Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Trẻ em bị xâm hại tình dục- Lỗi của sự thờ ơ Trẻ em bị xâm hại tình dục- Lỗi của sự thờ ơ
Hồng Lĩnh - Phan Nhơn   •   10:08 30/06/2023

Việt Nam có tới 17 cơ quan liên quan đến bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, những vụ việc xâm hại trẻ em vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

Đặc biệt trong giai đoạn những năm 2020-2021, số vụ việc xâm hại trẻ em so với giai đoạn 2019-2020 tăng lên cả về số vụ, số đối tượng và số trẻ em bị xâm hại, đáng chú ý là những vụ việc liên quan đến hành vi giao cấu với trẻ đủ từ 13 - dưới 16 tuổi và hiếp dâm trẻ em đều tăng tương đương 13% và 20%.

Đằng sau hàng nghìn vụ việc được Toà án nhân dân các cấp thụ lý, xét xử mỗi năm...

là câu chuyện của những người ngày đêm bền bỉ bảo vệ và đòi công lý cho trẻ em bị xâm hại;

là những ám ảnh dai dẳng để lại trên thể xác, đời sống tinh thần các em;

là hành trình ẩn khuất mà kiên cường của những người mẹ nén đau thương để con mình có được một tương lai tốt đẹp hơn.

Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), từ 2020-2022 phát hiện 5.693 vụ, 6.514 đối tượng, xâm hại 5.904 trẻ em, trong đó trẻ em là nạn nhân dưới 6 tuổi chiếm tỷ lệ 7,02% (năm 2020), 6,54% (năm 2021), 6,65% (năm 2022); hiếp dâm trẻ em tăng cả về số vụ, số đối tượng và nạn nhân.

Tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình có xu hướng tăng (năm 2020 chiếm 5,55%; năm 2021 chiếm 5,98%; năm 2022 chiếm 7,5%); sử dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em tăng cao (năm 2022 là 421 vụ tăng 1,45% so với năm 2020).

Một vụ án điểm về xâm hại tình dục trẻ em cách đây 3 năm gây xôn xao dư luận, kẻ thủ ác đã cúi đầu nhận tội trước tòa án và gia đình bé gái 5 tuổi.

Song “tai nạn” đó đối với gia đình chị Huỳnh Thị Gái (*) không thể nào nguôi ngoai. Người mẹ không hề biết rằng tuổi thơ 5 tuổi con mình bị vấy bẩn vết mực đen, và có lẽ phải rất lâu mới chữa lành.

Chị không thể hình dung nổi kẻ thủ ác hại con mình là một người thân quen.

Người mẹ ấy vẫn mang vết thương lòng mặc dù thủ phạm đã thụ án xong và vừa qua đời.

Bản án đã tuyên, chị Gái dời đi nơi khác sống, con chị được gửi vào một ngôi trường hỗ trợ tâm lý cho trẻ em bị xâm hại tình dục.

Mẹ xa con, đằng đẵng nhiều tháng liền.

Chuyện như vừa mới hôm qua.

Vừa kể, người phụ nữ vừa bấm chặt các ngón tay.

Trải qua những năm tháng nuôi hai con một mình, rồi “tai nạn” đến với đứa con gái bé bỏng khi chị còn bận mưu sinh là điều khiến chị ân hận đến tận bây giờ.

“Ngày hôm đó, tôi đi bán hàng. Chỗ bán và chỗ nhà ở cách khoảng 40m. Bé ở trong nhà chơi với chị. 10h tôi đi mua đồ về bán. Con bé chị ra coi hàng, bé em ở nhà. Lát sau tôi về thì nghe bé chị nói là bé em bị ông xe ôm xâm hại. Tôi mới ra tôi hỏi ổng, thì ổng nói không có chuyện đó. Tôi cho con nghỉ ngơi rồi mới định thần lại và chiều ra làm đơn trình báo công an phường”, chị Gái khóc.

