Tại Liên hoan phát Thanh Toàn quốc lần thứ XV, nhóm PV VOV giao thông tiếp tục phản ánh sự việc xe rác lậu từ Long An đổ về TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) vào 8/2022. Nghĩa là 3 tháng sau loạt bài “Ai bảo kê đường dây rác lậu?” các xe rác vẫn ngang nhiên đem rác về TP.HCM đổ.
Dường như, báo chí phản ánh, cơ quan chức năng bịt chỗ này thì các đầu nậu rác lậu lại tìm đường khác, tìm cách tuồn rác từ Long An vào TP.HCM để hưởng lợi bất chính. Phản ánh ban ngày thì giờ đầu nậu chuyển sang ban đêm đưa rác tuồn vào TP.HCM.
Từ tháng 6/2023 đến giữa tháng 11/2023, PV VOV Giao thông tiếp tục theo dõi và ghi nhận tình trạng đổ rác “chui” từ huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) qua Trảng Bàng (Tây Ninh) rồi nhập lậu huyện Củ Chi (TP.HCM); từ Cần Giuộc, Cần Đước qua Bình Chánh.
Sau nhiều ngày thâm nhập, PV đã bóc trần đường dây đổ rác “chui” do một số đầu nậu từ tỉnh Long An móc nối bằng nhiều chiêu thức đã “hợp thức hóa” được đổ rác vào trạm trung chuyển rác (TTCR) của TP.HCM.
Hơn 1 năm trước VOV Giao thông phản ánh tỉnh lộ 8 và giáp ranh địa phận cầu Thầy Cai là con đường huyết mạch của rác lậu. Sau khi bị phanh phui, các đối tượng đã chuyển sang tỉnh lộ 7 đưa rác về Trảng Bàng, Tây Ninh rồi lại theo đường quốc lộ 22 nhập vào TP.HCM. Đường đi xa hơn, hằng ngày những chiếc xe rác vẫn hoạt động bình thường tại khu vực huyện Đức Hòa.
Được biết huyện Đức Hòa có đến 19 xã, thị trấn kèm theo với nhiều khu công nghiệp, hàng ngàn nhà trọ công nhân, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh đến vài trăm tấn/ ngày. Song, rác đó đi về đâu?
Vào năm 2022, nơi đây được xem là điểm nóng của tình trạng thu gom - vận chuyển rác nhập lậu qua địa phận Củ Chi bị VOV giao thông phản ánh. Qua một nguồn tin cho biết, sau đợt này rác lậu lắng xuống bởi phán ánh báo chí. Giờ đây, huyện Đức Hòa, Long An là địa bàn của một “ông trùm” thâu tóm gần 80% thị phần rác.
Được biết, người này có lượng xe, nhân công hùng hậu thu gom rác và cả có lực lượng “đề lô” ( tên gọi trong giới, một dạng radar cảnh giới dò đường trinh sát cho xe rác lậu mỗi khi vượt biên) . Đường đi của của rác lậu trở nên tinh vi hơn, mọi hoạt động chuyển toàn bộ về ban đêm.
Rác được chia đều về nhiều hướng qua TP.HCM, song 2 hướng chính là Tây Bắc có bãi rác Tây Bắc, Củ Chi và Tây Nam có bãi rác Đa Phước.
Phóng viên trở lại căn nhà trong Khu công nghiệp Hải Sơn, ĐỨc Hòa Đông bị phản ánh ở loạt bài “Ngang nhiên nhập lậu rác” tháng 5/2022. Hiện giờ, nơi này được xem là điểm tập kết rác lậu số 1 Đức Hòa. Không còn cửa đóng then cài như xưa, 24/24h trước bô rác này lúc nào cũng có 1 chiếc xe bán tải mang BKS có số đuôi 508.06...và một nhóm thanh niên làm cảnh giới.
Nếu có người lạ xuất hiện khả nghi gần như nhóm này bám sát rất chặt, và bán kính 50m khó lòng tiếp cận bô rác này.
