Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Để trẻ tự kỷ hòa nhập không là Để trẻ tự kỷ hòa nhập không là
Hồng Lĩnh - Xuân Nguyễn   •   8:57 05/09/2023

Hôm nay (5/9), hàng chục triệu học sinh đã bước vào năm học mới. Nhưng, có những trẻ tự kỷ vẫn phải “đứng ngoài cổng trường”... Lựa chọn để con bước vào một môi trường giáo dục hòa nhập thực sự là lựa chọn đầy khó khăn, giằng xé nội tâm với những gia đình có con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.

Mỗi trẻ tự kỷ đều có khả năng và khó khăn khác nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu về những khó khăn và chấp nhận những khác biệt của trẻ, kể cả phụ huynh và những người làm công tác giáo dục.

Sau bài viết “Những đứa trẻ khác biệt theo cách của chúng”, VOV Giao thông đã nhận được rất nhiều chia sẻ, tâm tư, nỗi lòng và ý kiến đề xuất của các phụ huynh có con tự kỷ.

Xin được trích đăng trong bài viết này...

icon

Trẻ tự kỷ giống như một chiếc hộp bí mật bất ngờ mà mọi thứ diễn ra khác với sự mong đợi của cha mẹ. Nhưng giống như một đứa trẻ bình thường, trẻ tự kỷ cũng cần có động lực để hướng đến kế hoạch hay mục tiêu nào đó trong cuộc đời.

Đôi lúc, cha mẹ phải chọn một con đường vòng để đồng hành và giúp con làm những việc đơn giản, độc lập như một người trưởng thành.

>>> Những đứa trẻ khác biệt theo cách của chúng

Tự kỷ là khuyết tật có tỷ lệ mắc rất cao hiện nay, và nguyên nhân không nằm ở cách nuôi dạy của cha mẹ. Bởi vậy, cần làm những tầm soát, sàng lọc để phát hiện sớm, từ đó can thiệp sớm cho trẻ để giúp ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ dẫn tới trẻ chậm phát triển hoặc rối loạn chức năng. Mặc dù việc can thiệp sớm, khoa học và đúng cách là quyền lợi của trẻ tự kỷ, nhưng việc này hiện lại đang phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, người chăm sóc.

Gần 1 năm nay, Chị Mai (tên nhân vật đã được thay đổi) kiên trì đưa con đến Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) điều trị.

Lúc con gái thứ hai 18 tháng tuổi, chị phát hiện con có biểu hiện chậm nói, ngại giao tiếp và không phản ứng khi gọi nên đã đưa con đi khám. Bác sĩ kết luận con chị bị rối loạn phổ tự kỷ. Tháng 12/2022, chị quyết định can thiệp cho con. Những ngày chới với, khó khăn như đang thử thách người mẹ.

“Ban đầu tiếp xúc với mọi người, ngay cả với mẹ, cháu không nhìn vào mắt. Trong ăn uống, cháu cũng khó, hay ngửi, hay sờ, nhất là gặm cắn tất cả mọi thứ trong tầm tay. Trong 2 tháng đầu đến can thiệp tại bệnh viện, cháu tiến bộ rất nhanh, nhất là trong giao tiếp như chịu nhìn mắt người khác, gọi có quay lại, biết bắt chước. Cháu cũng có thể tự làm một số việc cá nhân, biết đòi đi vệ sinh, biết từ chối... Nhưng vẫn chưa thể nói được lời nào đến tận bây giờ”.


Vừa cho con học can thiệp tại bệnh viện, vừa cho con theo học tại một trường mầm mon tư thục, nhưng trong lòng chị Mai chưa bao giờ hết lo lắng. Lo con thui thủi một mình trong lớp mầm non; lo không ai hiểu con, và lo nhất là các bạn trêu chọc, cô lập con.

Những áp lực đó dồn nén lên trái tim người mẹ, nhưng chị chẳng thể chia sẻ cùng ai, và càng không thể đổ những áp lực đó lên đứa con non nớt còn chưa gọi được một tiếng “Mẹ!”.