Người mẹ ấy chỉ học hết lớp 6 đã miệt mài 8 tháng ròng tự viết những tờ đơn để hoàn tất cả thủ tục, thu thập chứng cứ đưa kẻ thủ ác phải ra tòa nhận tội.

Có lúc, chị phải đối diện với nỗi sợ hãi bị trả thù; cũng có lúc phải nhắm mắt đón nhận sự dè bỉu của những người “đổ lỗi” cho chị và con; và đớn đau hơn nữa, là hàng ngày phải đối diện với đứa con mới ngày hôm qua còn hồn nhiên trong vòng tay mẹ mà giờ phải vật vã sau khi bị xâm hại:

“Mới đầu đưa bé đi khó khăn lắm, khó khăn mọi thứ chuyện. Mình phải đưa con đi điều trị, đúng nghĩa là đưa con đi cai “nghiện”. Lúc đó mình chở bé đi xuống dưới đó mà vừa đi vừa khóc nhưng phải đi vì lý trí, bởi vì mình thực sự sốc!”

Hành trình đầy nước mắt khi người mẹ ngồi nghe tường tận 5 lần công an, viện kiểm sát lấy lời khai của con mình.

Đoạn băng thu âm lời kể của chị về cuộc hội thoại của cô con gái, chúng tôi xin phép không chia sẻ tới các bạn, là bởi: nó chi tiết đến mức nếu bạn là một người mẹ, chắc chắn, bạn sẽ không thể nào chịu đựng nổi.

Mỗi lần ngồi trước công an lấy lời khai cùng con, là như vết dao cứa vào tim người mẹ ấy.

“Tại sao lại bắt mình ngồi nghe những cái câu đau lòng như thế, mà bắt buộc mình phải ngồi nghe, không tưởng tượng được đâu. Những câu hỏi đó bé không bao giờ quên được đâu, chỉ có vơi đi thôi. Không ai mà bình tĩnh cho được. Những câu trả lời của bé chi tiết đến vậy nếu không thấy thì không tự nó nói ra được”, chị Gái đau đớn chia sẻ.

Hành trình đi tìm công lý gian nan vô chừng. Chị chở con đi khắp nơi để giám định. Thế nhưng vào năm đó chưa có cơ chế một cửa, các đơn vị như Hội Phụ nữ, Hội bảo vệ trẻ em, Công an còn kết nối rời rạc. Thời điểm xảy ra vụ án cho đến ngày bắt nghi phạm gần 1 tháng ròng.

Chị Gái rấm rứt nhớ lại sự hoài nghi của mình: “Lúc đó mình là người dân, mình không có hiểu, mình cứ nghĩ tại sao tôi đã báo công an, về nhà có camera rồi lời khai em bé và ổng cũng nhận tội. Tại sao công an lại thả ổng làm mình suy nghĩ trong đầu là công an bao che, mình ức chế cứ suy nghĩ vậy”.

Cánh cửa được mở ra khi chị Gái gặp được luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM - người sau này bào chữa và đòi công lý cho con chị Gái, cũng như giúp đỡ bé vào Ngôi nhà Nhịp cầu Hạnh phúc tại TP. Hồ Chí Minh để chữa lành.

Rất may, bằng sự phối hợp nhịp nhàng với luật sư, điều tra viên là nữ, Viện kiểm sát và cán bộ Hội phụ nữ địa phương đã lấy được lời khai của bé cộng thêm chứng cứ hình ảnh trích xuất từ camera.

“Chúng tôi đi lên đi xuống, phải nói rất nhiều lần, khi thấy mấy chị Hội phụ nữ xuống nữa là bé khai hết, khai từng chi tiết, tỉ mỉ. Bây giờ vụ án dù khép lại nhưng còn một vấn đề chúng tôi còn rất trăn trở. Vấn đề dâm ô đã xử xong rồi, nhưng vẫn còn một tế bào nam chưa xác định là của ai”, Luật sư Ngọc Nữ nhớ lại nút thắt quan trọng của vụ án.