Lần này, thay vì dùng loại xe ép chuyên dụng 10 tấn mang BKS thành phố qua lấy rác thì “ông trùm” rác lậu dùng xe tải loại 3,5 tấn để chở rác. Những chiếc xe cơi nới thành thùng và được múc rác ép chất đầy, phủ bạt kín đợi sẵn.
Tầm khung giờ từ 11 giờ đêm đến 3h sáng, chiếc xe tải thường xuất bến từ căn nhà trên và được một “đề lô” cảnh giới hộ tống xe tải rác ra tỉnh lộ 10 hướng về TP.HCM, vượt cầu Xáng qua Bình Chánh để đổ trộm.
Vào một ngày đầu tháng 11/2023, chúng tôi bám theo chiếc xe tải mang BKS 54U – 1160 được “đề lô” hộ tống từ khu công nghiệp Hải Sơn đến cầu Đôi giáp ranh địa phận Bình Chánh, TP.HCM. Lúc này, chiếc xe tải ước lượng chở gần 10 tấn rác, chầm chậm trên tỉnh lộ 10 hướng về 2 bãi rác trung chuyển (TTCR) ở cạnh BV Tâm Thần TP.HCM (cơ sở 2) và TTCR ở gần cầu vượt tỉnh lộ 10 cạnh quốc lộ 1A (thuộc huyện Bình Tân).
Song, nghi ngờ xe chúng tôi bám chiếc xe tải bỗng tấp vào lề phải, tắt máy án binh bất động. Sau liên tục nhiều tháng liền chúng tôi rất vất vả mới vượt qua sự theo dõi của những “đề lô” để phát hiện ra quy luật của những chiếc xe rác lậu “ngụy trang”.
Tương tự, một đêm khác vào giữa tháng 11/2023 chúng tôi bám đuôi được chiếc xe tải khác mang BKS 54X -8430 chất đầy rác từ khu công nghiệp Hải Sơn (Đức Hòa) vào lúc hơn 22 giờ đêm.
Lần này, đề lô rà đường có vẻ vắng bóng lực lượng chức năng nên chiếc xe di chuyển rất tự tin, tốc độ chạy hơn 60km/h dù mang gần 10 tấn rác chất đầy.
Quãng đường từ Khu công nghiệp Hải Sơn, Đức Hòa đến cầu vượt Tỉnh lộ 10B, thuộc phường Tân Tạo khoảng 18km.
Chỉ chưa đầy 30 phút chiếc xe mang BKS 54X -8430 đã cập bô rác Tân Tạo tại đường số 54 song song với quốc lộ 1A. Lúc này, hai phụ xe nhanh chóng kéo bạt phủ, tài xế nhanh chóng lui xe và nâng thùng đẩy số rác Long An vào trạm trung chuyển.
Chỉ chưa đầy 3 phút chiếc xe tải đã thành công “nhập khẩu” rác Đức Hòa, Long An thành rác TP.HCM.
Xe tải sau hành trình vượt biên từ khu công nghiệp Hải Sơn đã cập bô rác thuộc phường Tân Tạo, TP.HCM
Cùng một đêm này, chúng tôi phát hiện chiếc xe này trót lọt 3 phi vụ đổ rác chui vào TTCR của TP.HCM. Ước lượng khối lượng xấp xỉ 3 chuyến xe hòm hòm khoảng 25 tấn rác, song chúng tôi phát hiện ít nhất trong căn nhà làm trạm trung chuyển chứa rác ở Khu công nghiệp có ít nhất 3 xe tải loại này.
Cứ tưởng tượng xem, một đêm 3 chiếc xe trót lọt 3 chuyến/ đêm thì TP.HCM gánh sơ sơ gần 100 tấn rác.
Mỗi ngày trôi qua, TP.HCM có khoảng 9.500 tấn rác sinh hoạt con số phải chi cho xử lý rác khoảng 2.000 tỉ đồng/ năm. Mỗi đêm, những tải chở rác lậu tuồn vào trót lọt, đồng nghĩa thành phố này phải trích ngân sách xử lý rác lậu.
Theo một số công nhân thu gom rác thuộc các cơ sở dân lập ở huyện Đức Hòa, Long An, năm 2022 sau loạt bài VOV Giao thông, dường như cơ quan chức năng làm gắt gao nên xe rác từ Long An không qua được địa phận TP.HCM.
Riêng, huyện Đức Hòa, Long An xảy ra tình trạng ùn ứ rác, rác đổ đầy đường khiến người dân bức xúc. Sau đó, việc thu gom – vận chuyển - xử lý rác mới giải quyết thông thoáng trở lại.
Theo điều tra của phóng viên, cả huyện Đức Hòa với hơn 19 xã, thị trấn, trong đó có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư nhưng lại không có 1 trạm trung chuyển rác chuyên dụng. Tất cả thường là những bô rác dân lập được dựng tạm một cách dã chiến.
Khu công nghiệp Hải Sơn, nơi có căn nhà bên cạnh con kênh mà ở loạt bài “Ngang nhiên nhập lậu rác” tháng 5/2022 chính là 1 trong những bô rác lớn nhất Đức Hòa. Đến giờ, cơ sở này vẫn hoạt động mạnh với “binh đoàn” xe tải chở rác ngụy trang và một “tiểu đội” đề lô làm radar dò đường mà chúng tôi nhắc ở trên.
Theo tìm hiểu, bô rác này do một người tên Hùng làm chủ (biệt danh: Hùng Đầu Bự), gần một nửa lượng rác thải sinh hoạt huyện Đức Hòa đổ về đây. Rồi đêm đêm, những chuyến xe tải lại đem rác từ căn nhà này chạy về các bô rác ở TP.HCM đổ vào.
Trong hành trình thâm nhập tìm hiểu đường dây rác lậu, chúng tôi còn phát hiện thêm 1 “ông trùm” rác ở Đức Hòa có trụ sở đóng tại Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Hai “ông trùm” rác lậu dường như có sự móc nối, ăn rơ với nhau trong đường dây tuồn rác về TP.HCM.
Mất nhiều tháng ròng, nhóm phóng viên mới lần ra con đường đi của rác tại huyện Đức Hòa này. Có 2 đường đi của rác, hướng thứ nhất, ban ngày lượng xe thu gom rác sẽ đổ về bô rác của “Hùng đầu bự rồi đêm đêm xe tải mang rác về TP.HCM qua hướng tỉnh lộ 10.
Hướng thứ 2, là binh đoàn xe ép chở các loại 3, 5, 10 tấn của một ông chủ doanh nghiệp có tên “Đỉnh Vàng” có địa chỉ tại 2189 tổ 15, khu phố An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh sẽ lấy rác từ Đức Hòa mang về Tây Ninh.
Sau đó, vào khung giờ từ 3 giờ -5 giờ sáng hằng ngày, những chiếc xe rác này sẽ đưa rác về đổ vào trạm trung chuyển rác huyện Củ Chi tại tỉnh lộ 8 (thuộc xã Tân An Hội). Bô rác này cũng từng bị phản ánh ở loạt bài “Ngang nhiên nhập lậu rác”.
Cụ thể, vào đầu tháng 11/2023 nhóm phóng viên theo dõi 3 chiếc xe chở rác của ông chủ Đỉnh Vàng gồm : 70C -158.16 ; 60C -629.55; 51C -926.11 và 70H -024.07. Những chiếc xe này, sau khi thu gom rác ở các khu vực ở các xã Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, thị trấn Hậu Nghĩa của huyện Đức Hòa sẽ đưa rác từ ngã tư Đức Lập về đường Tân Hội, vượt cầu Tân Thái (giáp ranh Long An – TP.HCM) trên tỉnh lộ 7 rồi rẽ về hướng quốc lộ N2 để đem về căn nhà tại 2189 tổ 15, khu phố An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh. Những chiếc xe mang rác từ Đức Hòa về căn nhà vào tầm chiều tối, và gần như áng binh bất động cho đến khi trời tờ mờ sáng.