“Khi đi chơi với các bạn cũng thấy xót xa cho con mình. Nhất là các giờ học tiếng Anh, thầy dặn các bạn lặp lại, hay khi đọc một bài thơ, cháu không hiểu gì, không phản ứng. Mình xem camera mình thấy tội cho con mình”.

Tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.Hồ Chí Minh, trẻ có có biểu hiện chậm phát triển hiểu, rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển ngôn ngữ.... đang được những chuyên viên điều trị tích cực bằng công cụ trực quan là những chiếc đồng hồ đặc biệt, các khối gỗ nhiều màu sắc... với trò chơi cũng rất đặc biệt - trò chơi bắt chước, luân phiên, tương tác, đưa ra yêu cầu…

Phần thưởng dành cho trẻ là những lời khuyến khích, động viên, stickers, đồ chơi trẻ yêu thích.

Trong quá trình can thiệp cho trẻ tự kỷ, phụ huynh có thể ngồi bên cạnh con để tiếp nhận và áp dụng các phương pháp can thiệp trong môi trường tự nhiên ở tại nhà.

Thạc sĩ Hoàng Văn Quyên, Phó Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi đồng 1, Giảng viên Âm ngữ trị liệu - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Nhà đào tạo tầm soát trẻ có nguy cơ tự kỷ cho biết, rối loạn phổ tự kỷ Autism Spectrum Disorders (ASD) không phải là bệnh mà là dạng rối loạn phát triển khuyết tật giao tiếp suốt đời.

Trong những năm đầu đời, đặc biệt là dưới 5 tuổi, việc can thiệp sớm và toàn diện cho trẻ tự kỷ để uốn nắn hành vi, phát triển ngôn ngữ, phát triển kỹ năng tương tác, giao tiếp và chơi đùa đóng một vai trò hết sức quan trọng.

“Trong mô hình can thiệp sớm và toàn diện, đòi hỏi cha mẹ phải phát hiện càng sớm càng tốt. Điều đầu tiên, các bé phải được cha mẹ đón nhận, chấp nhận sự khác biệt, sự chậm trễ. Bởi khi can thiệp sớm thì phải tầm soát sớm cho đứa bé chứ không phải 3 tuổi như trước đây chúng ta vẫn nghĩ. Hiện các công cụ thực hiện tầm soát như MCHAT và STAT đã tầm soát ở ngay khi bé 12 tháng tuổi. Sau đó, việc chẩn đoán cho các bé với sự tham gia của bác sĩ tâm lý, bác sĩ nội thần kinh, bác sĩ nhi khoa đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên việc phát hiện, tầm soát, chẩn đoán không được bỏ qua bước khám lâm sàng và quan sát lâm sàng, nghe phụ huynh phản hồi về con của họ...”

Thạc sĩ Hoàng Văn Quyên từng gặp những trẻ bị trường mầm non từ chối với lý do không có khả năng hoà nhập bởi không được can thiệp sớm. Nhưng ít ai hiểu, cha mẹ là người đóng vai trò quan trọng nhất trong hướng hỗ trợ can thiệp cho con chứ không phải các nhà chuyên môn.

Nhưng cha mẹ cần có nhà chuyên môn dẫn dắt từng giai đoạn phát triển của trẻ.

“Phụ huynh có điều kiện hay không có điều kiện, có thời gian hay không có thời gian, thì nhà chuyên môn cũng có trách nhiệm giải thích cho phụ huynh hiểu rằng vai trò của phụ huynh là cực kỳ quan trọng trong quá trình can thiệp, đồng hành cùng con của họ. Bởi rối loạn phổ tự kỷ là khuyết tật suốt cuộc đời chứ không phải là một bệnh lý mà mình có thể can thiệp một năm, hai năm là hết. Ai sẽ là người đồng hành cùng con họ từ bé, cho đến trưởng thành - chỉ có phụ huynh mà thôi!”

