ít người học, ra trường cũng ít người trụ lại với nghề. Nhiều giáo viên hiện nay là từ các ngành khác, tự đào tạo hoặc được đào tạo, nghề dạy nghề, thiếu giáo viên được đào tạo bài bản, chuyên sâu”.

Những mạng lưới gia đình có con tự kỷ là cần thiết, đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia. Tại Việt Nam, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) ra đời vào ngày 30/8/2013, với sự hỗ trợ thành lập của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam, Liên Hiệp Hội về Người khuyết tật Việt Nam. VAN hoạt động với sứ mệnh sứ mệnh đại diện cho quyền lợi của người tự kỷ, hướng tới mục đích người tự kỷ có cuộc sống tốt đẹp, trong một cộng đồng thân thiện, chia sẻ, chấp nhận sự khác biệt.

Tuy nhiên, tròn 10 năm thành lập, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam cũng có những hạn chế khi khó khăn về kinh phí, nhân sự điều hành và hiện cũng không có sự hỗ trợ thường xuyên của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo quy định của pháp luật, tự kỷ đang được xếp trong dạng Khuyết tật khác mà không được phân vào cụ thể dạng tật nào. Điều này dẫn đến những khó khăn đặc thù của tự kỷ không được hiểu đúng, khó phân hạng, khó có những hỗ trợ đúng cách và phù hợp với tự kỷ.

Phóng viên VOVGT đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (nay là Cục Trẻ em), chuyên gia bảo vệ trẻ em về vấn đề này.

Hoi-dap-01

Hoi-dap-02

Hoi-dap-03

Hoi-dap-04

Mời độc giả đón đọc kỳ 2 với nhan đề: Để trẻ tự kỷ hòa nhập không là "chuyện gia đình" vào ngày 5/9.

---

Nội dung: Hồng Lĩnh - Xuân Nguyễn

Thiết kế: Quang Huy