Trong cuộc đời hành nghề của luật sư Ngọc Nữ, đây được xem là một trong những vụ án nhiều thách thức nhất.

Bởi nạn nhân là trẻ em liên tục bị dụ dỗ rồi dẫn đến thuận tình với kẻ phạm tội.

Mẹ của nạn nhân cũng thường xuyên phải đối diện với sự thờ ơ của những người xung quanh, cho rằng, hành vi của kẻ thủ ác chỉ là chuyện trêu ghẹo, thân mật bình thường và chị không nên làm quá mọi chuyện.

Chuyên gia Lê Xuân Đồng đã có 15 năm kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em như Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), Tổ chức HAGAR hỗ trợ phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng do bạo lực, xâm hại và mua bán.

Dù đã 4 năm trôi qua nhưng cứ nhớ đến ngày chở con gửi đến nơi tạm lánh an toàn, đến giờ chị Gái vẫn giàn giụa nước mắt.

Hành trình từ đi tìm công lý đến chữa lành vết thương cho con, người mẹ ấy có lúc tưởng như đã bỏ cuộc, không dám bước tiếp. Nhưng rồi chị đã dũng cảm vượt qua nỗi đau của con và của chính bản thân mình.

Chị Gái nhắn nhủ: “Qua sự việc của gia đình tôi, con tôi xảy ra thì tôi mong gửi đến những phụ huynh cố gắng chăm sóc, gần gũi và quan tâm, không rời mắt con mình. Và lỡ con mình bị người ta xâm hại nên đưa sự việc ra ánh sáng.

Tại vì nếu như con tôi bị người ta xâm hại mà tôi biết, tôi không có đưa ra sự việc ra ánh sáng thì con tôi sẽ bị xâm hại nhiều lần nữa. Họ làm được một lần, họ sẽ làm nhiều lần nữa và sẽ hại thêm nhiều đứa trẻ khác. Đưa sự việc ra ánh sáng mình sẽ chủ động nhờ người có hiểu biết pháp luật - họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ mình”.

06

Tổ ấm gia đình luôn là thành trì vững chắc bảo vệ trẻ trước những nguy cơ bạo lực, xâm hại tình dục. Thế nhưng - thành trì ấy đã có lúc đổ vỡ và không thể là mái ấm bình yên khi kẻ thủ ác không ai khác chính là người thân.

Ngôi nhà lúc này trở thành địa ngục với những đứa trẻ, và chúng chỉ còn biết thu mình vào bóng tối cam chịu. Những mối quan hệ đan chéo đã khiến việc tìm lại công bằng cho trẻ gặp rất nhiều gian nan.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, có tới hơn 80% số trẻ bị xâm hại bởi thủ phạm là chính người thân, quen. Thậm chí trong thời gian gần đây, một số vụ việc xâm hại trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng do người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là thủ phạm như cha mẹ ruột, cha dượng, mẹ kế, người tình của cha, mẹ hay giáo viên, bảo mẫu trong các cơ sở trông giữ trẻ ngoài công lập.

Chị Nguyễn Thị Sáng (*) có con gái bị người bác ruột xâm hại tình dục đến 8 năm liền mới phát hiện.

Hôn nhân tan vỡ, chị Sáng để con về ở với bố từ lúc 12 tuổi.

Nhưng mãi đến khi con gần 20 tuổi, người mẹ ấy trong một lần nói chuyện với con mới phát hiện những điều bất thường.

Chị gặng hỏi đầu đuôi và đau đớn tột cùng khi biết bác ruột của con là kẻ thủ ác.

“Bây giờ bé nói như muốn buông xuôi luôn vậy đó. Ông này còn còn hâm he bé là có quay clip. Ổng nói nếu mà dám mở miệng với ai ổng sẽ tung clip lên cho cả thế giới biết. Bé nghe như vậy, bé sợ” - Chị Sáng kể lại.