Việc can thiệp cho trẻ tự kỷ, ngay cả khi can thiệp sớm, không phải là đưa đứa trẻ tới bệnh viện, tới trung tâm hay các trường chuyên biệt để can thiệp là tốt mà nhiều nghiên cứu của các chuyên gia đã chỉ ra rằng, phụ huynh can thiệp cho con tại nhà trong môi trường tự nhiên mang lại hiệu quả cao.

Môi trường tự nhiên là gì? Thạc sĩ Hoàng Văn Quyên chỉ ra:

“Khi can thiệp trong môi trường tự nhiên là can thiệp 5 hoạt động chức năng hàng ngày mà một đứa bé bình thường đều phải có đó là ăn uống, ngủ, vệ sinh, chơi và học. Điều này bắt buộc nhà chuyên môn phải huấn luyện từng chủ đề một, từng hoạt động một trên các công cụ trực quan để phụ huynh áp dụng tại nhà cho đứa bé. Đây là phương pháp thế giới đang áp dụng cho trẻ có nguy cơ tự kỷ hoặc trẻ được chẩn đoán là rối loạn phổ tự kỷ”.

Đề cập đến những khó khăn mà phụ huynh gặp phải như thời gian, chi phí can thiệp, thạc sĩ Hoàng Văn Quyên chia sẻ:

“Nếu phụ huynh nói với chúng tôi không sắp xếp được thời gian, thì có thể sắp xếp ngày phép trong năm nào đó đăng ký lịch với chúng tôi để chúng tôi huấn luyện cho phụ huynh. Nếu khó khăn không có tiền đóng phí, phụ huynh cũng có thể theo con đường bảo hiểm y tế bởi bảo hiểm y tế cũng chi trả cho dịch vụ can thiệp cho trẻ tự kỷ. Còn lý do về điều kiện nhà xa, phụ huynh có thể hy sinh 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần ngày công để các chuyên viên tập huấn và có thể can thiệp cho con tại nhà trong môi trường tự nhiên, 3 tháng tái khám một lần và sau đó có thể tìm các trường mầm non hoà nhập cho trẻ”.

Dành nhiều tình yêu thương cho trẻ tự kỷ, thạc sĩ Quyên ví von, trẻ rối loạn phổ tự kỷ đi khám bệnh thường không có “toa thuốc” đi kèm. “Toa thuốc” của trẻ chính là những công cụ trực quan và các chiến lược hỗ trợ trẻ để phụ huynh biết cách can thiệp tại nhà. Và dù là mô hình nào thì mỗi cha mẹ cần nỗ lực để trở thành người bạn đồng hành, người hướng dẫn, người thực hành can thiệp trị liệu cho con là tốt nhất.

Tuy nhiên, một thực tế là cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có các công bố chính thức các biện pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ có căn cứ khoa học trên cổng thông tin điện tử của các bộ ngành về y tế, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và bảo vệ trẻ em.

Nguồn: Báo cáo Khuyến nghị chính sách Dự án “Quản lý điều trị, giáo dục trẻ tự kỷ: Khuyến nghị lập pháp qua khảo sát thực trạng tại Hà Nội, Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ trì đề tài: Ông Ngô Bạch Dương - Trung tâm Tư vấn pháp luật, Viện Nhà nước và pháp luật. Ông cũng là một phụ huynh có con rối loạn phổ tự kỷ.

Nguồn: Báo cáo Khuyến nghị chính sách Dự án “Quản lý điều trị, giáo dục trẻ tự kỷ: Khuyến nghị lập pháp qua khảo sát thực trạng tại Hà Nội, Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ trì đề tài: Ông Ngô Bạch Dương - Trung tâm Tư vấn pháp luật, Viện Nhà nước và pháp luật. Ông cũng là một phụ huynh có con rối loạn phổ tự kỷ.

