Để sau đi, nay mồng một

Nếu bạn có một khoản nợ cần phải trả, bạn có định trả ngay không, nếu ngày hẹn nhằm đúng mồng một? Nếu bạn định mua sắm một món đồ tương đối có giá trị, hoặc định làm một việc quan trọng nào đó, thì mồng một có khiến bạn phân vân, do dự hay không?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Mồng một sớm mai, mồng hai đầu tháng, trong quan niệm của số đông người dân, ngay cả cư dân đô thị, vẫn là những mốc thời gian có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tinh thần. Vì thế mà nhiều người “kiêng” đủ thứ vào ngày đầu tháng, cho lành, từ kiêng trả nợ, kiêng đi thăm người ốm, thậm chí cắt tóc cũng kiêng.

Rồi cũng với quan niệm “đầu có xuôi, đuôi mới lọt”, một số người có xu hướng trầm trọng hóa những việc tưởng rất bình thường, nếu nó trục trặc đúng ngày mồng một mồng hai, vì lo sợ cả tháng này sẽ gặp vận xui. Trái lại, nếu gặp được điều gì tốt lành đầu tháng, tâm trạng sẽ phơi phới lạc quan.

Tuy vậy, thực tế chưa có căn cứ khoa học nào chứng nh rằng, mồng một sớm mai mà kém may thì cả tháng bị “ám quẻ”. Đó chỉ là quan niệm và niềm tin cá nhân thôi. Những rủi ro trắc trở ngày nào cũng có thể xuất hiện. Sự may mắn thỉnh thoảng vẫn điểm xuyết một chút không may, như một thông điệp của cuộc sống, để bạn biết trân trọng hơn điều mình đang có.

Mồng một không trả nợ, bạn “giữ lộc” cho mình thì “chủ nợ” lại có thể gặp xui, khi tất cả các “con nợ” đều khất. Mồng một kiêng cắt tóc, đến mồng hai bạn sẽ đợi “dài cổ” ở tiệm, khi người người đổ xô đi cắt. Xe hỏng người ốm là bình thường, nhưng nếu bạn mặc định đó là điềm xui, thì tự nhiên cả tháng ủ dột nặng nề, chẳng còn tâm trí đâu mà tập trung công việc, chẳng thiết tha chăm sóc bản thân. Như vậy, các việc khác chắc chắn bị ảnh hưởng theo.

Và đó mới là lý do, vì sao mồng một đã “đen” thì lại thường “đen” cả tháng.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: