Để hàn gắn lại cuộc sống cho nạn nhân tai nạn giao thông

Cùng với tình trạng đáng lo ngại về tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng, nhu cầu về điều trị phục hồi chức năng ngày càng gia tăng. Nhưng nghịch lý là khả năng cung cấp dịch vụ này còn nhiều hạn chế, bất cập khiến người bệnh phải chịu di chứng nặng nề hoặc không thể phục hồi.

 

Ảnh nh họa: znews.vn

Điều trị, phục hồi chức năng cho các nạn nhân tai nạn giao thông có vai trò hết sức quan trọng nhưng thực tế nhiều điểm hạn chế đã được chỉ ra làm ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị và khả năng tái hòa nhập về gia đình và xã hội của bệnh nhân; ở các địa phương thì vấn đề càng ít được quan tâm.

Thêm vào đó, thời gian điều trị phục hồi cũng kéo dài hơn rất nhiều so với chương trình điều trị ở các quốc gia khác. Điều này cho thấy, việc thực hiện phục hồi chức năng hiện còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đánh giá chung, hệ thống phục hồi chức năng tại các bệnh viện hiện chỉ đáp ứng, tiếp cận được khoảng 20% người khuyết tật.

Do đó, đầu tiên là cần xây dựng hệ thống phục hồi chức năng một cách toàn diện và đầu tư các trang thiết bị phù hợp; có đầy đủ đội ngũ chuyên gia về số lượng và trình độ chuyên môn để sớm lấp đầy những thiếu hụt hiện nay.

Tuy nhiên, đây không phải là việc đơn giản bởi hệ thống này cần sự đầu tư lớn trên quy mô rộng. Như một số nước có điều kiện kinh tế tương đương Việt Nam thì họ đầu tư hệ thống phục hồi chức năng có tính liên kết giữa các bệnh viện, các cơ sở phục hồi chức năng, các nhóm phục hồi chức năng tại cộng đồng phối hợp cùng gia đình và người thân của nạn nhân để tạo ra chuỗi hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân trong quá trình phục hồi.

Thứ hai là các chi phí để phục hồi chức năng hiện tương đối cao, và các trường hợp nặng thì thời gian điều trị có thể kéo dài. Điều này gây ra khó khăn kinh tế rất lớn cho bệnh nhân và gia đình để tiếp tục theo đuổi chương trình phục hồi chức năng sau thời gian điều trị hoặc phẫu thuật vì tai nạn giao thông. Nó đòi hỏi những chương trình hỗ trợ chi phí phục hồi chức năng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các quỹ hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông hoặc mở rộng phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế cho lĩnh vực này.

Một vấn đề nữa cần được nâng cao là nhận thức của cộng đồng về điều trị, phục hồi chức năng sau tai nạn giao thông. Bởi thực tế có rất nhiều người cho rằng, sau khi bị tai nạn và bình phục phần nào, dù còn khó khăn nhưng họ sẽ chờ đợi thời gian để tự tập luyện và trở lại bình thường chứ không nhờ sự chỉ dẫn hay tuân thủ các quy trình để phục hồi một cách tốt nhất.

Ngoài ra, phục hồi về sang chấn tâm lý sau tai nạn giao thông còn chưa được quan tâm đúng mức; trong khi đây cũng là vấn đề ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người bệnh.

Sau tai nạn, nếu chúng ta gặp bất kỳ thương tích nào, kể cả tổn thương về thân thể hay tinh thần mà bắt buộc phải hỗ trợ điều trị hoặc phục hồi chức năng thì việc tuân thủ các quy trình cần được ưu tiên hàng đầu.

Trung bình mỗi năm ở nước ta có gần 20 nghìn người bị thương do tai nạn giao thông, nhưng có rất ít thông tin là trong số những người bị thương đó thì tỷ lệ bao nhiêu nạn nhân gặp những di chứng hoặc tàn tật cả đời, không thể quay lại cuộc sống bình thường. Trong đó, phần lớn nạn nhân là những người trong độ tuổi lao động, mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình và xã hội.

Phục hồi chức năng cho những nạn nhân tai nạn giao thông nếu được làm sớm và đúng kỹ thuật do đó sẽ mang lại nhiều ý nghĩa, là cơ hội hồi sinh cho người bệnh, là niềm vui cho gia đình và mang lại những ý nghĩa to lớn với xã hội.