Một chương trình học tập hay một công việc như thế nào được coi là phù hợp với trẻ tự kỷ để cha mẹ có thể an tâm vững vàng về tương lai của con mình?

Và làm thế nào để các bậc cha mẹ và thầy cô hỗ trợ xây dựng được một cộng đồng nhỏ dành cho các em học sinh hoà nhập nhằm cùng nhau học tập và phát triển bản thân, định hướng mục tiêu hướng nghiệp sau này theo cách mà các em có thể?

Minh (tên nhân vật đã được thay đổi) hiện là tình nguyện viên tại một trường giáo dục chuyên biệt ở quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Minh tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM. Ước mơ của Minh là được trở thành một thủ thư. Nhưng Minh đối mặt với những khó khăn cốt lõi mà đa phần người tự kỷ gặp phải - đó chính là thiết lập mối quan hệ xã hội.

Công việc không thuận lợi, gia đình Minh gửi cậu đến đây để cậu có nơi giao tiếp với mọi người. Nhưng kỳ thực, mọi chuyện đã thay đổi khi Minh tiếp xúc với các em có tuổi thơ giống mình.


Bà Phạm Thị Kim Tâm - Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, người biết đến câu chuyện của Minh, chia sẻ:

“Công việc của bạn ấy là trông trẻ tập chạy bộ thì bạn làm rất tốt và phù hợp với khả năng của bạn. Bạn là người duy nhất có thể nhớ được bạn nào chạy rồi, bạn nào chưa và chạy đủ thời gian theo yêu cầu của thầy cô hay chưa”.

Thạc sĩ TESOL Ngô Thị Việt Tâm, chuyên gia tư vấn giáo dục hoà nhập và hỗ trợ học tập tại các trường học đã có 15 năm làm công việc hỗ trợ kỹ năng cho trẻ tự kỷ và cả những học sinh có nhu cầu học tập đặc biệt. Chị cũng luôn bận rộn với vai trò là huấn luyện viên sức khoẻ tinh thần.

Theo thạc sĩ Việt Tâm, những chương trình giáo dục hiện tại chưa thực sự phù hợp với trẻ tự kỷ. Chìa khoá của vấn đề nằm ở hai từ “thích nghi”.

“Trong chương trình của các cấp học Tiểu học, THCS, THPT, khi trẻ tự kỷ tham gia vào một môi trường hoà nhập, đòi hỏi nhiều sự thích nghi, thay đổi của phụ huynh cũng như giáo viên để đáp ứng nhu cầu cá nhân của các bạn”.

Với vai trò là một giáo viên hỗ trợ, chị Tâm luôn băn khoăn liệu chương trình học hiện tại có giúp được gì cho các bạn tự kỷ hay không? Chị cũng gặp không ít thử thách để đáp ứng và giúp đỡ trẻ tự kỷ theo kịp được bạn bè. Thử thách đó khiến chị áp lực và phải xoay sở với sự khác biệt của trẻ tự kỷ trong một cảm giác không dễ chịu một chút nào.

Và rồi, chị đã có cơ duyên đến với 3 ngày huấn luyện của chương trình Vận động viên lãnh đạo được triển khai bởi tổ chức Special Olympics - tổ chức hỗ trợ việc tập luyện và thi đấu quanh năm với nhiều môn thể thao tương tự các môn thi đấu tại Thế vận hội Olympics, dành cho trẻ em và người lớn thiểu năng trí tuệ.

“Lúc đó, mình mới vỡ oà ra và thấy rằng, ở đâu đó ngoài chương trình học thông thường, các bạn còn có thể học được rất nhiều kỹ năng mềm. Các bạn có thể nói lên tiếng nói của mình, có thể tự tin lựa chọn môn học mà mình yêu thích. Và có những cộng đồng làm việc với nhau với những mentor (người hỗ trợ)”. Quan trọng nhất là bản thân các con thấy được vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn trong quá trình con được học. Vì đó là quyền được học theo khả năng và năng khiếu của các con”.