Khi người dân Củ Chi vẫn còn đang say giấc, thì từ 3-4 giờ sáng lần lượt từng chiếc xe ép nổ máy từ con đường trong hẻm bò ra quốc lộ 22, xe nhấn ga qua cổng chào Tây Ninh hướng vào địa phận Củ Chi, TP.HCM.
Những chiếc xe chở đầy rác tuần tự xé lẻ, bon bon trên quốc lộ 22 ước chừng 14,2 km gặp điểm giao với đường Bàu Tre. Xe rác rẽ phải đi tắt về hướng UBND Tân An Hội rồi thêm một lần rẽ phải vào tỉnh lộ 8 nơi có trạm trung chuyển rác bên trái để cập bến.
Tại đây, đoàn xe rác từ Tây Ninh (thực ra là rác từ Long An) nhập vào đoàn xe thu gom rác Củ Chi. Chỉ vài phút, những chiếc xe của “ông trùm” rác lậu Đức Hòa đã đổ rác vào bô và biến thành rác Củ Chi, TP.HCM.
Chỉ chưa đầy 1 tiếng, gần 25 tấn rác lậu tuồn vào TP.HCM một cách nhanh, gọn, lẹ. Binh đoàn xe ép của ông “vua rác” sau khi nhổ neo trạm trung chuyển lại quay về địa bàn Đức Hòa hoạt động, thu gom rác một cách bình thường.
Những năm qua báo chí thường xuyên phản ánh đường dây rác lậu, có lúc tình trạng lắng đi một thời gian. Tuy nhiên, món hời từ việc đổ rác lậu đã biến đường dây này luôn ngấm ngầm hoạt động, và đầu nậu thu gom rác “đút túi riêng” khoản phí xử lý rác tại địa phương và bắt TP.HCM phải gánh khoản phí xử lý rác chui này. Rác lậu đang bòn rút ngân sách TP.HCM và thực chất đó là tiền của chính người dân TP.HCM đóng góp.
Những nghịch lý không thể nào chấp nhận? Những câu hỏi đặt ra tiếp tục là Ai bảo kê cho đường dây rác lậu? Cơ quan chức năng ở đâu để tiếp tục tình trạng lặp đi lặp lại? Và còn đường dây rác lậu nào tuồn vào TP.HCM?
Xin nhắc lại một lần nữa, từ sau loạt bài Ai bảo kê đường dây rác lậu của VOV Giao thông phát sóng vào tháng 5/2022. Sau đó, vào tháng 7/2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản số 2279/ UBND-ĐT, về quản lý chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh thành về TP.HCM. Trong đó, văn bản chỉ rõ trách nhiệm người đứng đầu 22 quận huyện, TP Thủ Đức trên địa bàn nếu tái phạm nhiều lần (trên 2 lần) về việc nhận chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh khác, khi chưa có chủ trương của TP.
Trong hành trình thâm nhập, nhóm phóng viên còn phát hiện một đường dây rác lậu khác ở phía Tây Nam thành phố, nơi có Khu liên hiệp xử lý rác Đa Phước, giáp ranh với hai huyện Cần Giuộc và Cần Đước (Long AN).
Nhóm phóng viên liên tục VOV Giao thông ghi nhận nhiều xe rác của hai đơn vị Cty TNHH Dịch vụ công ích Sài Gòn Xanh và Hợp tác xã công nông hoạt động thu gom vận chuyển rác ở hai huyện Cần Giuộc, Cần Đước đem về khu xử lý rác Đa Phước đổ.