Một mình đưa con đến công an tố cáo, biết bao khó khăn cản trở.

Năm 2020, khi thụ lý hồ sơ chuẩn bị các bước để đưa vụ án ra ánh sáng thi dịch COVID-19 ập đến.

Giãn cách xã hội khiến vụ án bị kéo dài, đối tượng xâm hại bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Chị Sáng nhớ lại ngày đầu nộp đơn tố cáo lên cơ quan công an: “Lúc nộp đơn lên quận, công an cứ nghĩ con và tôi như tội phạm, nói chuyện thấy ghê lắm. Tôi nói, tôi đến đây để viết tường trình chứ có phải là tội phạm đâu. Lúc đó tôi buồn lắm, nghĩ chắc thôi từ bỏ, buông xuôi”.

Trong quy trình tiếp nhận, thụ lý vụ việc, điều tra viên không thể nghe tố cáo từ một chiều.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thân nhân và nạn nhân đang rối loạn cảm xúc, cần phải được cán bộ chuyên trách tại địa phương hướng dẫn tận tình.

Bởi, đó cũng là nơi đầu tiên họ gõ cửa và phá băng mọi mặc cảm, tự ti, sợ hãi để đòi lại công lý.

Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng, nhà tham vấn tâm lý học đường Nguyễn Phương Thảo nhận định, việc phát hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em nhiều khi không dễ dàng, một phần có thể do kẻ xâm hại cố ý tìm cách che giấu hoặc đe dọa trẻ em, phần khác cũng có thể do các em nhỏ chưa có kỹ năng hoặc cảm thấy sợ sệt, xấu hổ khi phải nói ra.

10

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ Trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đau xót khi nhắc đến những con số nhức nhối về số vụ xâm hại trẻ em mỗi năm ở Việt Nam, đặc biệt là những vụ việc xảy ra từ chính người thân trong gia đình:

“Gia đình đáng lẽ ra là môi trường an toàn nhất với trẻ em thì đối với trẻ em gia đình lại là nơi không an toàn. Theo điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về phụ nữ và trẻ em Việt Nam tiến hành trong giai đoạn 2020-2021 đưa ra con số: 72% trẻ em từ 1-14 tuổi hay nói cách khác là 7 trong 10 trẻ em bị xử phạt bằng các hình thức kỷ luật về bạo lực, về thể chất hoặc bạo lực về tâm lý. Việc xử phạt bằng các hình thức bạo lực chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất, tâm thần và tâm sinh lý xã hội của trẻ em”.

Trở lại với câu chuyện mẹ con chị Sáng, cho đến tận bây giờ, sau 3 năm, nỗi đau vẫn còn đó bởi vụ việc chưa được đưa ra ánh sáng.

Lần cuối cùng chị liên lạc với điều tra viên cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát.

Chị dằn vặt vì không giữ gìn được hạnh phúc gia đình để con rơi vào chuỗi ngày ám ảnh.

Trên thực tế, nhiều người sẽ có suy nghĩ rằng, con trẻ - rồi sẽ quên đi. Nhưng chuyên gia Nguyễn Phương Thảo cho rằng: “Trẻ em bị xâm hại có thể phải mang những chấn thương tâm lý lâu dài, thậm chí cho đến khi trưởng thành hoặc suốt cuộc đời. Ngoài ra, để ứng phó với những trải nghiệm và cảm xúc tiêu cực, nhiều em có thể tìm đến chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, các chất ma túy hoặc tham gia vào các hành vi có nguy cơ cao, tệ nạn xã hội, bao gồm cả hành vi tình dục bừa bãi.