Cơ duyên đó đã giúp chị Tâm tìm cho mình một con đường riêng để thấu cảm trẻ tự kỷ và thiết kế các chương trình chuẩn bị cho trẻ tự kỷ hoàn thiện kỹ năng sống độc lập, các kỹ năng liên quan đến thực hành nghề, tương tác xã hội với những người xung quanh. Câu lạc bộ “Chuyển tiếp trưởng thành” ra đời.

“Từ một giai đoạn bạn không thể nào đáp ứng được một chương trình học tại trường nữa thì có một tiếng gọi từ trong tim mình, thôi thúc mình đáp ứng nhu cầu của các bạn. Ví dụ như các bạn sẽ được học để hiểu về sức khoẻ của mình, hiểu về sự an toàn, chế độ dinh dưỡng, hay phát triển bản thân, quản lý cảm xúc, hành vi, làm chủ một ngày, đi sâu vào ứng xử các mối quan hệ, hướng nghiệp thông qua trải nghiệm nhiều ngành nghề khác nhau để khai mở tiềm năng, phục vụ cho xã hội sau này...”

Với chị Tâm, việc đón nhận và chấp nhận sự khác biệt của trẻ tự kỷ giống như một phép màu. Phép màu đó có thể giúp trẻ tự kỷ kết nối được bình an, tìm thấy được hạnh phúc, động lực trong nội tâm của mình và từ đó hình thành động lực tự thân phát triển cuộc đời chính mình sau này...

Nhiều năm kinh nghiệm làm việc với trẻ tự kỷ, Thạc sĩ Hoàng Văn Quyên, Phó Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi đồng 1 tâm tư, không phải phụ huynh nào cũng thực sự kiên nhẫn mong đợi con họ bước lên những nấc thang từng chút, từng chút một và độc lập trong sinh hoạt hàng ngày.

Cũng có phụ huynh đặt kỳ vọng làm thế nào bác sĩ can thiệp để trẻ trở lại bình thường, đi học bình thường và giao tiếp được như những đứa trẻ khác bình thường cùng trang lứa. Nhưng với trách nhiệm của một nhà chuyên môn, ông chia sẻ:

“Làm sao cho đứa trẻ tự chơi được với các bạn, với moi người,biết đưa ra nhu cầu để giao tiếp, có khả năng học được một kỹ năng nào đó trong cuộc sống hằng ngày đơn giản như chiên trứng ốp-la, phơi áo quần, xếp áo quần bỏ vào đúng vị trí, làm bếp.... Có những trẻ không có khả năng tiếp tục học Đại học, cũng không thể tốt nghiệp THPT, tôi sẽ định hướng cho cha mẹ hỗ trợ dựa vào điểm nào mạnh nhất của trẻ. Ví dụ, một số em có khả năng về thể thao thì cha mẹ có thể thuê huấn luyện viên dạy thể thao để trẻ có cơ hội thi đấu ở đấu trường trong nước và quốc tế; hay trẻ có thể học làm bếp để phục vụ cho bản thân mình và gia đình, hay cũng có thể học pha chế, lễ tân.... Những công việc lặp đi lặp lại đó sẽ phù hợp với các em tự kỷ nặng”.

Nguồn: Báo cáo Khuyến nghị chính sách Dự án “Quản lý điều trị, giáo dục trẻ tự kỷ: Khuyến nghị lập pháp qua khảo sát thực trạng tại Hà Nội, Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ trì đề tài: Ông Ngô Bạch Dương - Trung tâm Tư vấn pháp luật, Viện Nhà nước và pháp luật. Ông cũng là một phụ huynh có con rối loạn phổ tự kỷ.

Nguồn: Báo cáo Khuyến nghị chính sách Dự án “Quản lý điều trị, giáo dục trẻ tự kỷ: Khuyến nghị lập pháp qua khảo sát thực trạng tại Hà Nội, Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ trì đề tài: Ông Ngô Bạch Dương - Trung tâm Tư vấn pháp luật, Viện Nhà nước và pháp luật. Ông cũng là một phụ huynh có con rối loạn phổ tự kỷ.

