ĐBSCL: Nhiều địa phương dừng vận chuyển hành khách đi đến TP.HCM

Trước những diễn biến khó lường, phức tạp của dịch bệnh COVID-19, bắt đầu từ 0h ngày 31/5 nhiều địa phương ở ĐBSCL đã dừng vận chuyển hành khách đi đến TP.HCM.

Cần Thơ lập 7 điểm chốt phòng dịch COVID 19, đón các phương tiện đi từ các hướng trước khi vào TP phải thực hiện khai báo y tế

Sở Giao Thông vận tải (GTVT) TP. Cần Thơ đã dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, hợp đồng, taxi, xe du lịch từ TP Cần Thơ đi đến 31 tỉnh thành bao gồm: Hà Nam, Hưng Yên; Điện Biên, Hà Nội; Yên Bái; Vĩnh Phúc; Hà Tĩnh, Hải Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Nam; Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hòa Bình, Lạng Sơn; Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế; Đắk Lắk; TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bạc Liêu, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu.

Các tuyến đi đến địa phương còn lại được hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo phương tiện chở tối đa không quá 50% số chỗ ngồi, không quá 20 người kể cả lái xe và nhân viên phục vụ. Không được dừng, đón, trả khách ở những địa phương có dịch. 

Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long cũng tạm dừng vận tải hành khách đi TP. Hồ Chí Minh, Long An và ngược lại. Trong đó bao gồm vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, vận chuyển hành khách bằng xe hợp đồng, du lịch, xe taxi. Thời gian thực hiện từ 0h giờ ngày 31 tháng 5 năm 2021 cho đến khi có thông báo mới.

Thông báo cũng hạn chế tối đa các phương tiện cá nhân di chuyển từ tỉnh đến vùng có công bố dịch, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

An Giang lập chốt đường thủy bên cạnh đường bộ. Đảm bảo không để lọt yếu tố nguy cơ vào tỉnh vì An Giang có hơn 100km đường biên giới nên mức độ an toàn phải được tăng cường

Các trường hợp này phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch. Đối với xe vận chuyển hành khách liên tỉnh từ các tỉnh có công bố dịch đi qua tỉnh Vĩnh Long tuyệt đối không được dừng, đỗ để đón, trả khách. 

Còn tỉnh Bạc Liêu – địa phương có ca nhiễm ngoài cộng đồng đầu tiên là  bệnh nhân 6572 về từ TP HCM, tỉnh đang thực hiện cách ly 6.572 người và đã thành lập 72 điểm chốt chặn, kiểm soát dịch bệnh. Riêng về giao thông có 15 chốt chính, trong đó 5 chốt đường bộ và 10 chốt đường thủy.

Ngoài ra, còn thành lập 57 chốt phụ giáp ranh với các tỉnh để kiểm soát người và các phương tiện giao thông đến tỉnh. Từ 18h ngày 30/5, Bạc Liêu đã tạm dừng vận chuyển hành khách liên tỉnh đi và đến TP.HCM, Long An và các tỉnh, thành có dịch (bao gồm vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, theo hợp đồng, du lịch, taxi). 

Trước đó một ngày, TP Cần Thơ và tỉnh An Giang đã tổ chức nhiều điểm chốt chặn tại các cửa ngõ đi vào địa phương. Lực lượng chức năng phối hợp với tổ phòng chống dịch COVID 19 túc trực 24/24 đón phương tiện phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và lưu lại toàn bộ thông tin cá nhân để giám sát. Công tác này sẽ kéo dài đến khi nào dịch được kiểm soát ổn định.

Khu vực ấp Xóm Lớn A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu đang bị phong tỏa nghiêm ngặt sau khi có bệnh nhân mắc COVID-19

Tuy nhiên, sau 24h, diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid- 19 lần thứ 4 tiếp tục phức tạp. Đặc biệt, TP. HCM đã thực hiện giãn cách xã hội trong 2 tuần. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID 19 TP Cần Thơ dự đoán lực lượng công nhân lao động tại TP. HCM và ền Đông Nam bộ sẽ trở về quê. Ban chỉ đạo đã tăng cường lực lượng kiểm soát kĩ tại các cửa ngỏ vào TP Cần Thơ, nhất là các tuyến từ TP HCM, Bạc Liêu về.

UBND TP Cần Thơ chỉ đạo cho toàn lực lượng trong thành phố, đặc biệt là cán bộ Đảng viên, công chức các ngành không được di chuyển ra khỏi thành phố, thực hiện nhiệm chính trị tại địa phương mình với phương châm “chống dịch như chống giặc”. Dừng các hoạt động tôn giáo cho đến khi có thông báo mới.