Những em nhỏ bị xâm hại khi lớn lên có thể cảm thấy rất tự ti về bản thân, sợ làm mất lòng người khác hoặc khó khăn để đưa ra quyết định. Khi trưởng thành, họ có thể không nhận biết được các mối quan hệ độc hại hoặc khó khăn để đặt ra giới hạn nhằm bảo vệ quyền tự chủ về cơ thể và đảm bảo sự tôn trọng cho bản thân mình”.

Hành trình 15 năm giải cứu, cưu mang hàng trăm bé gái là nạn nhân hoặc có nguy cơ bị xâm hại tình dục, chị Nguyễn Yên Thảo, Giám đốc Trung tâm Nhịp cầu Hạnh phúc TP.HCM không ít lần rơi vào cảm giác bất lực và dằn lòng khi phải đưa trẻ em rời khỏi gia đình - thành trì cuối cùng bảo vệ các em.

Một vụ điển hình mới đây ở miền Tây, một em bé 12 tuổi, bố mẹ ly hôn, phải sống cùng với gia đình bác ruột. Hàng ngày, cô bé phụ bác gái bán rau ở chợ; đêm về bị bác trai xâm hại tình dục nhiều lần.

“Khi mà khai với các cơ quan chính quyền thì ông ta khai là chỉ có 4 lần thôi, nhưng bé nói đã nhiều lắm rồi cô, con cũng không đếm hết được nữa. Con nhìn thấy chị dâu của con uống thuốc ngừa thai để không có thai và con tự đi mua để uống, vì con sợ là con có bầu thì con không đi học được”, chị Thảo đau đớn chia sẻ.

Những năm tháng tìm kiếm giải cứu trẻ em bị xâm hại, chị Thảo chứng kiến nhiều đứa trẻ phải chịu đựng biết bao điều khủng khiếp khi chưa còn chưa cắt nghĩa được thế nào là cuộc đời.

Có bé mang thai khi mới 13 tuổi và thai nhi 7 tháng tuổi mới biết là chú ruột chính là thủ phạm hiếp dâm.

Chị Thảo nhiều lần phải thảng thốt trước sự thật: “Khi bé có thai thì hỏi ai, bé nói là chú của con. Khi hỏi bà nội, thì bà nội buông ra những câu là: “Ủa chú nó lấy chứ có ai đâu mà phải thưa”. Nhận thức của mọi người làm cho đứa bé thậm chí trở thành tội phạm của vấn đề. Và họ đổ lỗi cho đứa bé là tại con mà giờ con mới có bầu. Khi mang bé đi đi bỏ thai đó thì những vết thương, thương tổn trên cơ thể của bé vẫn còn mãi mãi”.


Chốn an trú, chữa lành cho trẻ em bị xâm hại tình dục

Tại TP.HCM, có một mô hình một cửa thí điểm tại Bệnh viện Hùng Vương hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục chưa có tiền lệ ở Việt Nam, được vận hành theo quy chuẩn của các nước trên thế giới.

Thay vì phải đến nhiều nơi tìm kiếm sự hỗ trợ, mô hình một cửa được xem là điểm đến an toàn, can thiệp, trợ giúp, cung cấp các gói dịch vụ thiết yếu khép kín và phù hợp cho các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Tuy nhiên, mô hình vừa mới ra đời, nên cũng còn cần nhiều sự phối hợp từ các bên.

12

“Bệnh viện phụ sản gần như là nơi cuối cùng tiếp nhận các nạn nhân bị bạo hành, xâm hại để lại các hậu quả về sức khỏe sinh sản. Về quy trình gọi là hoàn chỉnh thì ngoài câu chuyện giải quyết hậu quả sức khỏe sinh sản còn phải phối hợp với công an, luật sư, Hội phụ nữ, phối hợp với nhiều bộ phận khác. Đầu tiên phải đưa họ ra khỏi cái vòng xoáy mà họ đang bị bạo hành, xâm hại; tạo cho họ có được một cuộc sống bình an và có công việc để họ tự chủ được cuộc sống và họ đừng có quay lại hoàn cảnh cũ” - PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương cho biết.