Những ngày thực hiện hai loạt bài “Những đứa trẻ khác biệt theo cách của chúng” và “Để trẻ tự kỷ hòa nhập không là "chuyện gia đình", chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp đặc biệt. Họ đều có một mẫu số chung là “yêu thương”.

Cha mẹ bằng tình yêu thương để tập trung phát triển vào những điểm con có thể làm thay vì những gì con không thể - để chấp nhận, để thấu cảm và tự hào về con. Thầy cô dùng tình yêu thương để giúp trẻ tự tin, tiến bộ từng chút mỗi ngày mặc dù vẫn còn rất nhiều những áp lực.

Gần 20 năm qua, lớp học Akido của võ sư Thanh Loan luôn đều đặn sáng đèn để dạy cho những trẻ bị tự kỉ. Có trẻ chỉ mới 4,5 tuổi nhưng cũng có “trẻ” đã ngoài 40.

Vì tính tình dễ cười, hay khóc mà võ sư U80 ví von học trò là những hạt nắng, hạt mưa đáng yêu do ông trời ban tặng.

“Akido là môn võ học của tình thương, lấy tình thương làm tinh thần, lấy hòa hơp làm phương châm, lấy khí lực làm cơ sở. Hơn nửa thế kỉ dạy võ Akido và gần 20 năm mang môn võ này đến với các em có phận đời đặc biệt, tôi cảm nhận được môn võ này tác động tích cực đến các em.

Các em học với tôi, em nào nhiều nhất là cũng mười mấy năm, các em cũng đạt được những trình độ Aikido đáng kể như 3 đẳng, 2 đẳng, 1 đẳng”.

Khoảnh sân nhỏ ở Trung tâm Thể dục Thể thao quận 3 (TPHCM) là nơi võ sư Thanh Loan luyện tập cùng các học trò đặc biệt. Vừa nghe tiếng xe máy của bà từ xa, học trò đã tíu tít chạy ra ôm cổ, thơm má, mặc dù phần lớn các em chưa thể nói được tròn vành rõ chữ...

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với Aikido, bà là thầy, là bạn, và như người mẹ thứ hai của tụi trẻ.

Bằng sự nhẫn nại và nụ cười, nữ võ sư đang từng ngày mở ra cánh cửa kết nối trẻ em thiệt thòi với thế giới xung quanh, và thắp lên nơi cha mẹ các em niềm hy vọng.

“Có những em khi lần đầu bước vào lớp này, các em cứ chạy tới chạy lui.... Lúc nào tôi cũng luôn nói với các con: cố gắng nhiều hơn 1 chút nữa. Tập 1 lần không được thì tập 10 lần, 100 lần, thậm chí có tập 1.000 lần vẫn phải tập cùng các con”.

Theo võ sư Thanh Loan, đa số trẻ tự kỉ đều rất thích tham gia hoạt động thể thao vì giúp các em giải phóng năng lượng, giúp trẻ dễ dàng quay về trạng thái cân bằng, không còn nóng giận hay buồn khóc bất chợt.

Khó khăn nhất trong quá trình dạy học với những trẻ đặc biệt là làm sao để trẻ tập trung, không bị phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài. Thông qua mỗi thế võ, võ sư sẽ lồng ghép thêm những trò chơi, tăng khả năng tương tác qua ánh mắt hoặc cái bắt tay.

Ngoài dạy võ, lớp học yêu thương của bà giáo U80 còn dạy đọc viết, học tiếng Anh, học hát.

“Tôi dạy chương trình lớp 1, trẻ không thích thì trẻ không học, phải chơi thì trẻ mới học. Tôi nảy ra ý tưởng và dạy trẻ kéo vần bằng lời bài hát. “ Bờ A Ba là ba của bé” , “ Mờ E Me là mẹ của em ”, khi trẻ quen đánh vần rồi thì việc ráp chữ sẽ dễ dàng hơn..”

