Đậu tương tiếp tục đà giảm mạnh, phá vỡ hỗ trợ tâm lí 1200

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, trừ lúa mì, tất cả các mặt hàng nông sản đều suy yếu và dẫn đầu đà giảm là nhóm đậu tương.

NÔNG SẢN

Giá đậu tương đóng cửa phiên đầu tuần tiếp nồi đà giảm mạnh từ tuần trước và phá vỡ mốc hỗ trợ tâm lí 1200. Nhu cầu là yếu tố chính gây sức ép lên giá trong phiên hôm qua. Khối lượng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong tháng 10 tiếp tục giảm rất mạnh về mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020 cho thấy nhu cầu của nước này đang suy giảm rõ rệt.

Dự báo thời tiết cho thấy các khu vực gieo trồng chính của Argentina sẽ có mưa trong tuần này cùng với việc dầu thô thu hẹp đà tăng từ phiên sáng đã tạo áp lực lên giá dầu đậu tương. Trong khi đó, áp lực trái chiều khiến giá khô đậu tương rung lắc và trở lại vùng đi ngang trước đó.

Giá ngô giảm nhẹ 0.26% và đánh dầu 5 phiên liên tiếp chìm trong sắc đỏ. Trong báo cáo Export Inspections được phát hành bởi bộ Nông nghiệp Mỹ vào tối qua, giao hàng ngô trong tuần vừa rồi chỉ ở mức 563,000 tấn, thấp hơn mức 671,000 tấn trong tuần vừa rồi. Điều này cũng góp phần khiến cho lũy kế xuất khẩu ngô của Mỹ thấp hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lúa mì là mặt hàng duy nhất giữ được sắc xanh trong bối cảnh nhóm các mặt hàng nông sản đồng loạt chịu áp lực bán. Giao hàng lúa mì trong tuần đạt 231,854 tấn, tăng 41% so với tuần trước. Sau hơn 3 tuần liên tiếp ghi nhận khối lượng giao hàng dưới 200,000 tấn, hoạt động xuất khẩu lúa mì đang cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực hơn.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá các mặt hàng kim loại đồng loạt tăng trở lại. Giá bạc tăng 1.6% lên 24.5 USD/ounce, giá bạch kim tăng mạnh 2.3% lên 1060 USD/ounce. Cả hai mặt hàng kim loại quý được hỗ trợ khá nhiều khi đồng USD sụt giảm nhẹ.

Chỉ số Dollar Index giảm còn 90.05 điểm. Tuy nhiên, đà tăng của nhóm kim loại quý bị kìm hãm ít nhiều khi mà thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường tiền điện tử tăng trưởng mạnh. Cả ba chỉ số chính là Dow Jones, S&P500, Nasdaq đều tăng trong phiên hôm qua. Đồng Bitcoin cũng quay trở lại mức 66,000 USD và có thể lập đỉnh cao nhất mọi thời đại mới. Mức lợi suất Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng nhẹ trở lại lên 1.46%, cho thấy một phần dòng tiền được rút khỏi các tài sản an toàn. Bên cạnh đó, bạc và bạch kim cũng là những kim loại quan trọng trong công nghiệp, nên khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật hạ tầng trị giá 1,200 tỷ USD, giá hai mặt hàng kim loại quý ngoài được hỗ trợ nhờ những lo ngại lạm phát thì còn được hỗ trợ nhờ triển vọng tiêu thụ trong giai đoạn sắp tới.

Các mặt hàng kim loại cơ bản cũng hồi phục tích cực trong phiên hôm qua. Giá đồng trên Sở COMEX tăng 1.3% lên 4.399 USD/pound, trong bối cảnh xuất khẩu đồng của Trung Quốc trong tháng 10 tăng và xoa dịu những lo ngại về triển vọng của thị trường. Khối lượng hàng xuất đi tăng 27% so với so với cùng kì năm trước cho thấy các hoạt động sản xuất của Trung Quốc vẫn ổn định dù các nhà máy phải đối mặt với chính sách phân bổ điện.

Dự trữ đồng trong các kho Sở LME đã giảm hơn một nửa kể từ cuối tháng 8 xuống còn 115,525 tấn. Giá quặng sắt cũng tăng nhẹ 0.7% lên 92.1 USD/tấn, tuy nhiên, đây nhiều khả năng là mức hồi phục nhẹ trước khi giá giảm sâu hơn. Trong khi các kim loại khác được hỗ trợ nhiều từ dự luật hạ tầng mới của Mỹ, thì giá quặng sắt vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi Bắc Kinh vẫn duy trì cắt giảm sản lượng thép tới ít nhất là cuối năm nay.