Thực tiễn cho thấy những đối tượng phạm tội xâm hại tình dục thường có xu hướng tái phạm do yếu tố bệnh lý hoặc đạo đức nhân cách thấp kém.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM chỉ ra điểm bất hợp lý trong quá trình thụ lý điều tra, cơ quan chức năng vẫn cho các nghi phạm tại ngoại hoặc xử án treo: “Chúng tôi đề nghị tất cả những vụ xâm hại trẻ em thì không được tại ngoại. Vì sao? Khi người ta mạnh dạn ra tố cáo, mình bảo im lặng là tội ác, tố cáo rồi thả người đó ra thì khi người đó về sẽ trả thù. Đó là giai đoạn điều tra, còn bây giờ xử lý tội xâm hại trẻ em làm sao mà cho hưởng án treo được?

Chúng tôi thấy theo luật, điều kiện áp dụng tình tiết có lợi cho bị cáo là đương nhiên. Nhưng đối với người xâm hại trẻ em nên hạn chế nguyên tắc có lợi cho bị cáo”.

Việc bị xâm hại có thể được coi là một trải nghiệm mang tính sang chấn đối với trẻ nhỏ. Tùy vào mức độ, tính chất của sự việc, đặc điểm tâm sinh lý vốn có cũng như sự hỗ trợ, đồng hành của cộng đồng xung quanh, mỗi trẻ lại có thể bị ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau.

Để giảm thiểu các vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo lực trong gia đình đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực của các bên. Việt Nam cũng đã có một hệ thống các quy định pháp luật đầy đủ hơn so với giai đoạn trước để xử lý, hỗ trợ, can thiệp kịp thời khi phát hiện trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên, như vậy thôi chưa đủ...

Chúng tôi đến thăm Ngôi nhà Nhịp cầu Hạnh phúc trong cơn mưa chiều tầm tã.

Nép mình bên một con rạch ở TP. Thủ Đức, Ngôi nhà Nhịp cầu Hạnh phúc hiện đang cưu mang hơn 30 em không may bị xâm hại, khai thác tình dục. Nơi đây được xem là chốn an trú - chữa lành - xóa mờ đi vết vực đen vấy bẩn tuổi thơ trẻ bởi những kẻ xâm hại tình dục.

Tụi trẻ đang quây quần bên nhau, đứa thêu tranh chữ thập, đứa xoay rubik, đứa tập tành bấm phím đàn trên cây dương cầm đã cũ.

Suốt hàng chục năm đi dọc dài mọi miền đất nước, lặn lội đến những vùng sâu, vùng xa để tìm kiếm, pgiải cứu những đứa trẻ, chị Nguyễn Yên Thảo, Giám đốc Trung tâm Nhịp cầu Hạnh phúc chưa một lần quên đi những cảm xúc lần đầu gặp các em.

“Tôi đều phải nén lại cảm xúc của mình để nói chuyện với trẻ một cách bình tĩnh nhất. Luôn luôn khi tiếp xúc với trẻ, tôi không bao giờ hỏi chuyện gì đã xảy ra với con. Trên những báo cáo của các anh công an, của luật sư, của Chi Hội phụ nữ gửi, tôi đã biết hết rồi, bởi vậy tôi không hỏi lại nữa. Tôi luôn luôn đến nhà với một tâm thế: tất cả những chuyện xảy ra với con bây giờ đã là tai nạn rồi. Các con đến đây để chúng ta nói về tương lai của con”, chị Thảo giãi bày.

Ngày Ngôi nhà Nhịp cầu Hạnh phúc ra đời cũng là lúc chị Thảo và mọi người phải chịu sự dị nghị, băn khoăn của mọi người.

Nữ Giám đốc đôi khi chạnh lòng khi nhận những lời chỉ trích không hay.

Nữ tu Hồ Quỳnh Ngọc được các bé thương mến gọi bằng Mẹ.