Cụ thể, những chiếc xe mang biển kiểm soát 51D -112.06 thu gom rác trước ủy ban nhân dân xã Long Cang, huyện Cần Đước. Ngoài ra đơn vị này còn dùng các xe tải loại 3,5 tấn thu gom rác trên địa bàn đưa về khu xử lý chất thải Đa Phước qua tỉnh lộ 835 về thị trấn Cần Giuộc và theo đường tránh quốc lộ 50 rồi qua TP.HCM theo quốc lộ 50 về khu xử lý chất thải Đa Phước.
Các chuyến xe thường di chuyển vào khung giờ 22 giờ đến- 3 giờ sáng hằng ngày. Nếu thấy nghi ngờ có lực lượng chức năng theo dõi, các xe này sẽ thẳng tiến Quốc lộ 1A di chuyển về đường Nguyễn Văn Linh và nhập đoàn với xe rác thành phố về bãi rác Đa Phước.
Trong thời gian theo dõi, phóng viên rất khó khăn để bám theo những chiếc xe rác ở Cần Đước. Song, những chiếc xe ép rác này bên ngoài chính quy, biển số TP.HCM và của Hợp tác xã Công Nông nên mặc chiếc áo “thông chốt” qua các trạm của TP.HCM.
Riêng huyện Cần Giuộc các xe rác hoạt động nhộn nhịp vì chỉ cần vượt cầu Ông Thìn là qua được địa phận Đa Phước, TP.HCM. Ghi nhận từ tháng 7 đến tháng 11, những chiếc xe mang biển số 51C- 881.43; 62C – 019.66 ; 51D- 139.04 ; 50H – 083.30...thường tập trung ở hai trạm trung chuyển rác gần cầu Cần Giuộc (Tân Kim cũ, Cần Giuộc, Long AN). Vị trí này chỉ cách bãi rác Đa Phước 8,1 km, những chiếc xe ép rác chuyên dụng có tải trọng 14 tấn thường xuyên mang rác từ Cần Giuộc vào thẳng khu xử lý chất thải rắn Đa Phước.
Vào một đêm tháng 11, chúng tôi bám theo chiếc mang BKS 62C – 019.66 và 51D- 139.04 từ trạm trung chuyển rác Tân Kim từ 21 giờ tối đến 3 giờ sáng, phát hiện mỗi xe chở 3 chuyến đầy thùng rác vượt cầu ông Thìn, đến ngã ba chiếc xe giảm tốc đá xi nhan phải vào Khu lý rác thải Đa Phước một cách gọn gàng mà không hề gặp một cơ quan chức năng nào kiểm soát.
Mỗi chiếc xe mang được 14 tấn rác, mỗi đêm 3 chuyến trung bình có gần 50 tấn rác Long An đổ về TP.HCM. Một đêm 2 chiếc xe ép mà phóng viên phát hiện đã mang gần 100 tấn rác từ Long An tuồn vào TP.HCM.
Kênh VOV Giao thông đã gửi Công văn đến các đơn vị liên quan đến vấn đề xử lý rác của 2 địa phương Long An và TP.HCM gồm: huyện Củ Chi, Bình Chánh, Sở tài nguyên Môi trường TP.HCM, Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước; Ban Kinh tế Ngân sách TP.HCM; phía tỉnh Long An gồm các huyện: Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước.
Trong đó, huyện Củ Chi, Đức Hòa và Cần Giuộc, Cần Đước lãnh đạo trả lời đã tiếp nhận công văn, song báo cáo bận và chờ các đơn vị tham mưu mới trả lời Kênh VOV Giao thông.
Ngày 25/11, ông Huỳnh Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh trả lời phản ánh vụ việc rác từ Đức Hòa qua tỉnh lộ 10 đoạn giao với xã Phạm Văn Hai và rác từ Cần Giuộc qua Đa Phước về TP.HCM:
Lãnh đạo huyện Bình Chánh cũng cho biết thêm, địa bàn có nhiều điểm giáp ranh rất phức tạp, năm qua huyện tiếp nhận nguồn tin từ người dân đã chặn được 1 trường hợp nhập rác, phế liệu qua địa bàn và giao công an xử lý. Trong thời gian tới, huyện sẽ lập kế hoạch kiểm tra, phối hợp các xã và công an để tăng cường các biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn tình trạng rác tuồn qua địa phương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM từ chối trả lời trực tiếp VOV Giao Thông dù vụ việc này đã từng lặp di lặp lại 2 lần. Song, vị lãnh đạo này đã ký công văn 11029/STNMT-CTR phản hồi Công văn số 130 của Kênh VOV Giao thông về phản ánh tiếp tục phát hiện đường dây rác lậu tuồn từ Long An về TP.HCM.