Một cánh cửa khép lại, nhiều cánh cửa khác sẽ mở ra...

Nữ võ sư luôn động viên các bậc phụ huynh hãy quan tâm và tin tưởng con mình. Yêu thương sẽ là “thần dược” xóa tan mọi nỗi buồn và rào cản.

Thuận được gọi là “chị Cả” và là lớp trưởng. Thuận nhanh nhẹn, hoạt bát và rất hoạt ngôn.

“Thuận tham gia lớp học của cô gần 10 năm. Thời gian đầu, Thuận sợ lắm, Thuận không dám bước ra khỏi nhà. Từ ngày đi học với cô Loan, Thuận thấy tự tin hơn. Nhờ vậy mà mình biết bơi, được học tiếng Anh giao tiếp với người nước ngoài. Thuận nhận được rất nhiều Huy chương. Thành tích đó, một nửa là của Thuận, một nửa là của cô Loan. Cô Loan ơi, con yêu cô rất nhiều….”

Nghe cô học trò 42 tuổi vừa ôm chặt mình vào lòng, vừa hát bài “Bụi phấn”, nữ võ sư rưng rưng nước mắt.

Đôi bàn tay gầy đầy những vết nhăn của năm tháng mải mê vỗ theo nhịp bài hát. Suốt hành trình dài đồng hành cùng trẻ tự kỷ, hạnh phúc nhất của bà là thấy những đứa trẻ, biết tự chăm sóc bản thân, biết nói những câu yêu thương....

Trong lớp âm nhạc cộng đồng tại Nhà thiếu nhi Quận 3, cô giáo trẻ khiếm thị Hồng Anh đang lướt trên những phím đàn piano, đệm cho những cô cậu học trò của võ sư Thanh Loan. Mỗi sáng thứ 2 hàng tuần, Hồng Anh đồng hành cùng bà.

Không thể nhìn học trò bằng mắt, Hồng Anh kết nối các thành viên trong lớp bằng âm thanh. Theo Hồng Anh, âm nhạc giúp trẻ tự kỷ giải toả được những bức bối và trẻ hoàn toàn có thể sáng tạo ra những nốt nhạc theo cách mà trẻ cảm thụ.

“Rất khó để mình nhận biết các bạn đang biểu cảm như thế nào trên khuôn mặt, thông qua lời nói mình sẽ hiểu các bạn nhỏ đang vui hay buồn. Mình không đặt nặng việc các bé có học được gì hay không, điều quan trọng nhất khi bước vào lớp và khi bước ra là tinh thần các bé sẽ vui tươi, thoải mái hơn”.

Cô giáo trẻ khiếm thị Hồng Anh và lớp âm nhạc cộng đồng tại Nhà thiếu nhi Quận 3.

Cô giáo trẻ khiếm thị Hồng Anh và lớp âm nhạc cộng đồng tại Nhà thiếu nhi Quận 3.

Võ sư Thanh Loan chia sẻ, trẻ tự kỷ luôn có một thế giới riêng, cách duy nhất để giúp trẻ hòa nhập với mọi người là chính chúng ta phải bước vào thế giới của trẻ. Yêu thương chính chìa khóa kết nối trẻ tự kỷ với xã hội. Khi chúng ta tin tưởng trẻ thì trẻ sẽ tin tưởng chúng ta…

Hành trình duy nhất chinh phục đỉnh núi của những đứa trẻ tự kỷ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, các nhà chuyên môn... còn thêm những trải nghiệm trên đường đi mà dù bạn là người dẫn đường hay là người đồng hành thì bạn đều nhận được những bài học từ chính những đứa trẻ tự kỷ.

Nội dung: Hồng Lĩnh - Xuân Nguyễn

Thiết kế: Quang Huy