Bà cũng là người gắn bó với Ngôi nhà Nhịp cầu Hạnh phúc từ thở ban đầu chăm sóc bảo vệ an toàn cho trẻ.

15

Sơ Ngọc chia sẻ, ở ngôi nhà Nhịp cầu Hạnh phúc có một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là không tiết lộ câu chuyện “tai nạn” của mình cho bất cứ ai. Chuyện của các em được bảo mật tuyệt đối với người ngoài và giữa các em với nhau.

Cận kề chăm sóc các con từ lúc mới về Ngôi nhà còn sang chấn tâm lý, tinh thần không ổn định cho đến lúc các con có được hạnh phúc riêng và được lên chức bà, sơ Ngọc không coi mình là người “đưa đò” mà đó thực sự là tình mẫu tử.

“Nhiều đứa bé bức xúc, không giải tỏa được thì trốn dưới góc giường, dưới gầm giường, cứ nằm ở trong tối. Rồi có con thì lấy dao lam rạch, có con chạy nhảy xuống sông nhưng cũng may mắn phát hiện kịp và chưa gặp trường hợp nào nguy hiểm.

Sau đó ở đây có chuyên viên, bác sĩ tâm lý chữa trị, tìm những dịp cho các con giải toả, chẳng hạn như dẫn đi chơi, đi đây đi đó, giải tỏa trí não, rồi dần dần nó ổn. Điều khó khăn nhất là những đứa trẻ mới vô, không hòa nhập tốt rồi khóc, ảnh hưởng tới những đứa cũ, trong khi đứa cũ thì nó rất bình yên rồi”, Sơ Quỳnh Ngọc kể tường tận.

Nhiều năm làm công tác tư vấn độc lập cho các dự án liên quan đến bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống bạo lực đối với trẻ em, chuyên gia Lê Xuân Đồng giải thích, các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em chưa được hỗ trợ kịp thời dẫn đến tâm lý các em bị sang chấn kéo dài.

Chuyên gia cũng đã chứng kiến khá nhiều trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại nhưng “mắc kẹt” ở tuyến xã.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, một trong những trách nhiệm lớn và sâu xa thuộc về chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND cấp tỉnh.

Ông nhấn mạnh, việc có bao nhiêu cơ quan bảo vệ trẻ em chỉ là con số, điều quan trọng là khi một vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra, cần chỉ rõ được cơ quan nào có trách nhiệm khi nào và ở đâu. Đề cập đến câu chuyện đầu tư, phân bổ nguồn lực, ông cho rằng còn những thách thức.

“Khi thực hiện thu gọn các đầu mối, trong đó đầu mối các đơn vị sự nghiệp công, ở nhiều địa phương đã vô tình không chú ý đến “vế sau”, đó là tinh gọn nhưng phải theo hướng hiệu lực, hiệu quả và giải quyết được vấn đề trong thực tiễn.

Việc sáp nhập các Trung tâm công tác xã hội vào các Cơ sở Bảo trợ xã hội đã làm mất đi chức năng, nhiệm vụ công tác xã hội, đặc biệt công tác xã hội bảo vệ trẻ em cấp tỉnh hỗ trợ cho cấp huyện, cấp xã và cộng đồng dân cư trong xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em. Nếu chúng ta không duy trì hệ thống bảo vệ trẻ em này thì công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em sẽ gặp thách thức trong tương lai”, ông Nam bày tỏ.

Vị Cục trưởng chỉ ra thực tế, hiện nay người làm công tác bảo vệ trẻ em được chỉ ra trong Luật trẻ em 2016, các địa phương đang giao nhiệm vụ này cho công chức lao động thương binh xã hội cấp xã, điều này hoàn toàn không phù hợp.