Cụ thể, vào 23/6/2023, Sở Tài nguyên và Môi Trường có văn bản số 5645/STNMT-CTR đề nghị Công ty Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam hay còn gọi cty xử lý rác Đa Phước (viết tắc VWS) không tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Long An cho đến khi UBND TP.HCM có chủ trương đồng ý hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt của tinh Long An.
Do đó, việc Công ty VWS vẫn tiếp tục hỗ trợ tỉnh Long An khi chưa có sự đồng ý của UBND TP.HCM là SAI quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản báo cáo UBND thành phố về vấn đề này và hiện thành phố đang xem xét việc hỗ trợ tỉnh Long An xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Kênh VOV giao thông không đăng thông tin phản ánh của đơn vị và phải đợi xem chỉ đạo của thành phố về công tác chỉ đạo chỉ đạo hỗ trợ tỉnh Long An xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước.
Cũng trong văn bản, Sở TN&MT TP.HCM cho biết giai đoạn 2018-2022, Thành phố chấp thuận hỗ trợ tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt của một số huyện trên địa bàn tỉnh Long An với khối lượng khoảng 225 tấn/ngày. Trong đó, Công ty Vietstar hỗ trợ tiếp nhận tiếp nhận xử lý khoảng 100 tấn/ngày và Công ty VWS hỗ trợ tiếp nhận tiếp nhận xử lý khoảng 125 tấn/ngày. Kinh phí do Ủy ban nhân dân tinh Long An chi trả.
Tuy nhiên, ông Ngô Như Hùng Việt - Tổng giám đốc Công ty Vietstar trả lời VOV Giao thông rằng, ông có tiếp nhận văn bản hỗ trợ Long An nhận rác trên văn bản 100 tấn/ ngày cộng với 10% phát sinh trong giai đoạn 2018-2022. Song, sự thật là con số nhận được ít hơn nhiều 100 tấn/ ngày, có khi rác dưới 20 tấn/ ngày. Con số đó quá nhỏ, đơn vị chỉ làm giúp Long An theo chỉ đạo, còn số rác thực tế đang đi về đâu ông không hề biết.
Suốt những năm qua, hằng năm TP.HCM lại dùng dằng chuyện hỗ trợ tiếp nhận rác ở một số địa bàn giáp ranh của Long An. Một nghịch lý dễ thấy rằng đây là vấn đề quản lý giữa 2 địa phương, phối hợp lẫn nhau. Nếu việc đưa rác từ Đức Hòa, Cần Giuộc về nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa ở huyện Thạnh Hóa, Long An đến 60 km, quãng đường xa, chi phí cao thì có thể chuyển sang 2 khu xử lý Đa Phước và Củ Chi sẽ gần và tiết kiệm chi phí.
Nhìn chung thì ngân sách Long An và TP.HCM thì cũng là tiền của Nhân dân, song vấn đề có ngồi lại với nhau để thống nhất. Đồng thời, khi đưa ra cơ chế phối hợp phải có sự giám sát, kiểm tra thay vì chỉ quản lý trên giấy, để cho những đầu nậu thu gom rác lợi dụng kẽ hở đem rác “xào nấu” “trà trộn” đổ vào TP.HCM nhằm khai thác món hời từ việc bòn rút ngân sách.
Kênh VOV Giao thông sẽ tiếp tục chất vấn các cơ quan quan chức năng về sự việc này.