Bởi công chức lao động thương binh xã hội là người đã gánh trên vai khoảng 9 đến 10 nhiệm vụ của ngành ở cấp chính quyền cơ sở.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, công chức lao động thương binh xã hội ở tuyến xã không thể đủ năng lực, thời gian và công sức để thực hiện những trách nhiệm của mình được quy định trong Luật. Mặc dù ở một số địa phương, có vài điểm sáng như Hội đồng nhân dân đã ra nghị quyết để bố trí người hoạt động không chuyên trách cấp xã đảm nhận chính vai trò là người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp sâu xa cho vấn đề bố trí nguồn lực:

“Ở Việt Nam vẫn chưa xuất hiện, vận hành được mạng lưới nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Do đó việc triển khai phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại gặp rất nhiều khó khăn.

Giải pháp đưa ra là làm thế nào để chúng ta có một đội ngũ những người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã theo quy định của Luật trẻ em - đó chính là những nhân viên công tác xã hội cấp xã. Bên cạnh đó phải tăng cường năng lực của đội ngũ các đoàn viên, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cấp xã để họ được đào tạo chuyên nghiệp về công tác xã hội và tham gia một cách thường xuyên, bài bài và bền vững hơn trong công tác bảo vệ trẻ em”.

Ngoài Ngôi nhà Nhịp cầu Hạnh phúc, còn có Ngôi nhà bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã giúp hàng ngàn nạn nhân có được môi trường sống tốt hơn, sớm ổn định về thể chất cũng như tinh thần sau những hành vi bạo lực, xâm hại.

Cục Trẻ em cũng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu cho ra đời những mô hình bảo vệ trẻ em “một cửa và tích hợp”, bởi công tác bảo vệ trẻ em liên quan đến nhiều bộ ngành khác nhau và cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng.

Chẳng hạn như một trẻ em đang có nguy cơ cao hoặc đang bị xâm hại, đòi hỏi phải chuyển tuyến đến nhiều dịch vụ khác nhau như tâm lý lâm sàng của ngành y tế, hay sự tham gia của tâm lý học đường của ngành giáo dục, tham vấn về tâm lý xã hội của ngành lao động thương binh xã hội, trợ giúp pháp lý của ngành tư pháp....

20

Việt Nam đã và đang nỗ lực để bằng mọi cách và trong thời gian ngắn nhất có thể khắc phục và kéo giảm số vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến bạo lực trẻ em trong gia đình hay xâm hại tình dục trẻ em.

Đặc biệt, trong 4 năm trở lại đây đã có kết quả rõ rệt trong việc xử lý, can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ và giảm tổn hại kịp thời hơn cho các nạn nhân là trẻ em trong các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em.

Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất của Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), trong giai đoạn 2020-2022, hiếp dâm trẻ em tăng cả về số vụ, số đối tượng và nạn nhân; đặc biệt sử dụng mạng xã hội để xâm hại có chiều hướng tăng cao.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 lấy chủ đề là “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” nhằm huy động sự chung tay của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Đã đến lúc cần nhấn mạnh đến trách nhiệm thực thi chính sách của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực tế, để đảm bảo trẻ có quyền được Sống, quyền được Phát triển, quyền được Bảo vệ và quyền Được tham gia.

Từ bài học trong đại dịch COVID-19, chúng ta cũng cần nhận thức rằng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tinh thần nói chung và chăm sóc cho trẻ em nói riêng là nhu cầu hiện hữu, cấp bách trong đời sống xã hội hiện nay.

Hành trình đi tìm lại sự tự tin, đưa trẻ hòa nhập với cuộc sống bình thường ở những môi trường an toàn bằng liệu pháp tình thương; coi hệ thống hỗ trợ phục hồi về sức khoẻ tinh thần là một hợp phần tất yếu trong công tác bảo vệ trẻ em là thông điệp chúng tôi muốn gửi đến quý vị trong loạt bài “Xâm hại tình dục trẻ em - Lỗi của sự thờ ơ”.

(*) Tên của các nhân vật trong bài viết được thay đổi.